Độc giả đã quen với cái tên Marguerite Duras qua các tiểu thuyết mang nhiều yếu tố tự thuật như "Người tình" hay "Người tình Hoa Bắc", với nhân vật cô bé da trắng lạc loài giữa vùng đất của những người châu Á. Với "Rạp Éden", một lần nữa, cô bé này "tái sinh" để kể lại câu chuyện của mình và lần này cạnh cô còn có những tiếng nói khác.
Sân khấu của "Rạp Éden" là một sân khấu tĩnh, với các nhân vật gần như bất động, thiếu vắng các hành động kịch mà chỉ có một loạt những lời thoại được thốt ra từ miệng các nhân vật cho khán giả hình dung mơ hồ về câu chuyện đang diễn ra trên sân khấu.
Thoại trong "Rạp Éden" cũng gần như độc thoại chứ không phải đối thoại. Các nhân vật không lắng nghe nhau mà chỉ tập trung vào hồi ức và nội tâm của mình.
Bìa cuốn sách “Rạp Éden”
Tam giác của vở kịch là 3 nhân vật chính: người mẹ, đứa con trai tên Joseph và đứa con gái út tên Suzanne. Qua những đoạn độc thoại của nhân vật, quá khứ dần dần được hé mở. Bà mẹ người Pháp chuyển đến Đông Dương làm nghề dạy học và đánh đàn ở rạp Éden. Số vốn tích lũy của bà đổ vào những mảnh đất bị nước biển xâm lấn, không thu được một khoản lợi nào khiến bà và những đứa con chết dần chết mòn trong ngôi biệt thự hoang lạnh.
Câu chuyện này rất gần gũi với một tiểu thuyết cũng của Duras - "Đập ngăn Thái Bình Dương", như một phiên bản bổ sung. Nhưng sự khác biệt về thể loại không làm cho cốt truyện chính mất đi sức hấp dẫn.
Marguerite Duras vẫn cho thấy một văn phong trữ tình, đậm chất thơ chuyển tải bi kịch của một gia tộc suy tàn trên đất Campuchia. Sức hấp dẫn của Duras đến từ văn chương của bà. Cho dù ta đã đọc, đã biết những câu chuyện được kể từ tác phẩm này qua tác phẩm khác của Duras, ta vẫn theo dõi một cách say mê không dứt ra được. Bởi, Duras đã tải trong những trang văn gần với thơ ca sức nặng của hồi ức.
Bình luận (0)