Nhà văn Văn Giá vốn là nhà giáo, nhà phê bình văn học đã trình làng 3 tập truyện ngắn gây được nhiều ấn tượng, đó là "Một ngày nát vụn" (2009), "Một ngày lưng lửng" (2015), "Mưa ở Bình Dương" (2019). Và mới đây, "Ai nói và tại sao lại nói như thế?" (ảnh theo bài) là tập truyện ngắn thứ tư, tiếp tục khẳng định vị thế của một nhà văn có chất giọng riêng về truyện ngắn. Ông đã hoàn toàn hội nhập vào đời thực tế, biến những câu chuyện mà mình được nghe trở thành tác phẩm ban tặng cuộc đời này.
Đọc từ đầu đến cuối tập sách này với rất nhiều góc khuất, nhiều mảnh đời khác nhau, tôi mơ hồ cảm nhận ra bút pháp chủ đạo của nhà văn. Ông đã tạo dựng được một kiểu người kể chuyện rất riêng, người ấy là bạn tri âm với bao câu chuyện giữa đời thường thật mặn mà, sâu nặng. Đó là chuyện về những anh trí thức xuất thân từ tỉnh lẻ, bằng nỗ lực học hành đã vượt lên, về thành phố công tác, lấy vợ, sinh con, xây dựng danh tiếng hiện lên lúc đậm lúc mờ, lúc giả lúc thật. Đến tuổi hưu, có anh muốn bỏ phố về quê để hít thở không khí trong lành với thiên nhiên, đến khi va vào thực tế mới thấy giữa ước mơ và thực tế có lắm điều trái khoáy, bất an...
Và chính tiếng nói của tuyến nhân vật - những trí thức có học, đầy lòng tự trọng ấy, họ quá thấu hiểu về phẩm giá và nhân cách của mình, nhưng lại bị xúc phạm, tổn thương, bị đánh mất mình bởi vòng xoáy của những lề thói xấu xa đang phơi bày tràn ngập bao điều oan nghiệt. Truyện ngắn của Văn Giá hòa nhập với đời thường một cách tự nhiên như là nỗi lòng, như là hoài mong của tác giả; nhà văn muốn cất lên bằng chính chất giọng của riêng mình về cuộc sống, con người giữa phàm trần.
17 truyện được tập hợp lại một cách ngẫu hứng trong "Ai nói và tại sao lại nói như thế" nhưng cũng rất bài bản, hài hòa thể hiện những suy ngẫm, quan sát của nhà văn trong cuộc sống. Ông đã dấn thân, sát sườn, nhìn nhận thấu đáo, thể hiện thái độ của một người trí thức đương thời rất rõ nét trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn trong "Bức tường rào", "Một góc trời xa", "Người chú họ ở làng Ngoài", "Người đàn bà bên kia sông", "Về nơi chốn mới", "Quán ông già"...
Hầu hết các truyện ngắn này đều quan tâm tới lời nói, bao gồm ai nói, tại sao lại nói vậy, tính biểu nghĩa đậm nét bộc lộ tính cách nhân vật và bối cảnh cốt truyện. Nhà văn Văn Giá trở thành người kể chuyện bằng lối kể tưng tửng đặc trưng, tất cả các truyện đều có giọng bỡn cợt, tự trào, đôi khi khôi hài nhưng lại chạm nỗi đau vào trái tim người đọc.
Cũng trong tập sách này, Văn Giá còn dành dung lượng lớn để kể các chuyện làng quê, người quê, tục quê trong những "Đồng bạc lấy may", "Hưu quê", "Người chú họ ở làng ngoài", "Người đàn bà bên kia sông". Sự hồi tưởng kéo theo khung cảnh, biến cố, nỗi đau lẫn kỷ niệm đẹp của đoạn đời niên thiếu. Mỗi truyện ngắn của Văn Giá gói trong đó cả một kiếp người, một gia đình, một làng quê, từng số phận bị cơn bão cải cách ruộng đất tàn phá càn quét khủng khiếp như thế nào.
Văn Giá kể về một làng quê mang hồn cốt Việt Nam mà đọc nó ta tưởng như chính là làng quê của mình, những người nông dân chất phác lương thiện chăm chỉ cần cù, một sương hai nắng trên ruộng đồng, dưới bến sông và sau lũy tre làng, tôi cứ ngỡ như ngôi làng của mình. Truyện ngắn của Văn Giá đa thanh, đa giọng, cựa quậy bứt phá. Cái hấp dẫn của ông ở khẩu ngữ, ở văn nói.
Văn Giá khác biệt người khác, ông có lối viết "tửng tưng", đôi khi tỏ ra hơi lạnh lùng, đâu đó lại đan xen sự bỡn cợt đặc thù, nhưng vẫn không giấu được một trái tim nồng hậu, ấm nóng, trái tim luôn khao khát hướng về những điều tốt đẹp, thiện lương.
Tôi có một vài lần ngồi với nhà văn Văn Giá, ông vốn rất kiệm lời, ít nói, lại luôn chăm chú lắng nghe chuyện của người khác. Có phải vì thế mà trong mỗi truyện ngắn của ông tổ chức cấu tứ, bố cục lạnh lùng, khắc họa tính cách nhân vật đa tầng lồng trong không gian giữa người kể chuyện và nhân vật trữ tình như hai người bạn tri âm với bao buồn vui chua xót giữa đời này.
Nhà văn đã tạo ra được hình tượng lời nói, tạo ra được những truyện kể giữa đời thường bằng giọng nói lạnh lùng, thấu cảm, nhằm miêu tả những gì diễn ra trong cuộc sống từng giờ, tưởng như chuyện của một người mà là chuyện của nhiều người, chuyện của đời này nhưng lại là chuyện của bao đời.
PGS-TS Ngô Văn Giá nguyên là Trưởng Khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa (Hà Nội), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là người chuyên viết nghiên cứu - lý luận, ông có đến 7 tập sách về tiểu luận, phê bình, chân dung văn học. Ông còn là tác giả của 3 giáo trình về cách viết phê bình văn học, đặc biệt là sáng tác truyện ngắn.
Dù theo đuổi sự nghiệp văn chương hay các hoạt động khác ngoài văn chương, ông đều luôn nhiệt huyết, thể hiện tiếng nói giản dị nhưng đầy kiên quyết dưới mọi hình thức.
Bình luận (0)