Phim Việt gần đây đã theo kịp các nước về công nghệ, làm được kỹ xảo dù chưa xuất sắc, màu sắc đẹp, âm thanh chuẩn... Nhiều người trong giới nhận định chúng ta không thua kém các nước trong khu vực về máy móc, thiết bị nhưng chất lượng phim vẫn chưa sánh được vì thiếu nguồn nhân lực chuyên môn giỏi và yếu nhất là kịch bản. Yếu tố con người phát triển chưa xứng tầm tốc độ đầu tư phát triển của công nghệ.
Công nghệ nhiều tiến bộ
Trước đây, phim điện ảnh Việt không dùng kỹ xảo hoặc có sử dụng cũng thô sơ, thiếu chân thật thì nay lại hoàn toàn khác. Phim điện ảnh Việt ngày càng sử dụng nhiều kỹ xảo từ thể loại hành động, tình cảm, hài hước đến kinh dị. Phim đầu tư lớn về kỹ xảo, đánh dấu bước phát triển công nghệ này phải kể đến "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", lần lượt sau này là phim "Chờ em đến ngày mai", "Chạy đi rồi tính", "Rừng xanh kỳ lạ truyện"... Mới nhất là "Cô gái đến từ hôm qua". Nhiều người trong giới nhận định những kỹ xảo này vẫn ở mức đơn giản, chưa tốt, độ chân thật kém, chưa là gì với thế giới nhưng so mặt bằng phim Việt lâu nay đây vẫn là bước tiến đáng ghi nhận. Bên cạnh kỹ xảo, chất lượng màu sắc trong phim Việt có thể nói ngang bằng phim của các nước trên thế giới, chất lượng hình ảnh thể hiện qua những góc máy phức tạp ngày càng nhiều. Đó là nhờ có sự chuyển đổi lớn về công nghệ ghi hình, các dòng máy quay sắc nét được sử dụng cho ra hình ảnh tốt hơn trước. "Việt Nam hiện tại có đủ các loại máy quay mới nhất, trừ một số loại đặc biệt như IMAX. Chúng ta cũng có các đạo diễn hình ảnh, quay phim tay nghề cao với số lượng tăng dần. Điều quan trọng là kinh phí thế nào, có đủ để thuê máy quay tốt nhất không và đủ tiền thuê nhân lực lành nghề... không" - ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thiện Production, cho biết.
Cảnh được tạo bằng công nghệ kỹ xảo trong phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể". (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Không chỉ phim điện ảnh, phim truyền hình cũng có những bước tiến rõ rệt về mặt công nghệ. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), khẳng định tại hội thảo thuộc Triển lãm quốc tế Phim và Công nghệ truyền hình 2017: "Về mặt công nghệ, Việt Nam và thế giới không có sự chênh lệch nhiều". Ông Hồ Trọng Hữu, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của VFC, nhận xét do yêu cầu từ khán giả, phim Việt không ngừng phát triển kỹ thuật hình ảnh, chỉn chu âm thanh. Phim không đẹp, âm thanh không tốt cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả chán nản. Để lôi kéo khán giả, phần kỹ thuật hình ảnh chuyển đổi dần từ máy quay SD 4:3 lên SD 16:9 rồi sang HD và hiện đang là công nghệ 4K. Về âm thanh cũng được đầu tư từ lồng tiếng diễn viên chuyển sang thu thanh đồng bộ. Không chỉ trang thiết bị, các quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, định dạng cũng thay đổi. Ngày trước, phim truyền hình chỉ có quay dựng rồi phát sóng, nay quay dựng còn phải chỉnh màu xong mới phát sóng.
Thua kịch bản, nhân lực
"Đa phần phim Việt hiện đều làm hậu kỳ trong nước, không cần sang nước khác như trước. Một phần, các công ty công nghệ, hậu kỳ lớn của các nước như Thái Lan có chi nhánh tại Việt Nam. Một phần, chúng ta cũng có các công ty trong nước có khả năng xử lý hậu kỳ. Một số đoàn phim không có đủ vốn để đầu tư thuê máy quay hiện đại, kỹ xảo hoành tráng, công nghệ tối tân chứ không phải chúng ta không có thiết bị này" - ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, cho biết.
Công nghệ làm phim có nhiều bước tiến, đấy là điều đáng ghi nhận. Nhưng máy móc, thiết bị không thể lấp được khoảng trống về kịch bản, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, vốn đầu tư. Những yếu tố này kéo thị trường phim Việt trì trệ, nhất là phim truyền hình.
Tuy nhiên, theo ông Phi Long, thị trường có thiết bị hiện đại nhưng chúng ta lại gặp khó về nhân lực chất lượng cao. Máy quay tốt cần có đạo diễn hình ảnh giỏi, quay phim rành sử dụng mới phát huy hết hiệu quả. Nhưng số lượng người giỏi nghề không nhiều, đa phần phát triển theo dạng làm nhiều quen tay, học lóm, tự học... không có kiến thức nền vững chắc như các nước phát triển.
Nguồn nhân lực thiếu chuyên nghiệp là điều đau đầu của nhiều nhà sản xuất. Một số công ty chuyên về kỹ xảo cũng than thở lúc thực hiện nhiều dự án, họ cần tuyển thêm người giỏi nghề nhưng rất khó. Một số biết chút ít nhưng chưa đủ, phải tập huấn, mất thời gian và không phải ai cũng kiên trì trau dồi kiến thức chờ hái quả ngọt lúc lành nghề. Nhiều người bỏ cuộc, tìm kiếm công việc khác, lại phải đào tạo người mới.
Bên cạnh vốn đầu tư, nhân lực, thị trường phim Việt còn có nỗi lo lớn về kịch bản. Công nghệ dù hiện đại đến mấy, được đầu tư nhiều đến mấy cũng không thể cứu được một kịch bản phim quá tệ. Ngay cả phim Hollywood, kỹ xảo hoành tráng, đầu tư hàng trăm triệu USD nhưng câu chuyện không hấp dẫn vẫn thất bại.
Người trong giới cho rằng phim Việt muốn phát triển bền vững đến lúc cần sự chuyên nghiệp đồng bộ giữa công nghệ và con người.
Không có chỗ cho nghiệp dư
Công nghệ có phát triển nhưng chưa hẳn khán giả được hưởng nếu vốn đầu tư của mỗi đoàn phim còn thấp, chỉ đủ thuê các loại máy bình thường hoặc làm hậu kỳ đơn giản. Đạo diễn Võ Việt Hùng cho rằng kinh phí làm phim là vấn đề rất quan trọng. Nếu nhà sản xuất không đủ kinh phí họ vẫn sử dụng máy cũ dù thị trường có dòng máy mới cho hình ảnh sắc nét hơn.
"Trong tương lai, phim Việt vẫn sống và còn sống khỏe với một trật tự được xác lập gắn liền với từ khóa "chuyên nghiệp". Dứt khoát nó không có chỗ cho những tay chơi nghiệp dư theo kiểu "mì ăn liền", chụp giật mà rất chọn lọc và kén người chơi. Một thị trường phim ảnh lành mạnh nhất thiết phải thế!" - ông Nguyễn Quốc Hưng - đạo diễn, Phó Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP HCM - nhận định.
Bình luận (0)