Tối 1-3, khán giả TP HCM đã có buổi thưởng thức âm nhạc đặc biệt tại khán phòng Viện Trao đổi Văn hóa Pháp (IDECAF) của “quái kiệt” Nguyên Lê song tấu cùng Ngô Hồng Quang - một nghệ sĩ đa tài sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp ngành sáng tác tại Nhạc viện La Haye ở Hà Lan, vừa hát vừa biểu diễn nhiều nhạc cụ khác nhau: đàn nhị, đàn bầu, đàn tre, đàn môi, đàn tính … - trong chương trình mang tên “Duo”. Đi biểu diễn rất nhiều nơi trên thế giới nhưng mỗi lần trở về quê hương Việt Nam, nhạc sĩ Nguyên Lê đều mang đến những đêm biểu diễn tuyệt vời.
Ấn tượng, khác biệt
Trong “Duo”, Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang đã kết hợp với nhau một cách tinh tế, nhịp nhàng, đồng thời vẫn giữ nguyên cá tính âm nhạc của mỗi người. Cả hai đều muốn thể nghiệm và chia sẻ vẻ đẹp của âm nhạc Việt Nam ra thế giới, cho thế giới nghe những gì thuộc về nguồn cội và cả tương lai của âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ Nguyên Lê chơi guitar; Ngô Hồng Quang chơi đàn bầu, đàn tính trong chương trình biểu diễn tối 1-3 tại TP HCM
Nghệ sĩ Nguyên Lê
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang
Bằng những điểm độc đáo và tinh túy nhất của các nhạc cụ truyền thống Việt Nam, Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang đã tạo ra một không gian âm nhạc phức tạp, nhiều màu sắc và giàu năng lượng trên nền ngôn ngữ âm nhạc đương đại.
Người nghe sững sờ với những bản nhạc dựa theo dân ca Tày nhưng được chơi chủ đạo bằng guitar điện với âm hưởng Bắc Phi. Nguyên Lê thể hiện một bản nhạc vừa sáng tác bằng guitar chơi theo kỹ thuật như đàn bầu bài hát xẩm nổi tiếng “Mục hạ vô nhân” được biến tấu theo phong cách blues, đậm chất Mỹ, quan họ Bắc Ninh được vang lên cực kỳ đẹp, tinh tế, quyến rũ, ma mị trong âm nhạc đương đại; ca khúc “Chiếc khăn piêu” đầy mới mẻ pha trộn nhịp phách từ những bộ trống Ấn Độ…
Lần trở về trước của Nguyên Lê là sự kết hợp với ca sĩ Tùng Dương trong album “Độc đạo”. Ấn tượng mà “Độc đạo” mang đến cho khán giả đã được nhắc nhiều. “Với Tùng Dương, tôi sử dụng các chất liệu âm nhạc cổ điển hay new age” - nhạc sĩ Nguyên Lê nói.
Hai tâm hồn đồng điệu
Nguyên Lê sinh ra tại Pháp, trong một gia đình gốc Việt, bắt đầu chơi trống từ năm 15 tuổi, sau đó là guitar và guitar bass. Sau khi tốt nghiệp ngành nghệ thuật thị giác và triết học, ông dành trọn niềm đam mê cho âm nhạc, với kinh nghiệm biểu diễn tầm cỡ quốc tế ở khá nhiều thể loại: rock, punk, tân nhạc, jazz đương đại cùng nhiều dòng nhạc khác.
Hơn 20 năm trước, album “Tales from Vietnam” với nhiều bản cổ nhạc và dân ca Nam Bộ của Nguyên Lê có sự tham gia của ca sĩ Hương Thanh (em gái ca sĩ Hương Lan) và một số nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã gây xôn xao giới âm nhạc quốc tế. Người ta sững sờ, ngạc nhiên khi những thanh âm đến từ Việt Nam vang lên vô cùng lạ lẫm mà cuốn hút.
Đĩa nhạc này là một best-seller tại thị trường châu Âu, theo hãng đĩa ACT; trở thành một trong những album nhạc world jazz (nhạc jazz kết hợp các yếu tố âm nhạc dân gian) mẫu mực, mở đường cho loạt sản phẩm âm nhạc sau này được Nguyên Lê gọi là “Vietnamese albums”.
Song tấu cùng Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang đại diện cho thế hệ mới các nhạc sĩ biểu diễn nhạc truyền thống của Việt Nam: trẻ trung, tài năng, thích giao lưu học hỏi và cởi mở với thế giới. Học hỏi thế giới phương Tây nhưng không chối bỏ truyền thống. Cả hai có điểm chung là biểu diễn nhiều thể loại nhạc đương đại bằng các nhạc cụ truyền thống, có khả năng hội nhập nhiều trào lưu âm nhạc mới nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Nhạc sĩ Nguyên Lê cho rằng Ngô Hồng Quang khác với nhiều nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc khác là xác định con đường của mình theo hướng đương đại, tức là không chỉ biểu diễn những bài bản đã quen thuộc mà có thể sáng tác những tác phẩm mới, đầy tính đương đại và thể nghiệm nhưng lại được chơi bằng những nhạc cụ truyền thống.
“Với những bài bản cũ, Ngô Hồng Quang biết cách tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới, phóng tác, soạn thêm, tái cấu trúc… tức là rất nhiều cách để cho bản nhạc tưởng đã quen thuộc vang lên hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là cách mà tôi đã làm từ khi mới bắt đầu sự nghiệp và đó là điểm chung để chúng tôi thấy tương đồng và làm việc được với nhau. Ngô Hồng Quang là con người vô cùng thú vị, cậu ấy sẽ còn gây rất nhiều bất ngờ và tiến rất xa” - nhạc sĩ Nguyên Lê chia sẻ.
Cuộc song hành Nguyên Lê - Ngô Hồng Quang, dù cả hai có con đường âm nhạc khác nhau nhưng lại chung một đích đến: Cùng thể nghiệm và chia sẻ vẻ đẹp tâm hồn của Việt Nam với thế giới, cho thế giới nghe những gì thuộc về nguồn cội và cả tương lai của âm nhạc Việt Nam.
Nghệ sĩ tầm cỡ thế giới
Nhạc sĩ Nguyên Lê (Lê Thành Nguyên) sinh năm 1959, tại Pháp, trong một gia đình gốc Việt, cha là học giả Lê Thành Khôi. Trên hành trình trở thành một nghệ sĩ jazz tầm cỡ quốc tế, ông không ngừng tìm cách tạo dựng cho mình một chân dung âm nhạc kết hợp những tinh hoa của xứ sở mà ông sinh ra và những gì đến từ nơi đã tạo ra tâm hồn của cha mẹ mình.
Năm 2011, Nguyên Lê nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học do chính phủ Pháp trao tặng. Cùng năm đó, ông cũng giành giải thưởng danh giá Django Reinhardt của Viện Hàn lâm nhạc jazz.
Bình luận (0)