Những ai lần đầu đến làng gốm Thanh Hà thuộc địa bàn phường Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam - nằm cách khu phố cổ khoảng 2 km về hướng Tây - đều choáng ngợp trước vẻ tuyệt mỹ của gốm. Làng Thanh Hà được hình thành khoảng cuối thế kỷ XV, sau đó phát triển mạnh cùng cảng thị Hội An. Ngày nay, làng gốm độc đáo này đã được xây dựng thành Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, nơi lưu giữ rất nhiều tác phẩm gốm được chế tác bằng đất nung độc đáo.
Thổi hồn vào gốm
Công viên - bảo tàng gốm lớn nhất Việt Nam được xây dựng với kinh phí 22 tỉ đồng này nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn. Nơi đây thật sự là một không gian làng nghề truyền thống đặc trưng của dân tộc Chăm. Với màu gạch đỏ au, màu xanh của cây cỏ tô điểm khiến không gian làng gốm thêm phần đặc sắc.
Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Văn Nguyên là người thiết kế Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà với mong muốn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống và giới thiệu những sản phẩm gốm của làng nghề này ra thế giới.
Một góc trưng bày tác phẩm gốm Chăm tại Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà
Sinh ra và lớn lên từ Thanh Hà, chịu ảnh hưởng bởi truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử của làng nghề này, Nguyễn Văn Nguyên rời quê đi học kiến trúc. Sau đó, anh trở về thành lập Công ty Kiến trúc Nhà Việt khá thành công.
Sau hơn 4 năm xây dựng, Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà được đưa vào hoạt động, tôn tạo thêm nét đẹp của làng nghề gốm hơn 500 tuổi này. Công viên - bảo tàng tái hiện một thế giới gốm Việt thu nhỏ, nơi tập trung những tác phẩm độc đáo của các nghệ nhân tài hoa từ khắp nơi trên đất nước. Họ thổi hồn vào gốm, tạo ra những sản phẩm có nét đẹp và hồn cốt độc đáo.
Du khách tham quan khu trưng bày nghệ thuật gốm Chăm tại Công viên - Bảo tàng đất nung Thanh Hà
Điểm thu hút đầu tiên khi bước vào công viên - bảo tàng là hồ nước bao quanh khoảnh sân tròn mang hình ảnh biểu trưng cho chiếc bàn chuốt. Nơi đây có 2 tòa nhà chính, biểu trưng cho 2 loại lò nung gốm của Thanh Hà. Tòa nhà bên trái biểu trưng cho "lò úp", dùng để trưng bày lịch sử, các hiện vật cổ của làng gốm Thanh Hà với ý nghĩa bảo tồn và giữ gìn truyền thống. Tòa nhà bên phải biểu trưng cho "lò ngửa", nơi trưng bày và triển lãm các sản phẩm gốm Thanh Hà và của một số làng nghề khác: Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long…
Toàn bộ công viên - bảo tàng có 9 khu: Lò gốm, Bảo tàng làng nghề, Sản phẩm làng, Chợ đất nung, Thế giới thu nhỏ (rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam và kỳ quan trên thế giới đã được tái hiện đầy sinh động), Vườn sắp đặt, Trại sản xuất, Gốm Sa Huỳnh - Chăm, Các làng nghề truyền thống.
Hướng đến di sản của thế giới
Từ những chuẩn mực của Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà, nơi đây lưu giữ hàng ngàn sản phẩm từ nhiều thập niên, bổ sung vào danh sách đệ trình Tổ chức UNESCO. Người làm nghề gốm Thanh Hà tự tin nơi đây sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học quốc tế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Nghệ nhân điêu khắc Thạch Lam cho rằng khi đề cập nghề thủ công truyền thống của người Chăm, không thể không nói đến nghề làm gốm, nói đúng hơn là nghệ thuật làm gốm, bởi đó là một phần tất yếu tạo nên tổng thể văn hóa Chăm.
Làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề sản xuất gốm có truyền thống lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Quy trình làm gốm Chăm ở đây toát lên giá trị nghệ thuật đặc trưng, dù trải qua bao thăng trầm. Với mong muốn bảo tồn và phát huy các giá trị nghề sản xuất gốm và nghệ thuật làm gốm của người Chăm, các cơ quan quản lý địa phương đã cùng Bộ VH-TT-DL xây dựng hồ sơ quốc gia "Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm", đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo TS Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, gốm Chăm là di sản quý giá và đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến nay, gốm Chăm chỉ còn tồn tại ở một số làng nghề: Thanh Hà (Quảng Nam), Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận). Ngoài ra, làng gốm chịu ảnh hưởng và đồng dạng với gốm Chăm là Karango - Chu ru (Lâm Đồng). Trong quá trình hội nhập, nghệ thuật làm gốm truyền thống ở các ngôi làng này có dấu hiệu mai một nếu không biết bảo quản, trao truyền cho thế hệ kế cận những kinh nghiệm.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên cho biết nhiều làng gốm cổ trên thế giới đã mất nhưng gốm Chăm Việt Nam vẫn tồn tại, giữ được nét tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm. Đó là giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm, xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giúp làng nghề phát triển tốt hơn
Trong hành trình tìm kiếm về văn hóa Chăm, đồ gốm sẽ là "chìa khóa" tiếp cận đời sống vật chất và tinh thần của cư dân. Trong mỗi giai đoạn phát triển nhất định, họ tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm của giai đoạn trước và cả quá trình giao lưu văn hóa với cộng đồng xung quanh. Vì thế, gốm Thanh Hà ngoài đặc điểm riêng mang tính địa phương còn mang đặc tính chung của gốm trong khu vực. Công viên đất nung đã mang lại cái nhìn tổng quan về lịch sử và thông tin của làng Thanh Hà, nôi nổi tiếng với đồ gốm.
Bây giờ, cuộc sống không dễ dàng với các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà bởi sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp rất gay gắt. Tuy nhiên, số người yêu thích sản phẩm thủ công đang gia tăng. Công viên - Bảo tàng Đất nung Thanh Hà sẽ giúp tương lai của làng phát triển tốt hơn. "Sự ảnh hưởng của bảo tàng rất rõ ràng, một số dân làng đã nhìn thấy những khả năng mới và hầu hết các cửa hàng đang dần đổi mới" - nghệ nhân Thạch Lam cho biết.
Bình luận (0)