13 giờ 30 phút ngày 30-4, con tàu KN 290 hú còi chào đảo Trường Sa Lớn. Các thành viên trong đoàn công tác đều nôn nao ra bên mạn tàu chụp hình, ngóng về đảo. Đảo hiện dần lên trong tiếng cười reo, nhiều tàu của ngư dân neo đậu, một dải màu xanh trên đảo gần lại trong tầm mắt.
Đoàn kết, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ
Đây là đảo lớn nhất trong các đảo của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, hệ thống hạ tầng cũng được đầu tư xây dựng nhiều hơn nhờ điều kiện thuận lợi về diện tích. Đảo có sân bay với đường băng dài, rộng. Trong khi các đảo khác tàu phải neo đậu cách bờ, chờ xuồng đón người vào thăm đảo thì Trường Sa Lớn đã xây được bến cảng rộng lớn với cầu cảng cho tàu lớn cập bờ.
Tàu buông neo, chúng tôi đặt những bước chân đầu tiên lên đảo, qua chiếc cầu dẫn vào cơ ngơi của đảo, đơn vị hành chính là thị trấn Trường Sa của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nhìn những trụ bê-tông chắn sóng và bờ kè lớn bao quanh đảo, trong lòng dâng lên niềm tự hào về biển đảo thiêng liêng, vững chãi của Tổ quốc.
Hai bên cổng chính là cây bão táp, cây phong ba chào khách cùng những câu khẩu hiệu đầy ý nghĩa, xúc động lòng người. Loài cây đặc trưng của Trường Sa là cây bàng vuông và cây tra cũng được trồng nhiều. Trời xanh, biển xanh, màu xanh trên đảo càng khiến người ra thăm đảo thêm vui trong những ngày tháng 4, kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Trường Sa.
Chúng tôi gặp những hộ dân đầu tiên trong đoàn quân dân của đảo ra đón. Một trong 7 hộ dân ở đây, chị Trần Thị Minh Diệu - quê Khánh Hòa, có chồng là dân quân trên đảo, có 2 con - nói đã quen sống ở đảo. Các gia đình quây quần trong khu nhà ở khang trang, các con được học ở trường của thị trấn và nhà trẻ gần đây, có đủ sân chơi cho các bé. Được sự quan tâm của Ban Chỉ huy đảo, các gia đình đoàn kết, cùng nhau làm tròn trách nhiệm công dân, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trước đó, vào ngày 28-4, chúng tôi đến đảo Sinh Tồn, một trong 4 đảo của huyện đảo Trường Sa có cư dân sinh sống (Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây A, Sinh Tồn). Tôi hỏi chuyện hai người: Trần Thị Thu Hiền, quê Nam Định, lập nghiệp ở Nha Trang và Mai Thị Út Lan, quê Khánh Hòa. Cả hai đều ra đảo từ giữa năm 2023, chồng là dân quân trên đảo.
Hiền sinh năm 1990, có 1 con gái sinh năm 2018 học lớp 1 tại trường trên đảo. Út Lan sinh năm 1991, có 1 con 6 tuổi. Đảo Sinh Tồn có 7 gia đình trẻ, 11 cháu bé, bé nhiều tuổi nhất học lớp 5. Thấy các bác trong đoàn ra thăm, các bé ra chào, được tặng gấu bông, được ăn kem, những gương mặt bụ bẫm sáng bừng lên, rất đáng yêu.
Cuộc sống ở đảo Sinh Tồn khá tiện nghi với điện mái nhà, nước ngọt đầy đủ, có trường học và bệnh xá chăm lo sức khỏe cho dân và bộ đội với 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 2 y tá, luôn hết lòng hoàn thành nhiệm vụ...
Gắn bó như người một nhà
Đoàn công tác bước qua đường băng rộng, đến cột mốc chủ quyền làm lễ chào cờ, sau đó qua dâng hương tại đài tưởng niệm và dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua chùa dâng hương, làm lễ. Chùa ở đảo Trường Sa Lớn xây dựng bề thế trên diện tích rộng, khuôn viên đầy cây xanh bóng mát.
Theo chân lãnh đạo đoàn công tác, chúng tôi đến trường học của thị trấn Trường Sa, gặp 2 thầy giáo Cao Văn Truyền, Lê Xuân Hạnh và các cháu nhỏ. Điểm trường này có 10 cháu, các bé đồng thanh hát 2 bài chào đoàn là "Chào Trường Sa", "Quê em là Trường Sa". Các thầy cho biết đang có 6 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 3. Thầy Truyền quê ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, dạy học hơn 10 năm, 10 tuổi Đảng, mới tình nguyện ra đảo hơn 1 năm.
Vợ thầy làm cán bộ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Khánh Sơn, vợ chồng có 2 con - lớp 3 và sắp lên lớp 1. Thầy Hạnh 54 tuổi, cũng xung phong ra đảo được 1 năm. Mỗi năm các thầy được về phép 25 ngày. Dù xa nhà nhưng thầy Truyền nói các bé rất quấn quýt các thầy và rất ngoan nên cũng an tâm công tác. Các thầy yêu trẻ, gắn bó với các đơn vị ở đây như người một nhà.
Cũng như đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa Lớn có 7 hộ gia đình sinh sống. Trước khu nhà ở khang trang, bên bộ bàn ghế đá, các gia đình quây quần trò chuyện cùng lãnh đạo TP HCM và lãnh đạo Quân chủng Hải quân. Trả lời câu hỏi của Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc, các cô cho biết đều có chồng là dân quân trên đảo, các cô làm cấp dưỡng, thợ may hoặc nội trợ.
Các gia đình đều được chăm lo chu đáo nên an tâm sinh sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trung tá Trần Quang Phú - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa - báo cáo: Nhà do tỉnh xây, huyện chu cấp bếp gas, điện nước, nhu yếu phẩm, sách, có hội phụ nữ tổ chức sinh hoạt, chăm lo "Bát nước thao trường" cho chiến sĩ khi huấn luyện.
Trò chuyện với các hộ dân, Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân và Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc thăm hỏi, dặn dò, nói có gì khó khăn liên quan đời sống, gia đình thì phối hợp chỉ huy đảo giải quyết trong quan hệ quân dân một cách tận tình, hiệu quả.
Hẹn gặp lại Trường Sa
Theo Chuẩn Đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy vùng 4 Hải quân, qua 49 năm xây dựng và phát triển, thế và lực Trường Sa thay đổi rất nhiều. Đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, của cả nước và sự nỗ lực, ý chí kiên cường của cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) và nhân dân Trường Sa.
Ông khẳng định: "Vùng 4 Hải quân xin hứa trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành tuyệt đối, tâm vững chí bền, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, chiến đấu thắng lợi. Cảm ơn tình cảm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP HCM dành cho Trường Sa".
Chiều buông, chúng tôi bước ra vụng biển. Hàng chục tàu cá của ngư dân neo đậu, cờ Tổ quốc đỏ rực một góc trời. Đây là những lá cờ của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động khởi xướng, thực hiện từ những năm qua. Đảo Trường Sa Lớn là nơi tập trung đông tàu cá nhất, để trung chuyển hải sản khai thác về bờ, để neo đậu, nhận tiếp tế, chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi dài ngày của ngư dân Bình Định, Khánh Hòa…
Đêm trên đảo Trường Sa Lớn, bộ đội và các văn nghệ sĩ của TP HCM cùng các thành viên đoàn công tác đã hát những bài ca, nắm tay nhau nhảy múa. Những lời chân thành dành cho Trường Sa đã được tỏ bày, ánh mắt, nụ cười rạng rỡ. Đêm liên hoan kết lại khi tất cả cùng nhau cất lời "Khúc quân ca Trường Sa" vang dội: "Ngày qua ngày, đêm qua đêm/ Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa/ Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua"…
Đến lúc phải chia tay, con tàu tiếp tục hành trình. Đại diện quân và dân Trường Sa đứng trên cầu cảng lưu luyến tiễn đoàn công tác. Mới gặp mà thân thương bởi Trường Sa luôn ở trong trái tim người. Hẹn gặp lại Trường Sa trong tình yêu vô bờ bến.
Trên các điểm đảo, CB-CS và nhân dân đoàn kết gắn bó, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc của ngư dân vươn khơi bám biển. Trong năm 2023, CB-CS đảo Sinh Tồn đã cứu, sửa 12 tàu cá, cấp cứu 16 lượt ngư dân; CB-CS đảo Cô Lin khám và cấp cứu 33 lượt ngư dân; CB-CS đảo Đá Tây B cứu trợ 15 lượt ngư dân; CB-CS đảo Núi Le B khám và cấp gạo cho 17 lượt ngư dân.
Những ngọn hải đăng ở Trường Sa
Đến nay ở Trường Sa đã có 9 ngọn hải đăng ở các đảo: Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát, An Bang, Tiên Nữ, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và Nam Yết, do Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam quản lý.
Tại đảo Đá Tây B, chúng tôi gặp Bùi Văn Hưng, Trạm trưởng trạm hải đăng. Hưng cho biết trạm có 5 thành viên, công việc vất vả những khi gió mưa, bão tố song vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. "Ở đây, chúng tôi với bộ đội trên đảo như anh em một nhà, có việc gì cũng chạy qua giúp nhau, tình cảm gắn bó nên cũng bớt nhớ nhà và làm việc tốt hơn" - Hưng nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5
Kỳ tới: Đem ra yêu thương, đem về niềm tin
Bình luận (0)