Trong văn học nghệ thuật, ít có lĩnh vực nào sôi động như nhiếp ảnh, cũng ít lĩnh vực nào nhiều vấn nạn như nhiếp ảnh nên thường làm khó các ban giám khảo mỗi kỳ tổ chức chấm xét giải. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP HCM 2012-2016 có lẽ cũng không ngoại lệ.
Nhiều bộ ảnh đắt giá
Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM - nghệ sĩ Nam Thanh đánh giá: "Mỹ thuật TP HCM 5 năm qua rất sôi động. Rất nhiều hoạt động sáng tác, triển lãm ảnh… được mở liên tục. Nhiều gương mặt lăn xả, theo đuổi nghề quyết liệt như Nguyễn Á, Trần Thế Phong, Hoàng Trung Thủy, Lê Hữu Dũng (CLB Gia Định). Nhóm Hải Âu có nhiều nữ nhiếp ảnh gia kỳ cựu như Kim Liên, Tuyết Mai, Hồng Nga, Bích Trâm, Kim Chi - một tay máy mới bước vào nghề nhưng đã gây dấu ấn, năng nổ hoạt động sáng tác".
Hình ảnh trong bộ “Sài Gòn phản chiếu” của nhiếp ảnh gia Hoàng Trung Thủy
"Sài Gòn phản chiếu" là ấn phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Trung Thủy trong chuỗi dự án ảnh về TP HCM. Với một cách diễn đạt mới, nhiều góc nhìn lạ lẫm, giàu tính sáng tạo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Trung Thủy đã miêu tả TP HCM kiều diễm, tráng lệ và vô cùng cuốn hút.
Hình ảnh Ngã sáu Lý Thái Tổ - Giao lộ giữa đường Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong và Ngô Gia Tự nhìn từ trên không của nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn
Sau thành công của những triển lãm về đề tài xã hội, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong tiếp tục nổi bật với các triển lãm "Ánh sáng cuộc sống" (năm 2016). Mới nhất là sự xuất hiện những hình ảnh trong triển lãm và tập sách ảnh "Mưu sinh" của anh, khắc họa một cách chân thực nhất hình ảnh người lao động tuy vất vả nhưng chân chính và chăm chỉ.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết có thể anh sẽ lựa chọn một bộ ảnh khác chứ không phải "Mưu sinh" để gửi tham dự giải thưởng. Bởi lẽ, đối với anh, TP HCM là một đề tài lớn và có rất nhiều khía cạnh để say mê.
Nhiếp ảnh gia - nhà báo Giản Thanh Sơn có bộ ảnh "Không ảnh Sài Gòn", chụp cảnh TP HCM nhìn từ không trung tuyệt đẹp.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á lăn lộn trên rất nhiều chặng đường đất nước, ghi lại vẻ đẹp của nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát chèo, quan họ, lên với miền núi rừng phía Bắc nghe hát xoan, về miền Trung nghe hát ví, hát dặm, xuôi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với "Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc quê hương"… Nhìn Nguyễn Á lao động, chúng ta sẽ hiểu nỗi cực khổ của nhiếp ảnh gia nhưng đồng thời sẽ biết trân quý hơn từng khoảnh khắc ghi lại cái đẹp của cuộc sống, chứ không phải cứ hình đẹp nuột nà chụp các cô gái là "ăn điểm".
Nhiếp ảnh gia Hồng Nga (Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh TP HCM) cho biết: "Các nhiếp ảnh gia nữ như Đào Hoa Nữ, Kim Liên… trên 60 tuổi rồi nhưng vẫn đeo ba lô máy móc nặng trịch lên đến 9-10 kg là chuyện bình thường. Phụ nữ cầm máy thì ít khi chụp áo dài, tóc dài như cánh đàn ông. Chúng tôi cũng chụp nhân vật là phụ nữ nhưng chú trọng làm bật lên cái đẹp trong lao động, mưu sinh, cuộc sống đời thường".
Nhiều vấn đề lo ngại
Chưa có lĩnh vực nào mà người sáng tác có tác phẩm dễ dàng như nhiếp ảnh. Nhưng thực tế vẫn cho thấy chất lượng ảnh ở nhiều triển lãm khá nghiệp dư, tác phẩm mờ nhạt, ý tưởng và bố cục đều yếu, chủ yếu là những bức ảnh rập khuôn, không có điểm nhấn, thiếu sự sống động.
Ông Nam Thanh thừa nhận: "Nhìn qua nhiều triển lãm, rõ ràng thấy nhiều tác giả chọn ảnh chưa kỹ. Một số tác giả mới chạm đến đề tài mà chưa đi sâu, biểu cảm còn hời hợt. Kỹ thuật dù có được nâng lên nhưng còn chưa đạt đến mức điêu luyện. Nhiều người chụp theo lối mòn, việc trùng lặp, bắt chước về đề tài xuất hiện khá nhiều bởi sự bế tắc trong tư duy thể hiện. Tác phẩm tuy nhiều nhưng vẫn chưa thấy dấu ấn lớn, đột phá, mang tính lịch sử".
Bên cạnh đó, người nọ lại "tham khảo" của người kia quá dễ. Cuối cùng, kể cả những tấm ảnh đoạt giải ở các cuộc thi cũng thường bị phát hiện vi phạm bản quyền. Không chỉ là hình ảnh na ná nhau mà rõ ràng tồn tại câu chuyện "ăn cắp" ý tưởng.
Sử dụng photoshop cắt ghép ảnh làm sai lệch nhiều nội dung, đánh lừa thị giác của công chúng cũng là một vấn đề của nhiếp ảnh đương đại mà trong nhiều trường hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp bức ảnh "chế" đưa vào cuốn sách ảnh tư liệu "150 năm hình bóng Sài Gòn" của nhiếp ảnh gia Tam Thái, NXB Trẻ đã phải ra quyết định thu hồi cuốn sách này là một minh chứng.
Nhớ lại năm 2016, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thế Phong bày tỏ nỗi thất vọng vì ông chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam bị tố "vừa đá bóng vừa thổi còi", đoạt giải thưởng cao nhất tại cuộc thi tổng kết 30 năm nhiếp ảnh Việt Nam trong vị trí vừa là trưởng ban giám khảo vừa là trưởng ban tổ chức. Kỳ vọng hướng đến giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP HCM lần thứ hai, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mong muốn: "Cần nhất là hội đồng nghệ thuật phải công tâm, trong sáng".
Giấc mơ xứng tầm
Các tác giả nước ngoài có tầm nhìn rộng hơn, họ tự đầu tư đi đến rất nhiều nơi trên toàn cầu để cảm nhận cuộc sống nên tiếp cận vấn đề làm nghệ thuật ở những khía cạnh bao quát hơn, có chiều sâu.
Mới đây, phòng ảnh nghệ thuật đầu tiên của nhiếp ảnh gia Réhahn người Pháp đã khai trương tại TP HCM với rất nhiều bức ảnh đề giá bán từ vài ngàn USD đến vài chục ngàn USD mà vẫn bán rất chạy. Vì sao nhiếp ảnh gia Réhahn có thể làm được như thế? Bởi lẽ, tác phẩm không chỉ thể hiện nghệ thuật hình ảnh mà còn thể hiện quan điểm, góc nhìn, giá trị văn hóa từ những con người mà tay máy này cảm nhận được từ những vùng đất mà ông đã đi qua.
Rõ ràng, nhiếp ảnh cần có sự đổi mới hơn trong xu hướng sáng tác, hướng ống kính vào cuộc sống với các thành tựu kinh tế - xã hội, sức vươn lên của con người, vùng đất... Ảnh phải đầu tư nội dung sâu sắc hơn, chắt lọc hơn và có sự bứt phá.
Chấp nhận photoshop
Về việc sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa với hình ảnh hiện đại, nghệ sĩ Nam Thanh giải thích: "Hội Nhiếp ảnh TP HCM không hạn chế sử dụng photoshop vì đây là một công cụ khoa học, kỹ thuật hình ảnh từ buồng tối nay đã chuyển sang "buồng sáng". Chúng tôi không quay lưng lại với khoa học phát triển của thế giới nhưng luôn nhắc nhở, cảnh báo các nghệ sĩ không được phép lạm dụng nó. Nếu lạm dụng sẽ như con dao hai lưỡi. Trong quá trình chụp hình thì khâu chụp chỉ được 30% và 70% phụ thuộc vào kỹ thuật buồng tối, còn bây giờ 70% đó là kỹ thuật số. Tuy nhiên, nếu sử dụng để cân chỉnh màu cho chuẩn hoặc mức độ đậm nhạt thì được chứ can thiệp thô bạo, cắt cái này dán vào cái kia là sai".
Bình luận (0)