Tôi nhắn tin hỏi bạn:"Thành phố mình vẫn ổn đúng không?". Bạn gửi lại những tấm ảnh cả gia đình đang vẽ tranh, ánh mắt lũ trẻ trong veo trong những ngày đầu giãn cách nơi căn hộ chung cư nhỏ. TP HCM là thế, thường ngày ồn ã những tạp âm của phố phường, vồn vã những lời nói, chan hòa nụ cười của những con người miền Nam hào sảng nhưng cũng có một TP HCM lại rất thâm trầm, tĩnh lặng trong những ngày này.
Hầu như những kỷ niệm đẹp, những ước vọng tuổi trẻ của tôi đều bắt đầu từ TP HCM, dẫu cho tôi chỉ sống tại nơi này trong những năm tháng của thời sinh viên. Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, tôi không về quê như dự tính mà háo hức ở lại thành phố để tham gia đội hình tình nguyện Tiếp sức mùa thi ở Bến xe Chợ Lớn. Vì đường sá vẫn còn khá lơ mơ, nên mỗi khi tra được bản đồ, hỏi đủ người trong nhóm để hướng dẫn cho mấy nhỏ em thí sinh về đúng nơi cần đến thì cũng ướt mồ hôi. Trong bến xe, có anh Sáu chuyên nghề môi giới nhà đất đất và bán đồng hồ đeo tay cổ. Mặt mũi bặm trợn, lại lượn lờ khắp bến xe nên ấn tượng đầu tiên của người đối diện là sự ngán ngại. Tôi cũng không ngoại lệ! Hôm đó, khi tôi vừa gửi xe đạp, hoay hoay vượt qua những làn xe để vào nơi tụ họp đội hình trong nhóm thì từ góc quán, anh Sáu nhìn chằm chằm. "Ê, con nhỏ. Ba lô kiểu gì vậy? Tụi móc túi nó lấy hết hổng có tiền dìa quê à". Thoáng bất ngờ, tôi quay lại thấy ba lô không kéo khóa, còn cái điện thoại và bóp tiền thì lộ ra ngoài hết phân nửa. Số tiền của sinh viên không nhiều, nhưng nếu bị mất thì với tôi là lại là chuyện lớn. Chỉ vậy thôi, tự nhiên thấy mến người TP HCM hơn!
Sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tại TP HCM những năm chưa có dịch Covid-19 Ảnh: MỸ ANH
Sau khi ra trường, rời TP HCM, tôi vẫn cập nhật tin tức về bạn bè trên group lớp. Đặc biệt trong những ngày này, khi thông tin về TP HCM hầu như xoay quanh về những khu phong tỏa, những ngày cách ly hay giãn cách thì những lo lắng hướng về nơi này càng nhiều hơn. Gia đình bạn tôi ở căn hộ EHOME 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Cả những ngày phong tỏa trước đó và cách ly xã hội bây giờ, bạn vẫn thường gửi những tấm ảnh về những giây phút quây quần bên nhau để chúng tôi yên lòng. Trong khi đó những người bạn khác, ở các quận khác, cố gắng gửi san sẻ những nhu yếu phẩm hiện có cho những người bạn xung quanh. Cho đến khi Phú Yên quê tôi, một tỉnh miền Trung cũng bắt đầu nóng lên những con số về ca dương tính, về những trạm kiểm soát, khu cách ly, tôi càng thấm thía hơn những khó khăn mà những người bạn phương Nam đã và đang trải qua. TP HCM sôi động là thế, nơi được mệnh danh là thành phố không ngủ, giờ lại trầm ngâm đến bất ngờ cũng đồng nghĩa biết bao con người trong lòng thành phố, bao phận đời mưu sinh đã chọn vùng đất hào sảng này làm nơi cư ngụ đang trải những ngày tháng khắc nghiệt đến thế nào. Nhưng người dân TP HCM không hề kêu ca than vãn, vẫn điềm tĩnh và kiên định niềm tin của mình! Tôi tin rằng thẳm sâu trong ánh mắt của từng người bạn ấy, có không ít nỗi lo về cuộc sống, về những ngày đang đến. Thế nhưng họ đã chọn cách sống trầm tĩnh hơn, chậm hơn và tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm được khống chế.
Những ngày này, lại nhớ một con phố cũ của TP HCM. Con phố Trần Nhân Tôn đoạn gần với Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 ở quận 5 với những cửa tiệm sách cũ. Đối với những sinh viên tỉnh lẻ, để tìm nguồn tài liệu cho các bài thi kết thúc môn, các bài tiểu luận, thực hành, thì chỉ có những tiệm sách cũ mới là kho tàng tài liệu kiến thức phù hợp với mình. Trên phố sách ấy có một người chủ tiệm, luôn có muôn vàn lý do như cuốn này lâu rồi không ai mua, cuốn kia giá không đáng bao nhiêu, cuốn nọ cũ quá cũ rồi… để tặng cho sinh viên cần sách mà lại… hết tiền. Thỉnh thoảng trong những ngày nghỉ giữa các kỳ thi, tôi hay ra phố sách cũ để hong, lau từng trang sách hẩm, đuổi bọn mối trắng gặm nhấm sách và sắp xếp lại từng ô sách cùng người chủ tiệm, như một sự cảm kích dành cho người chủ vừa quý sách, vừa đôn hậu với đời.
Sau này khi mải mê cuộc mưu sinh, tôi chưa thể trở lại TP HCM như lời hẹn tôi vẫn thường hỏi thăm bạn bè về phố sách cũ, về người chủ tiệm sách năm nào. Bạn bảo phố sách về sau đìu hiu vắng khách, nhiều cửa tiệm đã nghỉ thay bằng những cửa hàng buôn bán nhiều mặt hàng khác. Tôi ngẩn ngơ tiếc nuối, lại đem những cuốn sách của ngày xưa ra hong cho thơm nắng, nhớ những ân tình dù nhỏ của người phương Nam song lại gieo trong lòng tôi những thiện cảm rất đỗi chân thành về TP HCM bao dung tình nghĩa.
Còn 1 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 1 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)