Theo chị Ngọc, tối 12-11, chị dẫn con trai P.M.B.K (9 tuổi) đến khu vui chơi T.P ở Thiso Mall Sala (đường Mai Chí Thọ, phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP HCM). Sau khi mua vé cho con vào chơi trò chơi leo núi ở khu vui chơi T.P, chị Ngọc sang quầy nước đối diện. Một lúc sau, chị Ngọc hay tin con trai bị té nên vội chạy đến kiểm tra.
Bé K. được một số nhân viên khu vui chơi hỗ trợ đưa xuống phòng y tế. Thấy tình hình nghiêm trọng, chị Ngọc đưa con đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức kiểm tra. Bác sĩ xác định bé K. bị gãy nhiều xương bàn chân (gãy kín đốt bàn chân ngón 2, 3 chân trái) nên được bó bột và điều trị.
Sau đó, gia đình chị Ngọc liên hệ khu vui chơi T.P để giải quyết. Sau 3 lần thay đổi lịch hẹn, phía khu vui chơi T.P tiếp tục hẹn làm việc vào ngày 12-12, song gia đình chị Ngọc có lịch công tác nên không đến được. Cũng theo chị Ngọc, con trai chị nằm viện nhiều lần, viện phí lần đầu do chị chi trả, những lần sau là do phía khu vui chơi T.P chi trả.
"Gia đình tôi cần công ty xin lỗi và có trách nhiệm hơn. Chưa kể công ty kinh doanh liên quan đến trẻ em thì phải quản lý tốt, hướng dẫn trẻ kỹ càng trước khi vui chơi, nhất là các trò chơi mạo hiểm như leo núi" - chị Ngọc nêu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện khu vui chơi T.P cho biết công ty vẫn đang theo sát quá trình thăm khám ở bệnh viện và chi trả hết các khoản chi phí. Mặt khác, công ty nỗ lực tìm hướng trao đổi với gia đình để tìm tiếng nói chung.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM), đánh giá: Đã không ít lần tại một số nơi kinh doanh trò chơi nguy hiểm cho trẻ em xảy ra tai nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em. Vì vậy, việc kiểm định, kiểm tra, vận hành phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Đối với từng loại hình trò chơi, phải có quy định cụ thể về độ tuổi tham gia, các biện pháp bảo đảm an toàn và phải luôn có nhân viên cứu hộ túc trực.
Trong trường hợp tai nạn xảy ra, phải xác định doanh nghiệp kinh doanh khu vui chơi giải trí có tuân thủ các nguyên tắc về bảo đảm an toàn hay chưa để làm rõ yếu tố lỗi. Với trường hợp bé K., leo núi là một trò chơi nguy hiểm đối với trẻ em nhưng nhân viên chỉ cho trẻ mặc đồ bảo hộ mà không móc dây an toàn là đã vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn cũng như các quy tắc về vận hành trò chơi. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc bồi thường toàn bộ thiệt hại khi xảy ra sự cố.
"Cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra về điều kiện kinh doanh cũng như vận hành các khu trò chơi để không xảy ra tai nạn. Cũng cần mua bảo hiểm tại các khu vui chơi, bảo đảm quyền lợi cho trẻ" - luật sư Trần Minh Hùng nói.
Bình luận (0)