"Trong hệ thống bảng lương mới, chúng tôi sẽ thiết kế một bảng lương dành cho các chức danh, chức vụ lãnh đạo được bầu và bổ nhiệm.
Chẳng hạn, một người giữ chức danh vụ trưởng như tôi sẽ có một mức lương cố định là 17 triệu đồng, ai giữ vị trí này thì được hưởng mức lương đó, không làm vị trí này nữa thì hưởng mức lương của công việc mới và không phải thi nâng ngạch như trước nữa. Bảng lương này sẽ được thiết kế dựa trên cơ sở cân đối từ mức cao nhất là tổng bí thư, chủ tịch nước cho tới lãnh đạo cấp xã.
Ngoài ra, sẽ có một bảng lương chuyên môn áp dụng chung cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này bảo đảm tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo, thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ phát triển để được tăng lương, không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo.
... Một trong những mục tiêu đầu tiên của đề án cải cách lần này là điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất để tiệm cận với thị trường lao động, bảo đảm công chức, viên chức có thể sống được bằng tiền lương. Bên cạnh đó, cơ cấu tiền lương cũng sẽ được thiết kế lại để giảm tỉ lệ phụ cấp từ trên 40% xuống dưới 30%, khắc phục tình trạng méo mó, lương thấp mà phụ cấp nhiều như hiện nay. Khi đó, tiền lương sẽ là thu nhập chính của công chức, viên chức, phụ cấp chỉ là một phần nhỏ".
(Ông NGUYỄN QUANG DŨNG, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), cho biết trên Báo Thanh Niên về đề án Cải cách chính sách tiền lương dự kiến trình Hội nghị Trung ương 7 (khai mạc ngày 7-5).
Bình luận (0)