Phân tích trên Daily Mail và Huffington Post, các chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa chỉ ra rằng cà phê có thể là "thủ phạm giấu mặt" đằng sau những cơn ợ nóng hay chứng khó tiêu đang hành hạ nhiều người.
Tuy nhiên, lỗi không nằm ở cà phê mà nằm ở cách người ta uống chúng.
Cà phê được nhiều nghiên cứu chứng minh là có lợi cho nhiều hệ cơ quan, bao gồm cả hệ tiêu hóa, nhưng chỉ khi nó được tiêu thụ đúng cách.
Chuyên gia dinh dưỡng Rob Hobson từ Healthspan (Anh) cho biết có một vấn đề chúng ta nên lưu ý: Cà phê là thức uống có tính axit tự nhiên.
"Nếu không có thức ăn đệm axit, dạ dày của bạn có thể phản ứng bằng cách sản xuất nhiều axit hơn nữa và gây ra chứng ợ nóng" - ông Rob Hobson giải thích.
Những cơn ợ nóng thực ra là triệu chứng phổ biến khi chúng ta bị trào ngược dạ dày - thực quản. Hơi và axit từ dạ dày trào lên thực quản và có khi đến miệng, khiến ta cảm thấy vô cùng khó chịu, nóng rát nơi cổ họng.
Số axit này không chỉ do cà phê có tính axit, mà một số thành phần trong cà phê có thể làm tăng mức độ axit trong dạ dày của chúng ta.
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Supriya Rao ở Boston nóin với tờ Huffington Post rằng caffeine kích thích sản xuất hormone gastrin, một loại hormone chịu trách nhiệm sản xuất axit dạ dày.
Mặc dù điều này giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, nhưng nó cũng làm tăng tính axit trong dạ dày.
Các hợp chất có nguồn gốc thực vật được gọi là phenol, cũng có nhiều trong cà phê và cũng góp phần tạo nên mức độ axit trong ruột.
Một nghiên cứu công bố hồi năm 2022 cũng cho thấy cà phê có thể góp phần làm giãn cơ thắt thực quản dưới, tạo điều kiện cho sự trào ngược.
Việc quá thừa axit này cũng có thể gây đau dạ dày và sau đó là sự khó tiêu đối với các bữa ăn.
Các chuyên gia cũng lưu lý rằng "tác dụng phụ" này có thể khác nhau ở từng người.
Đối với một số người, nồng độ axit dạ dày cao hơn do uống cà phê mà không ăn sẽ không gây ra vấn đề gì, nhưng đối với những người khác, nó lại gây khó chịu.
Vì vậy, tốt nhất chúng ta không nên bắt chước nếu thấy người khác vẫn ổn dù bắt đầu ngày mới với chỉ một ly cà phê.
Tất nhiên, đó không phải là thói quen tốt. Theo các chuyên gia, giải pháp tốt nhất vẫn là nên uống cà phê cùng với bữa ăn hoặc chính giữa các bữa, khi bụng không quá rỗng.
Bình luận (0)