Trước khi nhận giải Nobel Văn chương năm 2018, nhà văn người Ba Lan Olga Tokarczuk vẫn còn là cái tên xa lạ với không ít độc giả Việt Nam. Một vài truyện ngắn của bà được dịch chưa đủ để nói lên một sự nghiệp. Giờ đây, độc giả Việt Nam có thể thưởng thức văn chương của một trong những nhà văn đương đại xuất sắc nhất qua tác phẩm "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" (tên nguyên bản: "Bieguni"; Nguyễn Văn Thái dịch).
Đạt đến tính nhân loại phổ quát
Độc giả Việt Nam đã từng quen với văn xuôi của hai nhà văn Ba Lan đoạt giải Nobel trước đó như Henryk Sienkiewicz (tác giả của sử thi "Quo Vadis") hay nhà văn Wladyslaw Reymont với bộ tiểu thuyết "Nông dân" được Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi "Mang đậm bản sắc văn hóa Ba Lan vừa có tính điển hình nhân loại cao độ". Nhưng văn xuôi của Olga Tokarczuk dường như không có vẻ gì mang dáng dấp của những sử thi hay mang đậm bản sắc dân tộc. "Bieguni" là tiểu thuyết hướng đến sự quốc tế hóa để đạt đến tính nhân loại phổ quát.
Bìa cuốn “Bieguni, những người không ngừng chuyển động” xuất bản tại Việt Nam
Các nhân vật trong "Bieguni" thông qua việc xê dịch - chuyển động đã xóa nhòa các ngoại biên lẫn trung tâm. Trong tiểu thuyết đồ sộ này, không có một người kể chuyện toàn năng nào, cũng không có một câu chuyện chính yếu làm mối nối xuyên suốt các phân mảnh.
Thay vào đó, Tokarczuk đặt tất cả vào quỹ đạo của sự chuyển động. Những chuyến khởi hành định trước hay bất ngờ, những con người đi có mục đích hay không mục đích. Dưới ánh nhìn của bà, thế giới là một dòng chảy xuyên suốt không đứt đoạn được vận hành liên tục dựa trên sự chuyển động.
Lạ nhưng không dị biệt
Tiểu thuyết "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" được cấu thành từ những phiến đoạn, những câu chuyện không đầu, không cuối, thư từ, hướng dẫn sử dụng, giải phẫu học, ghi chép, suy tư triết học tạo thành những phân mảnh trong cùng chỉnh thể vừa cố định vừa phân rã.
Nguyên tác tiếng Ba Lan của tiểu thuyết này là "Bieguni" ghép từ "bieg" (chạy) và "ucieczka" (chạy trốn). Cấu trúc phân mảnh gợi tả sự biến chuyển liên tục, bất định và người đọc bắt buộc phải chạy đuổi theo những văn bản cứ không ngừng "trốn chạy", trượt đi.
Cho nên "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" cho độc giả một trải nghiệm đọc khác. Nó khiến ta nhớ đến tiểu thuyết "Nếu một đêm đông có người lữ khách" của Italo Calvino, một tiểu thuyết của những tiểu thuyết nơi người đọc quanh quẩn ở những chương mở đầu của nhiều tiểu thuyết khác nhau. Nhưng nếu "Bieguni" không ngừng chuyển dịch thì tiểu thuyết của Calvino dường như chống lại sự diễn tiến để hoàn tất một câu chuyện.
Hoặc chúng ta cũng có thể so sánh với tiểu thuyết "Từ điển Khazar" của Milorad Pavic, cuốn tiểu thuyết có thể đọc bất kỳ trang nào, mục từ nào cũng được. Ta có thể đọc "Bieguni" theo cùng một cách ấy mà không làm mất đi sức hấp dẫn của tiểu thuyết.
Tiểu thuyết "Bieguni" lôi cuốn bởi chính sự bất định của nó, độc giả có thể nhảy cóc qua các "mảnh" và cũng có thể trở đi trở lại một "mảnh" bởi chính độc giả đã dự phần vào tác phẩm và tái định hình tác phẩm.
Dưới một chủ đề chung là sự chuyển động, những mô-típ lặp lại về cái đột khởi, Tokarczuk xâu chuỗi lại các mảnh đời, các khoảnh khắc để tạo một chuỗi chuyển động không ngừng khi đến chương cuối cùng lại có tên là "Lên máy bay", nghĩa là lại bắt đầu một trạng thái chuyển động khác, rằng không có một sự trở về, một điểm đến cố định nào, rằng cuốn tiểu thuyết cũng như chính cuộc đời của chúng ta, luôn luôn biến chuyển hay rộng hơn, trong khi chúng ta tưởng rằng mình đứng yên, thực ra trái đất vẫn không ngừng chuyển động.
Vì thế, tiểu thuyết "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" lạ nhưng không dị biệt. Nó cho thấy những chân trời của tiểu thuyết hiện đại cũng như văn chương nói chung vẫn rộng mở.
Khi nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk được Ủy ban Nobel xướng tên tại giải Nobel Văn chương năm 2018, nhiều người nhận định đây là lựa chọn bất ngờ nhưng thuyết phục giữa những ồn ào tranh cãi về giải thưởng danh giá này trong vài năm trở lại đây.
Tiểu thuyết "Bieguni, những người không ngừng chuyển động" đã giúp Tokarczuk lần đầu nhận giải thưởng danh giá không kém, Giải Man Booker Quốc tế năm 2018 (bản dịch tiếng Anh của Jennifer Croft có tên "Flights" - Những chuyến bay).
Bình luận (0)