LTS: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Hồ Chủ tịch trong thư gửi giới mỹ thuật Việt Nam cách đây 65 năm (10-12-1951) đã được đưa ra bàn thảo tại buổi tọa đàm “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ”, diễn ra sáng 9-12, do Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật TP HCM tổ chức. Bài viết dưới đây của nhà văn Trầm Hương là một trong những tham luận tại tọa đàm.
Những người viết trẻ đang gánh lấy trên vai trách nhiệm kép khi chính họ vừa làm người kế thừa di sản quý báu của lịch sử mà thế hệ tiền nhân chưa kịp làm đã ra đi vừa là những “chiến sĩ” tiếp tục đồng hành với nhân dân về các vấn đề bức xúc của đời sống đương đại, trách nhiệm giữ gìn chủ quyền quốc gia, sự tha hóa quyền lực, sự xuống cấp đạo đức, sự giằng xé những học thuyết và khuynh hướng, những nỗ lực vươn lên từ sai lầm, đổ vỡ… Nhiều vấn đề ngổn ngang đặt ra cho người viết trẻ.
Sống thờ ơ trên đống vàng của tư liệu lịch sử
Là người cầm bút lớn lên sau chiến tranh, tôi cảm nhận sâu sắc sự giàu có từ tầng tầng lớp lớp trầm tích của lịch sử dân tộc. Máu và nước mắt của cha ông trong dựng và giữ nước để lại di sản lịch sử khổng lồ cho con cháu. Ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ đằng sau những cột mốc lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc nhà văn cầm bút.
Trước di sản quý báu, đồ sộ của lịch sử, nhà văn Việt Nam chúng ta đôi khi không tránh được chạnh lòng trước những tác phẩm văn học của nước ngoài viết về lịch sử Việt Nam. Điều gì khiến các độc giả nước ta đón nhận nồng nhiệt những tác phẩm của các tác giả nước ngoài viết về di sản lịch sử Việt Nam là một câu hỏi thật đáng suy ngẫm.
Phải chăng độc giả cần có cái nhìn trung thực, khách quan nhiều chiều hơn từ những nhà văn - học giả? Phải chăng kỹ năng thu thập thông tin, cách viết của các tác giả nước ngoài mới hơn nhà văn chúng ta, trực diện, xoáy vào tim người đọc với những câu hỏi phản biện? Phải chăng các tác giả nước ngoài có điều kiện, được chính phía Việt Nam ủng hộ khai thác tư liệu hơn? Phải chăng chúng ta đang sống trên đống vàng của tư liệu lịch sử nhưng lại thờ ơ, vọng ngoại? Phải chăng để di sản lịch sử được thăng hoa trong văn học, nhà văn chúng ta phải đọc, phải học, không ngừng khổ luyện, kiên trì, bền bỉ trong sáng tạo văn học nghệ thuật?
Hơn tất cả, những nhà văn lao vào khai thác tầng quặng giàu có từ di sản lịch sử đồ sộ của cha ông rất cần đến sự tiếp sức, động viên một cách xứng đáng và cụ thể. Cần có mũi khoan bén bằng kim cương để khai thác tầng quặng lịch sử quý báu này.
Để khai thác di sản lịch sử hiệu quả, những người cầm bút phải tự học hỏi, nâng mình lên, chủ động tìm đường đi cho tác phẩm, hòa nhập với thế giới. Thế hệ cầm bút cha anh theo quy luật thời gian lần lượt ra đi. Cũng theo quy luật tạo hóa, tre già măng mọc, trách nhiệm khai thác tầng quặng quý báu lịch sử mặc nhiên đặt trên vai những người viết trẻ. Nhưng nếu mầm cây không có đất tốt sẽ khó cho ra những cây xanh tươi tốt, vững chãi. Cần có chiến lược đầu tư sáng tác và quảng bá tác phẩm, đưa văn học nghệ thuật đến đông đảo người đọc trong và ngoài nước, kết nối thế giới. Đây là một việc làm đòi hỏi sự đột phá trong tư duy quản lý văn hóa.
Còn mắc món nợ lớn với đồng bào
Không ít người viết trẻ lao vào chuyện ngôn tình, những câu chuyện giật gân của giới showbiz, những chán chường, vỡ mộng, những phá phách, lật đổ thần tượng, sám hối, những vọng tưởng, thiên di... và không ít tác giả trẻ thành công, có số ấn bản đáng mơ ước. Nhưng nếu văn học chỉ có thế thì người cầm bút thế hệ hôm nay còn mắc món nợ lớn với đồng bào.
Hơn lúc nào hết, văn chương cần đồng hành với nhân dân, chạm đến trái tim con người từ những vấn đề cốt lõi của đời sống. Lịch sử bi tráng, đau thương với những số phận con người hy sinh, oan khuất, lặng lẽ đang chờ những ngòi bút dựng nên một tượng đài bằng chất liệu văn học.
Chuyện hạt gạo, nắm rau, miếng thịt, con cá ngày nay đi vào tâm thức đồng loại con người, đơn giản vì chúng ta sống bằng những điều giản dị ấy. Nhưng hơn lúc nào hết, chúng ta luôn bất an vì lo sợ những thứ nuôi sống mình và những người thân yêu trong gia đình bị nhiễm độc. Chuyện bất cập của nền giáo dục khiến hàng triệu phụ huynh tìm cách đưa con em du học, nhiều người tài đức cũng lìa bỏ quê hương ra đi, không phải để tìm tiện nghi mà cần môi trường sống thích hợp. Chuyện môi trường sống bị ô nhiễm, nạn ngập lụt, bạo lực và xuống cấp đạo đức làm thổn thức, đau nhói những con tim ngỡ vô cảm, chai sạn. Chuyện chủ quyền đất nước, xả độc của các nhà máy làm cá chết hàng loạt, hủy hoại môi trường biển làm đồng bào phẫn nộ, xót xa. Chuyện những người lính thời bình hy sinh khi làm nhiệm vụ khiến đất trời cũng rơi lệ tiễn đưa. Chuyện tai nạn giao thông cướp mất bao tinh hoa, tước đoạt bao mạng sống con người luôn được đặt trên các bàn nghị sự. Chuyện tham nhũng, bất công, lợi ích nhóm, tha hóa quyền lực làm xói mòn lòng tin khiến xã hội nhức nhối… Hơn lúc nào hết, độc giả cần có những trang viết đồng hành với mối an nguy, trăn trở của dân tộc.
Để có những trang viết đồng hành cùng với đời sống đồng bào, ngoài tài năng, nhà văn cần có sự bứt phá, dũng cảm, dấn thân. Càng có quá nhiều bất ổn, nghịch lý, bất công thì công chúng càng mong đợi những tác phẩm nói thay nỗi niềm của họ; cùng góp sức đấu tranh, xây dựng và kiến tạo xã hội ngày càng có chất lượng sống tốt hơn. Trách nhiệm sáng tạo ấy được đặt vào trái tim của người viết trẻ hôm nay!
Cần sự khích lệ, bao dung
Ngày nay, mạng xã hội làm thay đổi cách truyền thông. Nhiều bức xúc của công chúng, những người viết trẻ không được in “đúng quy trình” sẽ tìm cách tải trên mạng xã hội. Nơi đây, nhiều trăn trở, bức xúc đời sống xã hội được chia sẻ, lan truyền nhanh. Thi thoảng có vài tác phẩm bị đình bản, thu hồi. Một số tác phẩm viết ra không nhà xuất bản nào dám in.
Tôi nghĩ người viết trẻ cần được chia sẻ, khích lệ, bao dung. Bởi lẽ, những người viết trẻ không bức xúc trước những vấn đề chủ quyền, quốc gia, dân tộc, tiến trình dân chủ, hạnh phúc con người thì còn đáng sợ hơn. Họ có thể quá đà, nông nổi nhưng họ cũng cần lắm sự bao dung để đi đúng đường, để tận hiến vai trò của một nhà văn - chiến sĩ thời hiện đại, đồng hành cùng nhân dân trong những vấn đề cốt lõi của đời sống.
Thiếu tác phẩm chạm đến trái tim con người
Những năm gần đây, nhiều người bi quan, cho rằng văn học đã chững lại. Số lượng tác giả xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, tác phẩm in nhiều nhưng thiếu những tác phẩm chạm đến trái tim con người trong khi chúng ta đang đắm mình trong những vấn đề đương đại nóng hổi.
Trong số tác phẩm xét giải Hội Nhà văn năm 2016 tôi được đọc, gần như không có tác phẩm nào viết về đời sống đương đại. Điều đó đặt ra câu hỏi: Phải chăng thế hệ trẻ kém tài hơn thế hệ cha ông? Những người trẻ tránh những vấn đề hiểm hóc đòi hỏi sự trả giá, dấn thân? Làm nhà văn - chiến sĩ thời nay không phải dễ bởi mọi thứ đấu tranh đều phải “đúng quy trình”? Còn biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa thể, chưa dám chạm đến. Phải chăng nhà văn trẻ bí lối khi không tìm ra cho chính mình một lối đi khai sáng!? Dù bất cứ lý do nào, tôi tin những người trẻ không quay lưng.
Bình luận (0)