“Vua trường quay”, danh xưng của đạo diễn điện ảnh ngày nay gần như không còn được nhắc đến. Đạo diễn bây giờ trở thành người làm thuê đúng nghĩa cho các ông chủ sản xuất phim chứ không còn là những “vua trường quay” quyền lực vốn có.
Tự truất phế mình
Đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết trước đây, đạo diễn là “vua trường quay” nhưng nay vị thế không còn nữa, nhà sản xuất quyết định hết. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng phim vì đạo diễn không còn được chủ động trong nhiều khâu mang tính quyết định tác phẩm. “Cơ chế thị trường, nhà sản xuất nắm nguồn vốn đầu tư cho phim, họ trở nên quan trọng, từ khâu chọn kịch bản đến chi phối bộ phim. Phim cũng cần quảng cáo, tài trợ...; nhà sản xuất cần những yếu tố ăn khách để đáp ứng yêu cầu nhà quảng cáo trong tác phẩm. Đôi lúc, kinh phí hạn hẹp, nhà sản xuất quyết định bỏ qua nhiều cảnh mà đạo diễn tâm huyết, cũng đành chịu” - đạo diễn Nguyễn Minh Chung chia sẻ. Còn với đạo diễn Nguyễn Quang Minh, chuyện “vua trường quay” giờ đã xa vời, kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí cho phim truyền hình hạn hẹp nên muốn làm gì, đạo diễn cũng phải giải trình với nhà sản xuất. Họ chấp nhận là tốt còn không phải tự suy nghĩ cách khác ít chi phí hơn. Đạo diễn phải bảo đảm chất lượng sản phẩm của mình nhưng với kinh phí hạn hẹp, họ chỉ được làm trong giới hạn an toàn, còn ý tưởng phá cách, mới lạ khó thực hiện.
Theo nhiều người trong giới, hiện phim truyền hình Việt ở giai đoạn mà vai trò đạo diễn không được xem trọng. Nhiều đạo diễn chỉ là người làm công, hưởng lương kiếm sống và an phận. Nhà sản xuất giao cho kịch bản nào là làm kịch bản đó. Phim là “đứa con tinh thần” của đạo diễn, mang tên họ nhưng thường bị què quặt, thậm chí là quái thai. Nguyên nhân của việc này vẫn là yếu tố thị trường, cạnh tranh quảng cáo, ai nắm đồng tiền người đó giữ vai trò chi phối.
Một số đạo diễn có tên tuổi, tay nghề cao, không nặng gánh “cơm áo, gạo tiền” mới đủ bản lĩnh chọn lựa khác hơn. Họ cũng chịu tác động từ nhà sản xuất nhưng ở mức độ vừa phải vì có quyền từ chối những kịch bản dở hoặc bị can thiệp quá nhiều vào công việc chuyên môn.
Khó tự chủ khi không... làm chủ!
“Vấn đề nào cũng có 2 mặt, cần cảm thông bởi lẽ các đạo diễn chấp nhận để nhà sản xuất chỉ huy, quyết định tất cả chỉ vì họ cần tiền lo cho cuộc sống gia đình” - đạo diễn Lê Cung Bắc giãi bày. Ông cho biết thêm mình vẫn giữ được vị thế tự lựa chọn phim vì không phải lo lắng vấn đề tài chính. Nếu kịch bản phim tốt, ông tham gia còn không là từ chối; vẫn vui vẻ, yêu đời.
Không như những đạo diễn phim truyền hình, nhiều đạo diễn phim điện ảnh vẫn giữ vai trò quyết định trên trường quay. Bởi ngoài lượng đạo diễn có năng lực, chứng tỏ bản lĩnh qua những phim ăn khách như: Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Vũ Ngọc Đãng..., đa phần phim điện ảnh đều do đạo diễn góp tiền làm. Họ trở thành cổ đông nên tiếng nói có trọng lượng, những ý tưởng sáng tạo trong khuôn khổ kinh phí của mình được thực hiện. Trở thành cổ đông chính hay chỉ là cổ đông bình thường, đạo diễn vẫn đủ quyền như “vua trường quay”, được phép quyết định nhiều việc” - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Lý Minh Thắng cho biết.
Đạo diễn Việt Max chia sẻ anh chỉ là tay ngang trong làng điện ảnh nhưng nghĩ rằng bất cứ bộ phim nào đạo diễn cũng là “đầu tàu”. Hẳn nhiên, họ cũng chịu chi phối ít nhiều từ nhà sản xuất nhưng nếu chọn nhà sản xuất có tâm, sự tự chủ vẫn có. Đó là bản lĩnh của đạo diễn trong tính toán, chọn lựa kỹ khi mang dự án của mình đi kêu gọi nhà đầu tư.
Có quyền hay không là ở cách chọn lựa
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, trước đây nhà sản xuất lớn nhất của phim Việt là nhà nước. Nhà nước không can thiệp vào công việc cụ thể của các đạo diễn nên ai muốn sáng tạo thế nào cũng được. Đạo diễn toàn quyền trên trường quay, tạo ra tác phẩm tốt là được. Nhưng khi xã hội hóa, nhà sản xuất tư nhân nhiều, họ bỏ tiền ra đầu tư phim để kinh doanh, thu lợi nhuận và can thiệp từ khâu kịch bản đến công việc đạo diễn. Đây là quy luật thị trường, phải chấp nhận.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng vị thế của đạo diễn còn là “vua trường quay” hay không trong thời đại ngày nay tùy thuộc vào từng loại phim tham gia. Nếu là phim nghệ thuật, độc lập, quyền lực của đạo diễn nhiều hơn và được làm theo ý mình. Thậm chí, nếu người khác bỏ tiền đầu tư để đạo diễn làm phim nghệ thuật, họ cũng không can thiệp được nhiều và đạo diễn có quyền sáng tạo theo ý muốn. Nhưng phim thương mại, nhà sản xuất đầu tư để thu lợi nhuận, họ chi phối chủ yếu cũng vì mong tìm kiếm lợi nhuận. Nếu đạo diễn chấp nhận theo dòng phim thương mại, họ phải tuân thủ “luật chơi” và chịu sự chi phối từ nhà sản xuất.
Thực tế, dẫu là dạng phim nào, đạo diễn đã có uy tín trong nghề cũng dễ thuyết phục nhà sản xuất đáp ứng yêu cầu sáng tạo của mình, bắt tay cùng làm việc với nhau. Hiện nay, nhiều nhà làm phim trẻ, mới ra trường cũng không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận là người làm thuê, chạy theo “cơm áo”. Một số nỗ lực tìm tòi dòng phim nghệ thuật, phim độc lập, lao vào đó để được sáng tạo theo ý thích mà không bị áp lực thị trường đè nặng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-12
Bình luận (0)