Phim Việt ngày càng đẹp là điều cả người trong giới lẫn khán giả đều ghi nhận. Nhưng để có được những thước phim đẹp này, ngoài nỗ lực của đạo diễn phim, đạo diễn hình ảnh (Director of photography - D.O.P), các tay máy giữ vai trò quan trọng. Họ là những người trực tiếp hiện thực hóa những ý tưởng của đạo diễn, D.O.P bằng hình ảnh sinh động, chân thật bất chấp hiểm nguy.
Lăn xả để có hình đẹp
Đa phần phim Việt thời gian gần đây tuy chất lượng nội dung khác nhau nhưng hầu hết đều có khung hình, màu phim được cả người trong giới và khán giả khen ngợi, nhất là những phim chú trọng ngoại cảnh như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua"...
Nhà quay phim Nguyễn Tranh tác nghiệp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Mỗi người có một quan niệm khác nhau về cái đẹp nhưng với những nhà quay phim, cái đẹp của một tác phẩm là sự thống nhất cả hình thức lẫn nội dung. Đôi khi, họ phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm để bảo đảm có được cảnh quay đẹp. Nhà quay phim Lý Thái Dũng (tham gia nhiều phim: "Chơi vơi", "Lời nguyền huyết ngãi", "Cha cõng con", "Đảo của dân ngụ cư"...) chia sẻ: "Phim được xem là đẹp không phải chỉ có bối cảnh mà còn cần có câu chuyện đẹp, mọi thứ ăn khớp với nhau. Nó tương tự một cô gái mặc lộng lẫy, hào nhoáng chưa hẳn là đẹp mà còn đòi hỏi tính cách tốt, vẻ đẹp tâm hồn. Cái đẹp chuẩn của một phim còn đòi hỏi màu sắc, góc quay nêu bật được nội dung cần truyền tải".
Để có được bộ phim đẹp theo đúng nghĩa của nó, quay phim phải lăn xả từ nội cảnh đến ngoại cảnh, thậm chí tác nghiệp trong những tình thế hiểm nguy. Họ luôn trong tinh thần theo đoàn đi khắp cả nước, thậm chí ra nước ngoài, đôi khi phải thức thâu đêm đáp ứng lịch quay và yêu cầu của kịch bản.
Nhà quay phim Lý Thái Dũng kể khi làm phim "Cha cõng con", đoàn phim có không ít khó khăn do bối cảnh nằm trong khu vực sông Gâm ở huyện Bắc Mê, Hà Giang: choáng ngợp, mênh mông và đầy rủi ro. Đoàn phim phải làm việc trong mưa bão, lũ quét, sợ nhất là sét đánh. May mắn, 100 người đều trở về an toàn và có được những cảnh quay rất đẹp cho phim. "Đến lúc quay phim "Đảo của dân ngụ cư", chúng tôi không gặp nguy hiểm nhưng cực nhọc vì 90% cảnh quay tập trung trong một căn nhà. Không gian nhỏ hẹp, thời tiết lúc đó của Hội An lên đến 40 - 45 độ C, nóng khủng khiếp" - ông Dũng nhớ lại.
Nhà quay phim Cao Anh Phú tác nghiệp trên phim trường
Nhà quay phim Nguyễn Tranh cho biết từng trải qua mạo hiểm khi thực hiện nhiều cảnh quay trong phim "Áo lụa Hà Đông". Có cảnh đòi hỏi góc quay từ trên máy bay nhìn xuống mà đoàn không thể thuê máy bay. Điện ảnh Việt lúc đó cũng chưa có công nghệ flycam nhưng đạo diễn muốn cảnh này và phải "chế" dụng cụ thủ công. Chúng tôi dùng các giàn giáo xây dựng chồng lên nhau tạo độ cao, đặt thanh trượt dùng trong quay phim lên giàn giáo, gắn cần cẩu cho quay phim ngồi trên đó. Nhà quay phim Trần Đình Trung kể: "Trong một cảnh phim "Bản năng nguy hiểm" sản xuất cách đây gần 4 năm, để quay nhân vật của diễn viên Võ Thành Tâm mắc kẹt bên sườn một chiếc xe tải, tôi phải treo mình trên xe. Lúc đó, một nửa người của tôi được cố định dưới gầm, nửa còn lại treo ở một bên sườn xe và cầm máy quay trong lúc chiếc xe vẫn chạy trên con đường cát bụi và giằng xóc". Còn nhà quay phim K’Linh từng té gãy chân khi đang tác nghiệp ở độ cao, do bước lùi hụt chân bị rơi xuống vực…
"Hiện nay, công nghệ phát triển, hỗ trợ đắc lực cho công việc quay phim nên những tình huống nguy hiểm như vậy không còn nhiều" - quay phim Nguyễn Tranh nói.
Công việc đặc thù
Nhà quay phim có thể là D.O.P hoặc đơn giản là người quay kỹ thuật. Thị trường phim Việt vốn non trẻ và lạc hậu nên vị trí D.O.P chỉ mới được coi trọng cách đây không lâu. Đa phần, D.O.P của Việt Nam đều là các quay phim kinh nghiệm, được nâng lên đảm nhận vị trí này sau một loạt tác phẩm do họ cầm máy được người trong giới nhìn nhận. Nhà quay phim Nguyễn Tranh cho biết: "Một quay phim đòi hỏi sức khỏe tốt vì phải lên núi, xuống biển, đôi lúc phải tự vác máy thực hiện các cảnh quay. Gần đây, tôi có tham gia phim "Hợp đồng mãnh thú", thức trắng 24 đêm liên tục. Nếu sức khỏe yếu, một quay phim khó có thể trụ vững".
Nhà quay phim trẻ Manh Hùng tác nghiệp trên trường quay
Các nhà quay phim hiện nay của Việt Nam vào nghề theo nhiều cách thức khác nhau. Có người được đào tạo trường lớp nhưng có người tự học mà thành. Như nhà quay phim Nguyễn Tranh, anh có cơ hội vào đoàn làm nhiều việc từ tổ thiết kế, ánh sáng,... do thích công việc quay phim nên học hỏi từ những người lành nghề. Nhờ siêng năng, chăm chỉ, anh được các đàn anh cho làm phụ quay, ôm máy rồi gắn bó với nghề suốt bao năm nay. Hiện nay, anh đã trở thành một D.O.P có tiếng.
Theo Nguyễn Tranh, giới quay phim Việt chuyển đổi từ quay bằng phim nhựa sang kỹ thuật số cũng không nhiều khó khăn vì có thể cập nhật từ đồng nghiệp, tư liệu. Việt Nam vốn tiếp cận công nghệ nhanh nên hiện nay các dòng máy hiện đại đều có.
Thế hệ quay phim trẻ được nhận định có nhiều thuận lợi so với trước vì sớm được tiếp cận công nghệ hiện đại. Nếu siêng năng, chịu khó, họ sẽ tiến bộ rất nhanh.
Hầu hết những ai chọn nghề quay phim đều ao ước có một tác phẩm để đời nhưng thành bại còn do duyên.
Bình luận (0)