Phim "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy" sẽ công chiếu từ ngày 18-8 tại 5 TP của Mỹ: San Diego, San Joe, Garden Grove, Irvine và Alhambra với tên tiếng Anh "5 Steps of love". Đây không phải phim Việt đầu tiên được mang đi chiếu ở nước ngoài nhưng là thuộc số ít phim ra rạp cạnh tranh cùng phim các nước khác chứ không chỉ dành riêng cho kiều bào.
Tìm cách mở rộng thị trường
Phim "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy" của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng ra rạp năm 2015, nhận được nhiều lời khen của giới chuyên môn và doanh thu tốt. Gần 2 năm sau khi ra rạp, phim này mới có cơ hội phát hành tại thị trường Mỹ. Khi được hỏi vì sao đưa phim này ra chiếu ở nước ngoài trễ như thế, bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, cho biết: "Chúng tôi cần phải tìm được đối tác phù hợp. Trước đó, một số đối tác cũng liên hệ với chúng tôi để phát hành ở nước ngoài nhưng sau khi xem xét thấy không có lợi cho nhà sản xuất nên từ chối. Quan điểm của chúng tôi là phải tìm được đối tác chắc chắn, bảo đảm có lợi nhuận. Nếu đã chiếu thương mại, lợi nhuận hai bên phải được bảo đảm. Vì vậy, phần chọn lựa đối tác của chúng tôi khá khó khăn, mất nhiều thời gian".
Một cảnh trong phim "12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy". (Ảnh chụp từ màn hình)
Bà Minh Hằng cho biết đây không phải lần đầu tiên công ty của bà mang phim ra thị trường ngoại mà đã là sản phẩm thứ 4 sau: "Chung cư ma", "Ngủ với hồn ma", "Kungfu phở". Ở thị trường châu Á như Campuchia và các nước lân cận, ê-kíp của bà đã tiếp cận bằng cách mang phim đến, còn đây là lần đầu đánh vào thị trường Mỹ nên sẽ xem xét thị hiếu khán giả thế nào. Nếu thấy tốt, bà mở rộng sang các bang khác của Mỹ và Canada. Riêng thị trường châu Âu khó tiếp cận vì phim Việt không hợp thị hiếu khán giả ở đấy. Skyline Media không chỉ nhắm đến đối tượng khán giả là người Việt định cư ở các nước mà còn người dân ở các nước đó.
"Phim nào CJ E&M Việt Nam sản xuất cũng đưa ra các chợ phim quốc tế để bán hoặc phát hành vì công ty chúng tôi có bộ phận lo việc này một cách chuyên nghiệp. Những phim: "Để Mai tính", "Em là bà nội của anh"... đã được chiếu ở một số nước, phục vụ khán giả Việt kiều là chính. Mỹ và Úc được xem là 2 thị trường chính của phim Việt khi phát hành ở nước ngoài nhưng đa phần chỉ chiếu ở các cụm rạp nhỏ. Đây được xem là thị trường tiềm năng, bổ sung lợi nhuận cho những phim Việt chất lượng tốt vì phía đối tác cũng đòi hỏi tiêu chuẩn khi nhận phát hành hoặc mua" - nhà sản xuất Vũ Quỳnh Hà, đại diện CJ E&M Việt Nam, cho hay.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh nên những phim Việt tạo tiếng vang, lập kỷ lục doanh thu như "Em chưa 18" cũng nhận được nhiều lời mời phát hành phục vụ kiều bào ở các nước. Ngoài những phim trên, nhiều phim sản xuất trước đây như: "Âm mưu giày gót nhọn", "Mỹ nhân kế", "Quả tim máu", "Cô dâu đại chiến 2"... cũng chiếu thương mại, phục vụ khán giả Việt kiều ở một số nước.
Tự thân vận động
Nhiều người trong giới thừa nhận việc mang phim đi chiếu xứ người của nhà sản xuất Việt chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, còn vô vàn khó khăn. Nhưng có những bước khó khăn đầu tiên thì mới tạo được con đường lớn sau này, nhất là khi phim Việt ngày càng nâng chất lượng, cơ hội thu hút khán giả càng lớn. Giới phát hành phim cho rằng thị trường các nước có đông người Việt sinh sống rất giàu tiềm năng, nếu khai thác hết sẽ tăng thêm thị phần cho phim Việt. Doanh thu phát hành ở nước ngoài của phim Việt hiện chỉ là nguồn thu phụ, thậm chí không đáng kể, vì chi phí lớn. Dẫu vậy, đây vẫn là sự tiến bộ so với thời trước, các phim Việt chiếu ở nước ngoài chỉ mang tính giao lưu, quảng bá, lấy tiếng là chính.
Nguyên nhân phim Việt chưa thể khai thác mạnh ở thị trường nước ngoài là do số lượng phim Việt hiện nay bảo đảm chất lượng chưa nhiều, chưa đủ tạo nguồn cung thường xuyên. Mặt khác, việc đưa phim đi phát hành nước ngoài rất vất vả. Hầu hết các nhà sản xuất đều phải tự thân vận động, tìm đối tác, hoàn tất thủ tục đưa phim phát hành nước ngoài chứ không có một đầu mối nào hỗ trợ... Nhà sản xuất Võ Đỗ Minh Hoàng cho biết: "Các nhà sản xuất đều tìm cách phát hành phim mình theo nhiều hướng khác nhau và chúng tôi cũng thế. Sau khi phim "Sài Gòn, Anh yêu em" ngừng ra rạp trong nước, chúng tôi cũng mang đi chiếu thương mại ở TP Sydney và Melbourne của Úc trong khoảng 10 ngày, tín hiệu khán giả rất tốt. Nhưng việc liên hệ đối tác để mang phim đi phát hành ở nước ngoài khá khó vì chúng tôi là công ty sản xuất mới, thủ tục nhiều, việc chuyển ngữ cũng phải bảo đảm chất lượng để đối tác có thể hiểu, cảm được phim. Rạp các nước thẩm định gắt gao, chỉ chọn chiếu phim có chất lượng, khả năng doanh thu tốt".
Theo ông Hoàng, các nước có nền điện ảnh phát triển có cả hệ thống hỗ trợ đưa phim ra nước ngoài nhưng chúng ta thì không, nhà sản xuất tự thân vận động là chính nên hết sức khó khăn.
Cần chuyên nghiệp
Việc mang phim đi chiếu thương mại ở nước ngoài thuận lợi hơn với những công ty vừa sản xuất vừa kinh doanh phát hành. Họ có sẵn kinh nghiệm tìm kiếm, chọn lựa đối tác phù hợp theo tiêu chí đôi bên cùng có lợi. Ở Việt Nam, các công ty phát hành lớn như CGV, Galaxy... chỉ đưa phim do họ sản xuất đi chiếu ở các thị trường nhỏ ở một số nước nhưng cũng không quảng bá rầm rộ. Các nhà sản xuất tự tìm cách đưa phim xuất ngoại có nhiều rủi ro bởi nước ngoài chi phí mọi thứ thường đắt hơn Việt Nam. Các cụm rạp chỉ chọn những phim có thể doanh thu cao, dễ thu hồi vốn. Nếu mở rộng sang nhiều thị trường khác ngoài nước là một nguồn thu lớn giúp cho điện ảnh Việt có điều kiện đầu tư lớn. Nhưng để phát triển việc này thực chất và mang tính bền vững theo cách chuyên nghiệp, nhiều người trong giới cho rằng cần một công ty, một đơn vị hoặc một hệ thống chuyên về việc này để hợp tác vẫn tốt hơn là để các nhà sản xuất tự thân vận động, nhiều rủi ro như hiện nay.
Bình luận (0)