Sự thành công của chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên do VTV3 và Cát Tiên Sa tổ chức đã thành công ngoài sức tưởng tượng (thể hiện qua tỉ suất người xem chương trình và cụ thể hơn là giá của các spot quảng cáo được phát sóng trong chương trình). Đây chính là động lực để nhiều chương trình khai thác thí sinh nhí khác ra đời.
Trẻ con thi, người lớn quyết định
Giọng hát Việt nhí tự tin bước vào mùa thứ hai trên sóng VTV3, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Vũ điệu tuổi xanh,... chuẩn bị lên sóng mùa đầu tiên. Không khó để nhận ra sự khác biệt của các chương trình này so với nhiều chương trình thiếu nhi khác ở chỗ mục tiêu nhắm đến đối tượng phục vụ là khán giả người lớn dù thí sinh đều là trẻ con.
Tất nhiên, lượng khán giả nhí của các thí sinh trong cuộc thi này không ít nhưng chẳng thấm tháp so với lượng khán giả người lớn. Người lớn lao vào những cuộc chơi trẻ con tranh luận hăng say, nhắn tin bình chọn để quyết định người chiến thắng chứ không phải khán giả trẻ con. Minh chứng là lượng fan (người hâm mộ) của các thí sinh trong chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên: Quang Anh, Phương Mỹ Chi, Ngọc Duy… lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn thể hiện qua những diễn đàn mạng được lập nên khi cuộc tranh tài giữa các em tại cuộc thi bắt đầu bước vào hồi gay cấn.
Ngay sau khi cuộc thi tài kết thúc, một vài giọng ca đứng đầu của chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu như Quang Anh, Phương Mỹ Chi trở nên đắt sô nhất trên các sân khấu ca nhạc dành cho người lớn và sau đó nhanh chóng có tên trong danh sách ứng viên nặng ký của một số giải thưởng âm nhạc tiếng tăm do công chúng bầu chọn trong năm.
Sự tham chiến mạnh mẽ của công chúng người lớn trong những cuộc chơi của trẻ con giúp các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình thực hiện tham vọng khai thác lợi nhuận từ đối tượng trẻ con và họ đã thành công.
Đầu tư vì người lớn
Nếu như chương trình Đồ Rê Mí nhắm đến khán giả lứa tuổi nhi đồng từ cách trang trí sân khấu, nội dung chương trình, bài hát trình diễn… thì Giọng hát Việt nhí rõ ràng “đẳng cấp” hơn hẳn về yếu tố giải trí nhằm phục vụ cho người lớn. Từ thiết kế sân khấu, mức đầu tư kinh phí đến cách xây dựng nội dung chương trình đều hướng đến mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của khán giả người lớn. Chưa kể giờ phát sóng của các chương trình này toàn là “giờ vàng”, thời điểm các em học sinh cùng lứa tuổi cần phải học tập còn người lớn thì đang rảnh rỗi để “đua” cùng thí sinh trong chương trình. Một sân khấu hoành tráng đúng chuẩn, những chương trình biểu diễn trực tiếp thể hiện rõ nét kỹ năng ca hát của thí sinh, những biến ảo đầy màu sắc của ê-kíp thực hiện qua mỗi đêm diễn khiến cho chất lượng giải trí ở những chương trình này thật sự có sức hút.
Nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng cao. Vì vậy, mỗi tiết mục trình diễn trực tiếp của thí sinh nhí vẫn được nhà sản xuất chương trình đầu tư tiền bạc và công sức đôi khi còn lớn hơn so với ca sĩ chuyên nghiệp. Ngay cả bài hát trình diễn của thí sinh cũng được chọn từ những bài hát nổi tiếng của ca sĩ chuyên nghiệp được hòa âm phối khí lại, được dàn dựng biểu diễn khác lạ hơn. Mục đích là để thí sinh nhí trưng trổ tài năng để chinh phục khán giả người lớn hơn là mang đến một tiết mục đáng yêu phù hợp với lứa tuổi của chúng.
Một người trong giới chuyên môn nhận định rằng ban tổ chức hay ê-kíp thực hiện chương trình luôn biện minh do khan hiếm ca khúc phù hợp với lứa tuổi các em nên họ phải chọn ca khúc của người lớn cho các em hát. Thực tế, không hề thiếu ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Chỉ có điều, nhà tổ chức muốn các em thi tài thể hiện những ca khúc của người lớn để tạo sức cuốn hút khán giả người lớn mà thôi.
Dễ bị tổn thương
Khán giả người lớn lao vào cuộc chơi trẻ con, say sưa bình luận, dự đoán, lập fan club (câu lạc bộ người hâm mộ), thậm chí tỏ tình cảm yêu ghét thái quá của mình đối với các em mà không hề nghĩ đến hậu quả làm tổn thương tâm hồn các em.
Khi sân chơi có thắng - thua, khẩu chiến dễ dàng nổ ra giữa các fan của các thí sinh trên diễn đàn. Sự mắng nhiếc vô lối, những lời nguyền cay độc, những danh xưng tục tĩu được người lớn các phe gắn cho các em luôn đủ sức đốn ngã tinh thần bất cứ ai, nhất là trẻ nhỏ lại càng không chịu đựng nổi.
Năm trước, ngoài phần nhật ký của phụ huynh thí sinh Lương Thùy Mai gây xôn xao dư luận khi “bóc trần” chuyện hậu trường đưa con đi thi, sự tranh cãi giữa một số fan của Quang Anh và Phương Mỹ Chi - hai thí sinh được yêu mến trong cuộc thi Giọng hát Việt nhí mùa đầu - cũng làm nóng các diễn đàn, mạng xã hội dù bản thân hai em vẫn thân thiết nhau ở ngoài đời. Trong thời gian diễn ra chương trình, mạng xã hội còn xuất hiện nhiều trang anti (chống đối) Quang Anh. Đặc biệt, trước đêm công bố kết quả, dân mạng lan truyền công văn được cho là của Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND phường Đông Sơn, Thanh Hóa kêu gọi bình chọn cho Quang Anh khiến chiến thắng của cậu bé 12 tuổi này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Ở lứa tuổi đang phát triển, tâm lý các em chưa ổn định, những ứng xử không đúng của người lớn dễ gây tổn thương cho các em và dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Bình luận (0)