Làm việc cho Công ty CP U.H (TP Thủ Đức, TP HCM) hơn 6 năm, đến khi chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 1-2023, ông B.V.H, nhân viên lái xe chở hàng, không chỉ bị nợ lương mà còn bị nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ tháng 1-2022. Vừa bị nợ lương vừa không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), nên cuộc sống của ông H. gặp nhiều khó khăn.
Thiệt đủ đường
Để đòi quyền lợi, ông H. đã khởi kiện công ty ra tòa và được tuyên thắng kiện. Phía công ty bị buộc phải trả một lần khoản nợ lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, dù công ty có nghiêm túc thi hành bản án thì ông H. cũng không thể hưởng quyền lợi về TCTN cho thời gian đã đóng BHTN, bởi đã quá thời hạn làm thủ tục đăng ký (không quá 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động).
Tương tự, bà Mai Thị Thương (tỉnh Bạc Liêu) đã đóng BHTN 2 năm nhưng cũng không được hưởng TCTN khi thất nghiệp. Bà Thương làm việc tại Công ty CP Vật tư Nông nghiệp B.L từ năm 2017 đến 2019. Tháng 12-2019 giám đốc công ty qua đời đột ngột, không có người điều hành nên doanh nghiệp (DN) này ngừng hoạt động từ tháng 1-2020 đến nay.
NLĐ cũng nghỉ việc và không hưởng lương từ thời điểm đó. Do không có người đại diện nên công ty chưa nộp hồ sơ đề nghị ngừng hoạt động gửi cơ quan thẩm quyền xử lý, cũng không thể gửi hồ sơ báo giảm lao động cho cơ quan BHXH để chốt sổ giải quyết chế độ cho NLĐ. Do vậy, hiện bà Thương và nhiều lao động tại đây chưa được nhận bất cứ chế độ nào khi nghỉ việc.
Thời gian qua, cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, song tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều DN, bình quân trên 10.000 tỉ đồng/năm. Đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ cho NLĐ, trong đó có quyền lợi về BHTN.
Riêng tại TP HCM hiện có khoảng 59.000 DN nợ hơn 4.500 tỉ đồng BHXH, BHTN (từ 3 tháng trở lên), ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 800.000 NLĐ. BHXH TP HCM nhận định tình trạng nợ BHXH tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ý thức chấp hành pháp luật của DN còn thấp; việc xử lý các DN trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN gặp khó khăn do vướng mắc từ các quy định pháp luật và chế tài chưa đủ sức răn đe.
Tăng chế tài xử lý vi phạm
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và quyền lợi cho người tham gia BHTN, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung, sửa đổi một số quy định liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, các quy định này chưa đủ sức răn đe.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất (ngày 18-10-2024) đã không còn nội dung quy định biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHTN. Theo ông Nguyễn Ý Quyết, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước Trường ĐH Luật TP HCM, việc loại bỏ quy định này là không hợp lý bởi lẽ các quy định pháp luật xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHTN hiện nay còn nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gây khó khăn khi thực hiện.
Mặt khác, dù biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHTN đã được quy định tại Luật BHXH 2024 nhưng là "luật khung" quy định các vấn đề mang tính chất nền tảng về BHTN và BHTN cũng có đặc thù riêng, do vậy Luật Việc làm cũng cần quy định những nội dung cơ bản về xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng nhằm thiết lập hành lang pháp lý xuyên suốt, vững chắc khi thực thi.
Còn ThS Nguyễn Thị Hoài Trâm, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, nhìn nhận theo quy định tại điều 93 Luật BHXH năm 2014 (điều 16 Luật BHXH năm 2024) và điều 52 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì cơ quan BHXH chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành và xử phạt về việc đóng BHXH, BHTN, BHYT; không có chức năng thanh tra, xử phạt lĩnh vực chi trả và hưởng các chế độ liên quan mà chỉ có chức năng kiểm tra.
Trên thực tế, các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT của NLĐ và chủ sử dụng lao động đều do cơ quan BHXH phát hiện thông qua công tác kiểm tra. Khi phát hiện sai phạm, thẩm quyền chỉ dừng lại ở việc ra văn bản yêu cầu đơn vị thực hiện đúng quy định hoặc từ chối giải quyết chế độ, từ chối thanh, quyết toán, sau đó kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Trong khi đó, quá trình xử lý kiến nghị thường mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ; công tác hậu kiểm sau xử phạt cũng còn bất cập. "Do đó, dự thảo Luật Việc làm cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chỉ trả chế độ BHTN nhằm giúp cho quá trình giải quyết các tranh chấp liên quan đến BHTN được nhanh chóng, hiệu quả, bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi cho NLĐ" - bà Trâm đề xuất.
Làm rõ trách nhiệm người đại diện theo pháp luật
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, nhìn nhận tại điều 89 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về xử lý vi phạm về BHTN. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt các công ty là pháp nhân, còn người đại diện theo pháp luật không bị xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, nên quy định thêm hình thức xử lý vi phạm đối với người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động để thúc đẩy việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật.
Bình luận (0)