TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang từng là điểm nóng về nhiều loại tội phạm. Do đặc thù về địa lý và giá trị bất động sản có những thời điểm tăng mất kiểm soát nên "đảo ngọc" trở thành vùng đất màu mỡ cho các đối tượng tội phạm từ khắp nơi kéo đến. Chúng lập băng nhóm hoạt động môi giới mua bán đất, cho vay lãi nặng, bảo kê tranh chấp đất, đòi nợ thuê...
Súng đã nổ...
Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên đảo Phú Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều từ năm 2010 và có chiều hướng ngày càng phức tạp theo mức độ gia tăng của các cơn sốt đất. Dưới mác nhà đầu tư, không ít đối tượng giang hồ đã đến Phú Quốc mua gom đất, kể cả đất không giấy tờ, đất đang tranh chấp, đất rừng phòng hộ...
Những cuộc đụng độ giữa các băng nhóm giành đất, bảo kê tranh chấp đất diễn ra liên tục. Có những vụ các đối tượng giang hồ nhận "tiền công" lên đến hàng chục tỉ đồng nên chúng liều lĩnh, manh động, bất chấp pháp luật. Các đối tượng này sẵn sàng "xử" nhau bằng hung khí khiến du khách và cả người dân địa phương một thời sống trong hoang mang, lo sợ.
Đỉnh điểm là vụ bắn chết người để bảo kê tranh chấp đất với hơn 70 đối tượng từ nhiều băng nhóm giang hồ tham gia vào trưa 27-10-2022, tại ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. Một nhóm hơn 50 đối tượng kết hợp từ các băng nhóm cộm cán ở Phú Quốc mang theo nhiều hung khí và 2 khẩu súng quân dụng, đi trên nhiều ô tô tiến vào "sào huyệt" của băng "Nông trường". Đây là nơi mà các đối tượng xác định "có vào nhưng không có ra".
Khi đến nơi, 2 bên không thể đàm phán được và súng đã nổ, làm 6 người thương vong. Vụ việc này gây chấn động dư luận cả nước. Ngay sau đó, 70 đối tượng lần lượt bị bắt, khởi tố.
Gần 2 năm sau, ngày 7-6-2024, HĐXX TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên án, đưa ra hình phạt thích đáng đối với 70 bị cáo trong vụ tranh giành bảo kê đất ở Phú Quốc. Vụ án kết thúc, bình yên ở "đảo ngọc" được trả lại cho người dân và du khách. Cũng 2 năm qua, các loại tội phạm ở Phú Quốc giảm rõ rệt.
"Cú đấm thép"
Kể lại quá trình điều tra vụ án này, một cán bộ Công an TP Phú Quốc cho biết sau khi xảy ra vụ việc hỗn chiến trưa 27-10-2022, đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, đã chỉ đạo thành lập Ban Chuyên án.
Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, làm Trưởng Ban Chuyên án; trung tá Trương Sa My, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự công an tỉnh (hiện là thượng tá, Phó trưởng Công an TP Phú Quốc) làm phó trưởng ban thường trực, nhanh chóng phá án, bắt các đối tượng. Ban Chuyên án xác định Bùi Minh Trung (tức Trung Cà Mau) tuy không có mặt tại hiện trường nhưng là mắt xích quan trọng nên phải bắt giữ ngay.
Thượng tá Trương Sa My nhớ lại: "Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên các thành viên Ban Chuyên án đã nỗ lực, tận dụng tối đa thời gian "vàng" để truy bắt "nóng" những đối tượng gây án, nhất là các đối tượng cầm đầu. Nhiều mũi trinh sát được phân công bám sát địa bàn, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ khi bắt giữ các đối tượng".
Theo thượng tá Trương Sa My, các đối tượng rất manh động, có cả súng, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt nên các phương án được Ban Chuyên án bàn bạc, tính toán cẩn thận. Chưa đầy 24 giờ sau, lực lượng công an đã khống chế, bắt giữ các đàn em của Trung Cà Mau, cũng là các đối tượng cầm đầu trong vụ việc, như: Nguyễn Văn Lương (tức Hai Lượng), Nguyễn Quốc Vinh, Nguyễn Văn Thái (Thái Bus), Bùi Đức Ngọc. Đến ngày 29-10-2022, Đoàn Thiên Long - đối tượng nguy hiểm nhất và là kẻ đã trực tiếp nổ súng làm 2 người chết, 4 người bị thương - cũng bị bắt khi đang lẩn trốn ở khu đất vắng người cùng với khẩu súng quân dụng.
Chỉ sau 4 ngày vào cuộc, Ban Chuyên án đã bắt giữ gần hết các đối tượng liên quan, thu giữ 3 khẩu súng, 19 viên đạn cùng nhiều tang vật. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã quyết định khởi tố bị can, tạm giam các đối tượng về nhiều hành vi như: giết người; tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép; gây rối trật tự công cộng và che giấu tội phạm.
Trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 7-6 vừa qua, 70 bị cáo đã phải nhận mức hình phạt thích đáng với hành vi phạm tội gây ra. Trong đó, Đoàn Thiên Long bị tuyên mức án cao nhất là tử hình; 2 bị cáo khác bị phạt tù chung thân.
Từ vụ án chấn động dư luận này, tháng 1-2023, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập Tổ công tác 108 nhằm chấn chỉnh và giữ vững tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn phức tạp, đặc biệt là TP Phú Quốc.
Sau gần 2 năm thành lập, Tổ công tác 108 tại TP Phú Quốc do thượng tá Trương Sa My làm tổ trưởng được xem là "cú đấm thép" làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm, góp phần mang lại bình yên cho "đảo ngọc".
Không còn băng nhóm tội phạm phức tạp
Sau vụ 70 đối tượng giang hồ bắn nhau giành quyền bảo kê tranh chấp đất làm 6 người thương vong, với quyết tâm lập lại trật tự trên địa bàn, Công an TP Phú Quốc đã điều tra, xử lý 273 vụ tội phạm về trật tự xã hội, xử lý 477 đối tượng; 166 vụ tội phạm về ma túy với 266 đối tượng; hơn 300 vụ với 335 đối tượng tội phạm về kinh tế, môi trường, nhất là vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng và khoáng sản…
Lãnh đạo Công an TP Phú Quốc cho hay 2 năm qua đã điều tra rất nhiều chuyên án về hình sự, kinh tế, ma túy và tội phạm các loại; kịp thời xử lý nghiêm khắc các cán bộ tham ô, nhận hối lộ, có hành vi bảo kê, nhũng nhiễu, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.
"Với quyết tâm không để hình thành băng nhóm tội phạm trên địa bàn, Công an TP Phú Quốc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, từ đấu tranh, trấn áp cho đến gọi điện trực tiếp răn đe các đối tượng. Trên địa bàn Phú Quốc hầu như không còn băng nhóm tội phạm phức tạp, nếu có cũng không dám manh động phạm tội" - thượng tá Trương Sa My khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-8
Bình luận (0)