"Cho đến nay, dù đã 30 năm trôi qua kể từ ngày 14-3-1988, sự kiện lịch sử này vẫn được gọi bằng những tên khác nhau: "Hải chiến Gạc Ma 1988", "Hải chiến Trường Sa 1988", "cuộc thảm sát Trường Sa 1988", "cuộc chiến xâm lược Gạc Ma 1988", "Trận chiến bảo vệ Trường Sa 1988"… tùy theo nhìn nhận, đánh giá và thậm chí, cả cảm xúc riêng của mỗi người. Tuy nhiên, trong lịch sử quân sự thế giới, tên gọi của mỗi cuộc chiến, trận đánh thường phản ánh đúng quy mô, tính chất, hình thức tác chiến…
Sự kiện lịch sử này không hội đủ các điều kiện về tương quan lực lượng, mục tiêu, đối tượng tác chiến cũng như thủ tục tuyên chiến theo thông lệ chiến tranh. Vì vậy, không thể gọi là "Hải chiến"…, mặc dù đụng độ xảy ra trên biển.
Chúng ta có thể khẳng định rằng đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, chứ không phải là một "Hải chiến" như cách gọi của nhiều người. chúng ta nên gọi là "Cuộc xâm lăng của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa năm 1988" hoặc "Cuộc chiến đấu tự vệ và bảo vệ Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam năm 1988".
... Không nên chỉ chú tâm vào 28 phút giao tranh sáng 14-3 và chiến công oanh liệt và bi tráng của 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam ở Gạc Ma, nhưng không thấy được thắng lợi toàn cục trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988 (CQ88) trong điều kiện vô cùng khó khăn, ngặt nghèo và nguy hiểm. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận các vấn đề lịch sử bằng tư duy khoa học, khách quan, cầu thị và thiện chí, dùng đối thoại thẳng thắn và kịp thời để hóa giải các tin đồn thất thiệt ấy".
(Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết trên VOV)
Bình luận (0)