Trong lúc một loạt phim Việt ra rạp không đủ sức lôi kéo khán giả thì "Bán đảo" (Peninsula) - hậu truyện của "Train to Busan", được xem là phim "bom tấn" Hàn Quốc (ra rạp Việt Nam từ ngày 17-7) khiến người xem đổ xô đến rạp, phá tan "băng" cho rạp chiếu sau giãn cách xã hội, do dịch.
Áp đảo suất chiếu gần gấp 10 lần phim Việt
Sau ngày đầu chiếu sớm, "Bán đảo" của đạo diễn Yeon Sang Ho đã bán hơn 69.000 vé, thu hơn 6 tỉ đồng, trở thành phim Hàn Quốc có doanh thu chiếu sớm ngày đầu cao nhất tại Việt Nam. Theo thống kê từ Box Office Việt Nam, đến tối 20-7, "Bán đảo" thu hơn 28 tỉ đồng, dẫn đầu phòng vé trong ngày với số suất chiếu gần 3.000, hơn nhiều so với hai phim Việt: "Đỉnh mù sương" (ra rạp chính thức từ ngày 17-7) với 543 suất chiếu và "Bằng chứng vô hình" với 436 suất chiếu (ra rạp chính thức từ ngày 10-7).
Cảnh trong phim “Bán đảo”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
"Bán đảo" là câu chuyện hoàn toàn tách biệt với "Train to Busan". Phim nói về người dân Hàn Quốc rời đất nước, tị nạn sau khi virus xác sống hoành hành như đã kể trong "Train to Busan". Bốn năm sau, cựu binh Jung Soek (Gang Dong Won đóng) cùng anh rể lúc này đang sống trong cảnh bị kỳ thị, nghèo túng ở Hồng Kông, được ông trùm ở Hồng Kông thuê trở lại cố hương vận chuyển xe tải tiền đô bị mắc kẹt do tay sai của gã đều thiệt mạng lúc vận chuyển. Phim có những cảnh đua xe tương tự "Quá nhanh, quá nguy hiểm" (Fast and the Furious), những cảnh bắn giết như siêu anh hùng. Nhìn chung, phần hậu truyện của "Train to Busan" đậm chất giải trí và hợp thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành khiến thế giới lao đao. Tuy nhiên, "Bán đảo" không phải tác phẩm sánh bằng "Train to Busan" do kịch bản theo mô-típ xác sống của thế giới, dễ đoán. Những cảnh ngợi ca tình mẫu tử, tình thân, tình người lồng ghép còn nặng sắp đặt, chưa đủ lấy nước mắt khán giả. Nhân vật phản diện trong phim bị tiêu diệt quá đơn giản, giảm kịch tính. Sa đà vào những cảnh hành động, chiến đấu như siêu anh hùng khiến cho phim lộ nhiều chi tiết bất hợp lý. Thế nhưng, bất chấp khán giả phân thành hai luồng ý kiến trái ngược, "Bán đảo" tiếp tục khuấy động phòng vé. Nhiều người trong giới cho rằng phim này thừa hưởng thành quả thương hiệu "Train to Busan" tạo lập trước đó. Một câu chuyện nhân văn, đầy cảm xúc, mới lạ so với mô-típ phim chủ đề xác sống của thế giới, khiến khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đã biến "Train to Busan" thành thương hiệu mạnh chiếm trọn cảm tình và dễ dàng giúp "Bán đảo" gắn mác "must see" dù là phần hậu truyện với nội dung, nhân vật hoàn toàn độc lập.
Độc lạ và chất lượng đang là khẩu vị
Trước sức hút của "Bán đảo" khiến các phim Việt phát hành cùng lúc khó trụ rạp. Chuyện phim Việt cũng trở thành chủ đề bàn tán của người trong giới. Đặc biệt, sau khi phim "Bằng chứng vô hình" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Việt hóa từ phim "Nhân chứng mù" của Hàn Quốc, được giới chuyên môn đánh giá đầu tư chỉn chu, dàn diễn viên thực lực nhưng lại thua đau trước phim "Ngôi đền kỳ quái 2" của Thái Lan, cũng được giới chuyên môn đánh giá quá kém về chất lượng.
Không ít ý kiến cho rằng khán giả Việt chỉ tin tưởng vào những phim có thương hiệu nên "Ngôi đền kỳ quái 2" và "Bán đảo" có cơ hội đạt được thành tích phòng vé. Đó có thể là thương hiệu phim nhưng cũng có thể là thương hiệu đạo diễn, nổi tiếng và có nhiều tác phẩm ăn khách, tạo được niềm tin ở khán giả. "Khán giả Việt hiện nay trẻ, xem nhiều, nghe nhiều và họ biết mình muốn xem gì ở thời điểm này. Họ thích sự mới lạ, hấp dẫn, những phim thương hiệu lại càng có lợi thế" - đạo diễn, biên kịch Kay Nguyễn nhận định. Nhà báo Cát Vũ cho rằng ở thời điểm khó khăn nhiều mặt do dịch bệnh, phải là phim đặc biệt, có thương hiệu, có độ lôi cuốn nhất định mới đủ sức khiến khán giả bỏ thời gian, tiền bạc ra rạp. Khán giả không muốn phiêu lưu vào những tác phẩm nhàn nhạt, những tên tuổi xa lạ, chỉ tạo được hiệu ứng truyền thông mà không đủ sức tạo hiệu ứng truyền miệng.
Kết quả khả quan của "Bán đảo" vẫn là một tín hiệu vui, cho thấy khán giả vẫn thích đến rạp xem phim, đồng thời cũng tạo áp lực buộc các nhà sản xuất phim Việt phải tìm được lời giải cho bài toán sản xuất để tạo ra tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. "Vấn đề không phải phim ngoại hay phim nội mà phim nào chất lượng tốt, tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt sẽ lôi kéo khán giả đến rạp thưởng thức. Khán giả hiện tại rất thông minh, luôn biết mình cần gì" - đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định.
Lập nhiều kỷ lục phòng vé
Ở thời điểm thiếu vắng phim "bom tấn", "Bán đảo" trở thành món hiếm và lập hàng loạt thành tích phòng vé không chỉ ở Việt Nam. "Bán đảo" cũng lập kỷ lục tại Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực châu Á. Theo thông tin từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, phim thu hút hơn 600.000 lượt khán giả Hàn trong 2 ngày công chiếu. Tại Singapore, trong ngày khởi chiếu, phim lập kỷ lục phòng vé với doanh thu 105.500 USD, vượt kỷ lục mà phim "Along with the gods: The last 49 days" đã lập năm 2018 với 85.500 USD. Riêng tại vùng lãnh thổ Đài Loan, phim lọt vào tốp 300 phim ăn khách nhất, mang về 800.000 USD cho ngày đầu khởi chiếu, đánh bại "Train to Busan" phần đầu và cao gấp 10 lần phim "Ký sinh trùng".
Bình luận (0)