xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Trong danh sách bầu chọn hạng mục vở diễn, 4 tác phẩm chiếm ưu thế bởi sức hút của khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao về thủ pháp dàn dựng gồm: "Áo cưới trước cổng chùa", "Bàn tay của trời", "Lôi Vũ" và "Mưu bà Tú"

Điều kiện tiên quyết nào sẽ giúp vở diễn chiến thắng, vở diễn nào sẽ chạm đến tượng Mai Vàng? Câu hỏi sẽ có lời giải đáp từ bình chọn của công chúng.

Sức trẻ của "Lôi Vũ"

Khán giả đến Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận xem tác phẩm "Lôi Vũ" của tác giả Tào Ngu, dịch giả Đặng Thai Mai, do NSND Việt Anh đạo diễn đã phân vân: Liệu diễn viên trẻ có gánh vác nổi các nhân vật kinh điển vốn là dấu ấn đậm nét của thế hệ đi trước? Và người xem đã có giải đáp khi một thế hệ diễn viên trẻ thể hiện được sự đa dạng trong diễn xuất và người làm nghề đã thở phào, yên tâm về nỗ lực không ngừng của thế hệ kế thừa.

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng - Ảnh 1.

Cảnh trong vở “Lôi Vũ” (Sân khấu Kịch Hồng Vân - Phú Nhuận)

NSND Hồng Vân cho rằng hướng đi mới của sân khấu bà đầu tư chính là tạo điều kiện cho dàn diễn viên trẻ dấn thân vào các vở diễn kinh điển.

NSND Hồng Vân nêu ý kiến: "Bằng sự chiêm nghiệm của một nghệ sĩ làm nghề nghiêm túc, NSND Việt Anh đã đẩy nhanh tiết tấu trong thủ pháp dàn dựng. Tạo hiệu ứng đồng bộ để các bạn trẻ tự tin trong diễn xuất, qua đó tô đậm tính cách các nhân vật mà ở nhiều bản dựng trước còn mờ nhạt như Lỗ Quý và Lỗ Đại Hải".

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng bản dựng này đã giúp diễn viên trẻ rèn luyện thêm về cách thâm nhập nội tâm các số phận nghiệt ngã trong câu chuyện.

"Lôi Vũ" vốn quen thuộc với khán giả yêu kịch, "8 số phận trong kịch qua diễn xuất của 16 diễn viên chia thành 2 ê-kíp đã mang lại cảm xúc dạt dào cho người xem. Tôi thích cách bố cục để các tình huống cuốn người xem hòa vào hiệu ứng gián cách, nghĩa là diễn viên kể chuyện và thoát vai để cùng khán giả bình phán về nhân vật. Thành công của "Lôi Vũ" là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố mới lạ trong âm nhạc, cảnh trí và trên hết là chỉ đạo diễn xuất rất chuẩn của NSND Việt Anh" - NSND Trần Minh Ngọc nhận xét.

"Bàn tay của trời" - thêm dấu son của Ái Như

Trong các vở kịch của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh năm nay, vở "Bàn tay của trời" (tác giả: Doãn Hoàng Giang - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) được giới chuyên môn nhận xét là một dấu son mới của thương hiệu này.

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng - Ảnh 2.

Vở “Bàn tay của trời” (Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh)

NSƯT Ca Lê Hồng nhìn nhận: "Đạo diễn Ái Như đã chạm đến trái tim và sự đồng cảm của khán giả khi chị có cách kể chuyện tinh tế, gieo vào lòng người những cảm xúc chân thật về thông điệp nhân quả, thiện ác trong cuộc sống. Với thủ pháp dàn dựng mang màu sắc dân gian Bắc Bộ, chỉ đạo diễn xuất của Ái Như đã nâng bước tiến và tạo sự thăng hoa sáng tạo cho diễn viên".

Đạo diễn Tôn Thất Cần - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - nhận định giá trị của sự thương yêu, đền đáp lễ nghĩa trong cuộc sống được nhấn mạnh qua bản dựng đầy cảm xúc của Ái Như.

"Để lại dư âm rất đẹp bởi âm nhạc, cảnh trí phối hợp rất đắt, tạo không gian đầy cảm xúc cho người xem. Nhất là sự phát hiện của Ái Như qua cách phân vai, để nhiều diễn viên thay đổi cái nhìn mới của khán giả về cách thể hiện khác với sở trường của họ. Cụ thể, Quốc Thịnh diễn vai ông đồ nghiêm nghị, khẳng khái; Ngọc Tưởng hung dữ, toan tính với cá tính phản diện…" - đạo diễn Tôn Thất Cần nói.

Cơn sốt vé bởi "Mưu bà Tú" của IDECAF

Là vở kịch mang chất châm biếm sâu cay, "Mưu bà Tú" của tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh đã tạo cơn sốt vé mỗi khi tác phẩm này sáng đèn tại Sân khấu Kịch IDECAF.

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng - Ảnh 3.

Vở “Mưu bà Tú” (Sân khấu Kịch IDECAF)

Đạo diễn Tôn Thất Cần cho rằng vở kịch gây ấn tượng đậm nét bởi quy tụ dàn diễn viên giỏi nghề: NSƯT Thành Lộc, các nghệ sĩ Hương Giang, Đức Thịnh, Vân Trang… Bố cục vở diễn và thủ pháp dàn dựng của tác phẩm này tạo được sức lan tỏa trong việc châm biếm thói hư tật xấu, lên án sự dối trá của con người, mà điểm nhấn thú vị chính là mọi chuyển biến tâm lý của các nhân vật đều nằm trong bàn tay xoay trở của "bà Tú" - một nhân vật do NSƯT Thành Lộc thể hiện.

Giới chuyên môn đánh giá thủ pháp dàn dựng của vở đạt mức tinh tế, làm cho vai diễn của nghệ sĩ trở nên "thanh xuân" trong sáng tạo. Xem một vở diễn có thủ pháp nghệ thuật táo bạo mang tính châm biếm hóm hỉnh, đã nâng thêm vị thế của Sân khấu Kịch IDECAF trong giai đoạn thiếu trầm trọng kịch bản hay, sâu sắc, ý nghĩa.

Để làm nên điều này, sự toàn tâm toàn ý của tập thể diễn viên đã thổi hồn cho từng nhân vật. Qua đó giúp vở diễn có đủ tình tiết cuốn hút, tạo những mảng miếng cười duyên hết sức tự nhiên.

Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng khen ngợi đạo diễn Vũ Minh khi bản dựng của anh luôn chăm chút vẻ đẹp sâu lắng và thẩm mỹ, để từng chi tiết trong dàn dựng chạm đến trái tim người xem. "Khiến họ cười và trào nước mắt. Vì trong kịch có chất đời được chắt chiu từ sự quan sát tinh tế" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.

Tác phẩm cải lương đậm chất thi ca

Các nhà chuyên môn không tiếc lời khen ngợi đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu khi ông dàn dựng tác phẩm cải lương kinh điển của cố soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà, vở "Áo cưới trước cổng chùa".

"Đạo diễn đã chạm đến cảm xúc mãnh liệt của khán giả bởi làm toát lên chất thơ của một kịch bản đã đi vào huyền thoại. Trước đó có nhiều bản dựng thành công, được thế hệ vàng của sân khấu cải lương thể hiện. Nay, đạo diễn đã hòa quyện được với hơi thở thời đại, nâng tầm diễn xuất của đội ngũ diễn viên đương thời, để họ tạc cho từng số phận những dấu son mới, đầy đặn, tinh tế như: Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thanh Ngọc, Hoài Linh, Ngân Quỳnh, Tô Châu… Đây là một thành công mới của Nhà hát Trần Hữu Trang và nhóm xã hội hóa của NSND Thanh Ngân" - đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc nói.

NSƯT Kim Phương tâm đắc: "Bố cục của vở luôn tạo chất thanh xuân trong ca diễn của nghệ sĩ, nhất là khán giả thật sự thương nàng Xuân Tự, anh Tô Châu, người mẹ mù lòa, ông sui vui tính… và họ quên mất đó là nghệ sĩ, mà chỉ nhớ đến nhân vật khi xem "Áo cưới trước cổng chùa".

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng - Ảnh 4.

Vở “Áo cưới trước cổng chùa” (Nhà hát Trần Hữu Trang)

Khán giả sẽ là người quyết định tác phẩm nào đoạt giải Mai Vàng năm nay nhưng 4 tác phẩm được vào danh sách bầu chọn đã tạo ấn tượng đẹp, cho thấy nỗ lực của đạo diễn kịch nói và cải lương luôn muốn đầu tư sáng tạo để hướng đến việc khán giả chịu bỏ tiền mua vé thưởng thức tác phẩm của mình.

Các đạo diễn đã tạo được sự thăng hoa trong cảm xúc, nâng bước tiến của diễn viên trẻ qua những kịch bản có sự đầu tư, chăm chút, được giới chuyên môn đánh giá cao. Để từ đó có thể đặt niềm tin họ có thể kế thừa và bước đi vững vàng. Đó cũng là điều Giải Mai Vàng luôn đồng hành để sàn diễn có nhiều tác phẩm mới.

TÀI TRỢ ĐỘC QUYỀN

Bầu chọn Giải Mai vàng 2020 hạng mục vở diễn: Dấu ấn thủ pháp dàn dựng - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo