NSND Kim Cương cho rằng một trong những hoạt động sau mặt báo rất ý nghĩa, chạm đến trái tim khán giả chính là Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động (NLĐ). Giải Mai Vàng đã lan tỏa tinh thần lao động nghệ thuật một cách tích cực, để nghệ sĩ tự tin vào sự phấn đấu của mình sẽ được bạn đọc, khán giả yêu mến và bầu chọn.
Sợi dây liên kết nghĩa tình
Các văn nghệ sĩ đã từng theo sát sự trưởng thành của Báo NLĐ đều đánh giá cao sự đồng hành, kết nối nhuần nhuyễn giữa lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật với đời sống của báo. Cụ thể như Giải Mai Vàng của Báo NLĐ, ban đầu chỉ là những buổi trao giải mang tính giao lưu, sau đó đã nâng cấp thành sự kiện văn hóa chuyên nghiệp hằng năm.
Nhiều văn nghệ sĩ đã chọn kênh thông tin của Báo NLĐ để gửi gắm tâm tư, nỗi niềm trong hoạt động nghề nghiệp. Báo NLĐ thật sự là một kênh phản hồi tích cực đối với văn nghệ sĩ. Bởi ở Giải Mai Vàng mỗi năm, sự đồng thuận giữa hội đồng nghệ thuật với bạn đọc, khán giả đã thu dần khoảng cách. Hình thức nhận xét trực tiếp qua danh sách ứng viên Giải Mai Vàng do bạn đọc đề cử, sau đó chọn ra danh sách nghệ sĩ vào vòng bầu chọn đã không còn dựa trên cảm tính mà đi vào phân tích học thuật.
Đặc biệt từ Giải Mai Vàng, Báo NLĐ tổ chức thêm chương trình "Mai Vàng nhân ái", đã trao hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đang gặp nhiều khó khăn, bệnh tật trên cả nước. "Bản thân tôi khi bị tai nạn giao thông, nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm, lo toàn bộ viện phí - một nghĩa cử rất đẹp mà tôi không thể nào quên" - NSND Trần Minh Ngọc xúc động nói.
PGS - nhạc sĩ Trần Thế Bảo tâm đắc: "Chương trình "Mai Vàng nhân ái" là sợi dây liên kết nghĩa tình, giúp lan tỏa thêm sức bền bỉ trong sáng tác của văn nghệ sĩ, để cùng với Báo NLĐ làm đẹp thêm vườn hoa nghệ thuật".
Giá trị hơn là năm qua, Giải Mai Vàng đã có thêm các giải thưởng: "Chương trình văn hóa - nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19", "Tác phẩm văn học - nghệ thuật xuất sắc", "Nghệ sĩ vì cộng đồng"…
Từ trái qua: Ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; NSND Ngọc Giàu; ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; ông Dương Quang - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động; tại buổi trao giải cuộc thi ảnh “Thiêng liêng cờ Tổ quốc” do Báo Người Lao Động tổ chức vào tháng 6-2022
Những góp ý chân thành
Bên cạnh niềm tri ân với lời động viên sâu sắc, văn nghệ sĩ gắn bó với Báo NLĐ đã có những góp ý rất chân thành. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, kỳ vọng các bài viết về văn hóa - văn nghệ trên Báo NLĐ tiếp tục phát huy: "Tính lý luận phê bình sắc bén, khen chê công tâm, thẳng thắn phê phán những việc làm thiếu tử tế trong nghệ thuật; thông tin kịp thời những sự cống hiến mới, từ đó khơi dòng cho những sáng tạo không ngừng trên con đường làm nghệ thuật chuyên nghiệp".
Ca sĩ Cẩm Vân bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến các phóng viên văn hóa - văn nghệ của Báo NLĐ đã đồng hành với hoạt động của giới ca sĩ, nhạc sĩ 47 năm qua, đóng góp nhiều trí tuệ, mồ hôi nước mắt cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của Giải Mai Vàng. "Tôi cho rằng cần đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên trẻ trong việc tác nghiệp trước xu thế chuyển đổi số hiện nay. Vì thời buổi của YouTube, TikTok, truyền hình thực tế… phóng viên phải làm việc "4 trong 1" mới đáp ứng nhu cầu đòi hỏi rất cao của bạn đọc hiện nay" - ca sĩ Cẩm Vân nêu ý kiến.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho hay: "Nhiều năm qua, theo dõi hoạt động của báo, tôi thấy Báo NLĐ có nhiều bài báo có hiệu ứng xã hội cao, nhận được giải thưởng báo chí. Song giải thưởng báo chí của lĩnh vực văn hóa - văn nghệ còn thiếu vắng. Tôi nghĩ cần đầu tư thêm để trong thời gian tới, lĩnh vực này sẽ có những bài báo giá trị nhận được giải thưởng báo chí".
NSƯT Lê Thiện bộc bạch rằng bà đã theo dõi các hoạt động của Báo NLĐ rất kỹ, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" ra đời ngày 1-6-2019 đến nay đã 3 năm và trong năm 2022 có thêm các hợp phần "Đường cờ Tổ quốc", "Cờ Tổ quốc biên cương"… đã nhận được sự đồng thuận rất cao của xã hội. Ngoài ra còn có nhiều chương trình thiết thực như "Đưa trường học đến thí sinh", "Xuân nhân ái, Tết yêu thương"; các cuộc thi phóng sự - ký sự - bút ký; cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế"…
"Những hoạt động bổ ích này là kho tư liệu quý để giới nhạc sĩ, soạn giả sáng tác. Trong năm 2023, Báo NLĐ có thể tổ chức các chuyên đề theo kiểu đặt hàng sáng tác từ những chất liệu sinh động vừa nói trên. Tôi tin vườn hoa nghệ thuật sẽ có thêm nhiều bài hát, bài vọng cổ, tân cổ giao duyên hay, giá trị" - NSƯT Lê Thiện đề xuất.
Bình luận (0)