xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phim Việt tập chơi "canh bạc" lớn

Minh Khuê

Thị phần phim Việt không tăng nhưng để cạnh tranh buộc phải đầu tư lớn trong khi khả năng doanh thu vẫn đang như đi xiếc trên dây

Ngoài các phim về hành động hài, tình cảm pha hài, kinh dị và ngôn tình, sắp tới, khán giả Việt còn được thưởng thức những chủ đề mới lạ khác như kỳ ảo, siêu nhiên, ảo thuật, giả định... Những chủ đề mà trước đây vì công nghệ chưa phát triển, kinh phí đầu tư thấp nên các nhà sản xuất luôn né tránh.

Muốn sống phải đầu tư lớn

Doanh thu phim Việt những năm gần đây tăng ổn định, nhờ phim tử tế ra rạp ngày càng nhiều. Điều này khiến các nhà sản xuất tự tin đầu tư mạnh hơn cho sản phẩm mới của mình. Sắp tới, khán giả được thưởng thức những phim chủ đề hiếm lạ như siêu nhiên, kỳ ảo, thời đại giả định qua: "Lôi Báo", "Người bất tử", "Mẹ chồng"... có kinh phí đầu tư khá tốn kém. "Lôi Báo là một tác phẩm thuộc đề tài người hùng nhưng tôi không khai thác hình tượng siêu anh hùng như trong các phim Hollywood. Người hùng trong phim này là nhân vật thuần Việt, rất đời thường, đại diện cho những con người thầm lặng và gần gũi, can đảm đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người yếu thế" - đạo diễn Victor Vũ chia sẻ về phim sắp ra mắt của mình. 

"Người bất tử" cũng mang màu sắc kỳ bí như thế và được đầu tư lớn với bối cảnh trải dài nhiều nơi. Phim "Mẹ chồng" chọn thời đại giả định, không có thật trong lịch sử. Nhiều người trong giới cho rằng phim Việt ngày càng đa dạng chủ đề, không gò bó thể loại nhờ kinh phí đầu tư tăng. Trước đây, một phim đầu tư trung bình 5-7 tỉ đồng nhưng nay mức đầu tư đã tăng gấp nhiều lần. Kinh phí đầu tư trung bình của một phim Việt Nam năm 2016 là 10-11 tỉ đồng. Trong đó, có phim chi phí cao dao động trên dưới 1 triệu USD (22 tỉ đồng). Phim nhiều kỹ xảo, bối cảnh xa hoặc phải phục dựng bối cảnh, kinh phí thường tăng gấp đôi như "Fan cuồng" là 26 tỉ đồng, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" 22 tỉ đồng.

Phim Việt tập chơi canh bạc lớn - Ảnh 1.

Một cảnh hậu trường phim “Lôi Báo”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Năm 2017, mức kinh phí trung bình của phim Việt tiếp tục tăng. Nếu năm 2016, khán giả chỉ thấy một vài phim hiếm hoi có mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng thì nay lại có nhiều phim từ mức này trở lên. Trong đó, phim nghệ thuật "Cha cõng con" có mức kinh phí 18 tỉ đồng. "Phim "Cô gái đến từ hôm qua" có tổng kinh phí đầu tư là 22 tỉ đồng, bao gồm cả kinh phí quảng bá" - nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà cho biết.

Một số nhà sản xuất khác từ chối công bố kinh phí đầu tư phim vì lý do chưa ra rạp, chưa thống kê, giữ bí mật kinh doanh... nhưng theo nhiều người trong giới, phim "Lôi Báo" có mức đầu tư trên 1 triệu USD. Phim này mời Vincent Wang, chỉ đạo võ thuật của nhiều phim "bom tấn" của Hollywood: "Doctor Strange" và "The Great Wall"... tham gia ê-kíp. Trong khi đó, phim "Người bất tử" được ước lượng mức kinh phí cao hơn so với "Lôi Báo" vì phim mất đến 2 tháng quay nhiều địa điểm trải dài khắp Bắc - Trung - Nam của Việt Nam. Trong đó, bối cảnh ở Quảng Bình chiếm nhiều thời lượng nhất. "Người bất tử" có nhiều cảnh phục dựng, đây là phần tốn kém chi phí nhất. Phim này dự kiến ra rạp năm 2018.

Phim Việt càng ngày càng chịu sức ép cạnh tranh của phim nhập ngoại. Yếu tố sống còn buộc các nhà sản xuất phim Việt phải tăng sức cạnh tranh bằng cách đầu tư nâng cao chất lượng.

Kinh phí chưa phải là quyết định

Hiện tại, khán giả xem phim có nhiều thay đổi về thị hiếu, yêu cầu phim phải chỉn chu hơn. Ngoài kịch bản hấp dẫn, cuốn hút, phim phải có khung hình đẹp, bối cảnh ấn tượng, nhạc hay. Để cạnh tranh chinh phục khán giả, các nhà sản xuất không thể không đầu tư cho những đòi hỏi chính đáng này của khán giả. "Tôi thấy hiện nhà sản xuất thoải mái hơn cho khâu tiền trạm, có thể đi nhiều lần, nhiều nơi để chọn bối cảnh ưng ý. Thiết bị quay hiện đại cùng sự phát triển của công nghệ hỗ trợ nhiều trong việc tạo ra khung hình đẹp" - quay phim Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Nhiều người trong giới nhận định đã qua thời dễ dãi, làm phim "mì ăn liền" dựa hoàn toàn vào ngôi sao. Phim có kinh phí chỉ vài tỉ đồng, kịch bản yếu, lạm dụng hài hước, quay nhanh ra rạp không còn "đất sống". Nhưng điều này cũng không đồng nghĩa làm phim chỉn chu, chủ đề lạ, diễn viên nổi tiếng là thắng mà còn phải phụ thuộc yếu tố hợp thị hiếu khán giả số đông. Đây là lý do mà nhiều phim thuộc dạng đầu tư vốn lớn của điện ảnh Việt như "Fan cuồng", "Truy sát", "Rừng xanh kỳ lạ truyện", "Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu" thua thảm ở phòng vé.

"Nhà sản xuất là người kinh doanh nên họ tính toán chặt chẽ, sao cho đầu tư ít, lãi cao. Do đáp ứng thị hiếu khán giả, kinh phí đầu tư tăng, chất lượng phim Việt nâng nhiều về mặt hình ảnh, âm nhạc, chủ đề sinh động và thể loại pha trộn tạo sự lôi cuốn. Tuy nhiên, kinh phí chỉ là một yếu tố trong thành công của phim, nó đòi hỏi sự tổng hòa của kịch bản, đạo diễn, quay phim, diễn viên cùng các phần khác của cả ê-kíp. Một phim kịch bản dở, các phần khác có hay cũng khó tạo nên thành công và ngược lại" - PGS-TS Trần Luân Kim khẳng định.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo