1.Trong suy nghĩ của thế hệ 7x như tôi, quê Nghệ An, cách đây hơn 20 năm, TP HCM quá rộng lớn, quá xa vời để dấn thân lập nghiệp. Vì vậy tôi chọn một tỉnh miền Tây Nam Bộ để sinh sống. Còn em, một mình thân gái dặm trường đã thi đậu đại học rồi trở thành cô giáo THPT ở TP HCM.
Hơn 20 năm em chưa một lần về thăm quê nhà Nghệ An. Vì em cùng chồng muốn tập trung phát triển kinh tế gia đình bền vững trước đã. Giờ kinh tế gia đình em rất khá với người chồng mở một hãng xe khách. Hãng xe được khách hàng, nhất là hành khách miền Trung ưa chuộng vì giữ chữ tín, đối xử với hành khách rất nhiệt tình. Hè này em gọi điện rủ tôi cùng về quê, nhưng đành chịu vì đại dịch Covid-19.
Nhớ lại ngày trước, em là một cô nữ sinh nhỏ nhắn, xinh xinh với đôi má hồng duyên dáng. Gia đình em khó khăn sau rất nhiều cân nhắc, em quyết định nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM và em đã đỗ với điểm rất cao. Em kể với tôi rất được đồng nghiệp và học trò thương mến, giúp đỡ hết lòng từ ngày mới ra trường đến nay. Với em, TP HCM đã trở thành quê hương thứ 2, chưa xa đã thấy nhớ. Những ngày đầu trên bục giảng, em run lắm vì giọng Nghệ đặc sệt khó nghe. Nhưng từ từ, học trò và mọi người xung quanh nghe quen dần. Mảnh đất nơi đây đã níu chân em nên "chưa về thăm nhà thì vài năm sau cũng được. Người TPHCM sống chân thành, nghĩa tình lắm". Em kể có lần đi dạy hỏng xe, vài người dân bên đường dừng lại giúp sửa xe là chuyện thường…
2. Một buổi chiều yên ả trong một khu dân cư lớn ở quận 9, TP HCM. Em nhẹ nhàng dắt tay tôi qua đường đông đúc xe cộ ngược xuôi đến thăm một người bạn cũ học cùng trường, chỉ khác là bạn ấy học khối A. Sau hàng chục năm bươn chải giờ Dũng, người bạn ấy, là giám đốc của một công ty chuyên về môi trường khá có tiếng ở TP HCM. Dũng nói với tôi bạn vừa thi công hệ thống xử lý, thoát nước cho một khu biệt thự ở TP HCM. Đây là một mốc son bởi công ty của anh thành lập chưa lâu. Dũng kể gần 20 năm trước, trước khi thi đại học, Dũng đã có dịp vào thăm TP HCM. Vào đây, anh vỡ lẽ ra nhiều điều và quyết định thi vào khoa công nghệ sinh học Đại học Huế, học lên thạc sĩ rồi vào TP HCM khởi nghiệp sau thời gian khá dài đi làm thuê tích lũy kinh nghiệm.
"Ngay từ khi thi vào đại học, tôi đã tính sẽ làm gì. Học lên cao học là để cho vững tay", Dũng nói. Không chỉ lo chuyện kinh doanh mà Dũng cũng rất quan tâm đến các hoạt động xã hội. Anh thường xuyên làm thiện nguyện, đi phát quà, tặng áo quần, gạo… cho những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Một trường hợp khó khăn tại TP HCM được nhận tiền hỗ trợ của TP. Ảnh: DI LÂM
3. Cách đây độ 10 năm, tin hai bạn Hồng và Lê vào TP HCM lập nghiệp khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Hồng vừa tốt nghiệp sư phạm ở Trường Đại học Quy Nhơn còn Lê từ Hà Nội vào. Rồi chỉ từ mẩu tin quảng cáo nhỏ trên báo, Hồng trúng tuyển vào một ngân hàng ở TP HCM. Còn Lê với kinh nghiệm dày dạn hồi ở Hà Nội, mở một quán ăn rất đông khách, nhất là khách Pháp vì cô từng làm hướng dẫn viên du lịch. Hồng tâm sự: "Thành phố này quá nghĩa tình với tôi! Sau khi tiếp nhận tôi, ngân hàng còn tạo điều kiện cho tôi đi học thêm về chuyên môn. Mọi người trong cơ quan luôn hết lòng giúp đỡ nhau". Chưa giàu sang hơn nhiều người, nhưng cơ ngơi của Hồng, Lê cũng khiến không ít người mơ ước với một căn nhà lầu ở quận trung tâm của TP HCM. Gia đình luôn rộn lên tiếng vui cười của hai cậu con trai kháu khỉnh.
Vậy đó, thành phố này luôn rộng lòng với những ai chí thú làm ăn lương thiện, nâng đỡ họ vươn lên bằng tài năng, nghị lực. Những người nghèo khó hơn mình thì được cưu mang giúp đỡ, với ý nghĩ đưa thêm một bàn tay để người ấy có điểm tựa mà đứng lên, đi tiếp và tất cả cùng sống chung, vun đắp cho thành phố ngày càng phát triển.
Còn 2 ngày sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Chỉ còn 2 ngày nữa (ngày 15-7), cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)