Như Báo Người Lao Động đã thông tin, TAND TP HCM vừa yêu cầu bà Tạ Thùy Châu - con gái họa sĩ Tạ Tỵ, người đứng đơn kiện vụ mạo danh họa sĩ này ký tên lên bức tranh không phải của ông mang tên “Trừu tượng”, trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra từ ngày 10-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM - chứng minh công dân Tạ Văn Tỵ ký bút danh Tạ Tỵ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho nguyên đơn mà còn tạo ra dư luận lo ngại trong giới văn nghệ và công chúng.
“Thôi rồi Lượm ơi!”
Khi biết thông tin này, không ít người thuộc giới sáng tác đã giật mình và thốt lên: “Thôi rồi Lượm ơi!”. Câu ấy nghe ra da diết, sầu não lắm vì có thể đẩy vấn đề đi vào ngõ cụt. Khác gì “đánh đố” nhau nhưng biết thế nào được. Đã nói đến chuyện pháp lý, đối chất trước tòa nhằm làm sáng tỏ một vấn đề nào đó, bao giờ “quan tòa” cũng thực hiện theo nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung”.
Hình bìa “Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam” cùng trang giới thiệu họa sĩ Tạ Tỵ
Lâu nay, có một sự thật hiển nhiên: văn nghệ sĩ có quyền ký nhiều nghệ danh khác nhau. Nguyên cớ vì sao có bút danh đó, chẳng ai có thể chứng minh rõ ràng dù đã nghe chính tác giả nói nhưng làm gì có “giấy trắng mực đen”, làm gì có “dấu đỏ” của cơ quan chức năng xác nhận?
Dù vậy, không chỉ đồng nghiệp mà ngay cả dư luận cũng mặc nhiên thừa nhận, chẳng hạn: Tú Mỡ là bút danh của Hồ Trọng Hiếu, Tản Đà là nghệ danh của Nguyễn Khắc Hiếu, Thiên Hư cũng là bút danh của Vũ Trọng Phụng, Phan Ngọc Hoan cũng là nghệ danh của Chế Lan Viên… Tại sao họ ký nghệ danh đó? Không thể tìm được chứng cứ gì rõ rệt, nếu hiểu theo nguyên tắc của pháp lý.
Xin dừng lại một chút với nghệ danh Thiếu Sơn. Nói đến công dân Lê Sỹ Quý, chẳng mấy ai biết nhưng Thiếu Sơn đã là một “từ khóa” của văn học Việt Nam hiện đại. Trong hồi ký của mình, Thiếu Sơn cho biết: “Trước khi lấy bút hiệu Thiếu Sơn, tôi đã dùng nhiều bút hiệu khác. Thi sĩ Đông Hồ của Hà Tiên đã gửi thư cho tôi làm quen và hỏi về ý nghĩa của 2 chữ Thiếu Sơn. Tôi trả lời là lòng người hoặc để ở sông hoặc để ở núi. Tôi thích núi hơn sông vì sông chảy mà núi đứng. Nhưng tôi không muốn nó già nua cằn cỗi, do đó mà đặt là Thiếu (là trẻ) Sơn (là núi)…” (“Thiếu Sơn nghệ thuật và nhân sinh”, NXB Giáo Dục 2008, tr.219).
Những dòng chữ này do chính tác giả viết, công bố lúc còn sống, liệu có là chứng cứ trước tòa nếu xảy ra sự tranh chấp về bút danh?
Lại có những trường hợp éo le hơn, nhiều người là đàn ông nhưng lại ký nghệ danh rất phụ nữ thì lấy gì chứng minh? Chẳng hạn, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh ký nghệ danh Đào Thị Loan; Nguyễn Vỹ ký Lệ Chi, Diệu Huyền; Phạm Cao Củng ký Phạm Thị Cả Mốc; Lê Văn Trương ký Cô Lý; Hồ Dzếnh ký Lưu Thị Hạnh; Vũ Bằng ký Cô Ngã (lúc làm tờ Vịt Đực); Hoàng Thiếu Phủ có lúc ký Hà Tiên Cô; Vũ Hạnh ký Cô Phương Thảo; Trần Văn Thạch ký Trần Như Liên Phượng…
Hơn nữa, có một sự thật phổ biến trong “trường văn trận bút”, như xác nhận của đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, là “ở Việt Nam hiện chưa có cơ quan nào chứng nhận nghệ danh cho nghệ sĩ. Chính vì thế, không ít phiền hà đã nảy sinh như nêu trên. Việc đặt nghệ danh là quyền cá nhân, trong khi quản lý nghệ danh theo tên thật lại là việc của Bộ Tư pháp” (Báo Người Lao Động số ra ngày 21-8).
Vậy yêu cầu của tòa án buộc gia đình họa sĩ Tạ Tỵ phải chứng minh như vừa nêu quả thật là điều không tưởng.
Kỷ yếu, niên giám có tính pháp lý?
Tuy nhiên, từ thực tế nêu trên, vẫn có thể căn cứ vào những tập kỷ yếu của hội, đoàn nghề nghiệp mà các văn nghệ sĩ đó đã/đang sinh hoạt để chứng minh. Những thông tin về lý lịch, số nhà, số điện thoại, tác phẩm được công bố trong kỷ yếu do chính họ cung cấp thì có là một chứng cứ pháp lý?
Riêng về trường hợp họa sĩ Tạ Tỵ, có tìm thấy một chứng cứ hết sức rõ ràng và thuyết phục: Năm 1970, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa (8 Nguyễn Trung Trực) của chế độ Sài Gòn có ấn hành tập sách “Niên giám văn nghệ sĩ và Hiệp hội Văn hóa Việt Nam 1969-1970”. Sách dày 814 trang, khổ 16,5 x 24,5 cm. Danh sách văn nghệ sĩ trong tập sách này xếp thứ tự chữ cái theo hệ thống abc.
Phần của họa sĩ Tạ Tỵ như sau (nguyên văn): “Tỵ (Tạ) sinh ngày 24-9-1922 tại Hà Nội. Hiện viết văn, làm thơ, vẽ. Cư ngụ tại: 18/8 Phan Văn Trị, Gia Định. Điện thoại: Quân sự 41.708. Thành tích văn hóa - Những tác phẩm đã xuất bản: Những viên sỏi, Nam Chi Tùng Thư, 1962; Yêu và thù, Phạm Quang Khai, 1969-1970. Cùng những họa phẩm lập thể triển lãm tại Hà Nội (1951), tại Sài Gòn (1956-1961). Tác phẩm dự định xuất bản: Hoài ca (thi phẩm), Triển lãm hội họa trừu tượng và 50 khuôn mặt văn nghệ sĩ. Tiểu sử: Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, 1943. Đã cộng tác với các Tạp chí văn học: Thế Kỷ, Quê Hương (Hà Nội), Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Hiện Đại, Văn Học…” (tr.269).
Từ thực tế về việc văn nghệ sĩ có nghệ danh như vừa nêu, thiết nghĩ chứng cứ từ kỷ yếu, niên giám nhằm “quản lý” họ cũng cần được chấp nhận như một chứng cứ pháp lý. Đối chiếu với các giấy tờ của công dân Tạ Văn Tỵ, ta sẽ thấy những thông tin trên là sự trùng khớp. Có như thế, vấn đề đang được dư luận quan tâm mới có hướng giải quyết rốt ráo.
Qua vụ kiện tụng này, vấn đề đặt ra lâu dài cho văn nghệ sĩ vẫn ở chỗ cần tiến hành đăng ký bản quyền không chỉ tác phẩm mà còn cả nghệ danh nữa, nếu muốn ngăn ngừa xảy ra trường hợp rắc rối. Nghĩ cho cùng, trường hợp gia đình họa sĩ Tạ Tỵ không của riêng ai. Đây còn là một vấn đề thời sự, thiết thực khiến văn nghệ sĩ Việt Nam phải giật mình trước tình huống có thể xảy ra mà họ cũng như đồng nghiệp chưa lường trước và thật sự quan tâm đến.
Nên đăng ký bản quyền cho tác phẩm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Theo quy định tại điều 93 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do luật định, được tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, với trường hợp của họa sĩ Tạ Tỵ, niên giám hay kỷ yếu có thể được xem là một chứng cứ xác minh quá trình ông tham gia hoạt động nghệ thuật. Tuy nhiên, nó không thể chứng minh được nghệ danh Tạ Tỵ là của công dân Tạ Văn Tỵ”.
Theo luật sư Hậu, nếu muốn ngăn ngừa xảy ra trường hợp rắc rối, về lâu dài, văn nghệ sĩ nên đăng ký bản quyền cho tác phẩm của mình. Bởi lẽ, giấy chứng nhận quyền tác giả sẽ ghi rõ trên đó tên khai sinh đầy đủ, nghệ danh, thời gian sáng tạo tác phẩm… Việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm có thể tránh những rắc rối pháp lý có thể phát sinh, làm chứng cứ pháp lý khi giải quyết tranh chấp tại tòa. Tr.Hoàng
Bình luận (0)