Những năm gần đây, thay vì sản xuất đơn canh theo truyền thống, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng cà phê nông - lâm kết hợp. Đến nay, nhiều diện tích cà phê phát triển tốt tươi dưới tán cây bản địa, cây ăn quả.
Bà Trần Mai Hương - ngụ thôn Cợp, xã Hướng Phùng - có khoảng 4,5 ha cà phê trồng dưới tán cây gáo và cây ăn quả. Thời điểm này, vườn cà phê của bà bắt đầu cho thu hoạch với chất lượng quả vượt trội so với sản xuất đơn canh. Bà Hương cho hay sau hơn 5 năm, hiện vườn cà phê của bà chẳng khác gì khu rừng nhỏ với khí hậu mát mẻ và nhiều loại chim chóc, sóc, ong rừng… tìm đến kiếm ăn, hút mật.
Trong quá trình canh tác cà phê, bà Hương không dùng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học. Theo bà Hương, lợi ích mà mô hình này mang lại là quả cà phê chín đều, không bị nám cháy, nhân to và vị đường nhiều. Điều khác biệt là trong khi những vườn cà phê đơn canh đã chín rộ thì vườn của bà quả vẫn còn xanh, việc thu hoạch chậm hơn đến vài tháng.
"Vì thời gian nuôi dưỡng khá lâu nên quả cà phê tích lũy nhiều dưỡng chất và có mùi vị riêng, rất đặc biệt. Giá bán quả cà phê tươi hoặc hạt khô cũng cao hơn gấp nhiều lần so với khi trồng đơn canh" - bà Hương so sánh.
Ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, cho biết trên địa bàn đã có hơn 150 hộ dân thuộc 13 thôn tham gia trồng cà phê theo hướng nông - lâm kết hợp. Về lâu dài, ngoài sản phẩm chính là cà phê, người dân còn có thêm thu nhập từ các loại cây ăn quả, cây bản địa trồng trong vườn. Việc chuyển đổi từ sản xuất cà phê đơn canh sang nông - lâm kết hợp sẽ góp phần nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu và mang lại nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân địa phương.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, mô hình cà phê sinh thái gắn với cải thiện rừng do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) hỗ trợ, thông qua nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch. Dự án sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi 2.500 ha cà phê đơn canh sang sản xuất nông - lâm kết hợp, đồng thời cải thiện 18.000 ha rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ tốt hơn. Năm 2024, dự án đã cấp 50.000 cây bản địa, cây ăn quả cho các hộ trồng trên diện tích 620 ha và đến nay, tổng diện tích cà phê nông - lâm kết hợp tại xã Hướng Phùng đã nâng lên 870 ha.
"Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2027 sẽ chuyển đổi 2.500 ha cà phê sang nông - lâm kết hợp, đồng thời nâng cao thu nhập khoảng 2.000 hộ gia đình lên 40% so với mức hiện nay" - bà Phương tin tưởng.
Bình luận (0)