Bộ môn cải lương tuồng cổ đang đối mặt với sự tồn vong khi thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực kế cận. Nguy cơ "xóa sổ" bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này đang hiện hữu nếu không gấp rút đào tạo được nguồn nhân lực kế thừa.
Lắm gian truân
Hiện nay, có 4 nhóm xã hội hóa đang nỗ lực đào tạo diễn viên cải lương tuồng cổ gồm: Minh Tơ - Thanh Sơn, Huỳnh Long - Bình Tinh, Đồng ấu Bạch Long và Chí Linh - Vân Hà. Trong đó, Thanh Sơn và Bạch Long đào tạo từ lứa nhi đồng. Nếu Đồng ấu Bạch Long đã có 20 năm tạo dựng thương hiệu thì đoàn Hậu duệ tuồng cổ Minh Tơ do nghệ sĩ (NS) Thanh Sơn tổ chức đã bước vào năm thứ 5. Họ thu nhận gần 100 diễn viên trẻ tham gia nhưng vì không có sàn diễn cố định nên lực lượng này rơi rụng dần. Hiện nay, mỗi đơn vị chỉ còn 20 diễn viên trụ lại.
NS Bạch Long nói trong đau buồn: "Sàn diễn không có thì làm sao các diễn viên trẻ được tập luyện thường xuyên, nghề không luyện thì bị bào mòn. Tôi dạy không nhận lương, lên lớp thấy học trò vắng dần, nước mắt cứ rơi".
Nghệ sĩ Bạch Long và các học trò trên sân khấu Đồng ấu Bạch Long
Còn NS Thanh Sơn thi thoảng được Nhà Văn hóa Thanh Niên sắp lịch diễn. "Tôi mừng, vì học trò có chỗ để rèn luyện nghề, song để phát triển nâng cao, diễn những vai diễn khó thì phải có chỗ tập, diễn thường xuyên hơn" - hậu duệ của gia tộc Minh Tơ buồn bã.
Phần lớn diễn viên trẻ yêu nghề này đều có thêm nghề tay trái để mưu sinh như: chạy xe công nghệ, phụ bán hàng quán, bán hàng qua mạng, thợ may, sửa chữa máy thủ công… Phục trang cho từng vai diễn, họ đều tự đầu tư. "Lực lượng thiếu hụt, nhất là nhạc công của bộ môn này. Sau thế hệ của NSƯT Minh Tâm, nhạc sĩ Thanh Dũng, âm nhạc tuồng cổ xem như không còn người đủ sức đảm đương. Càng nghĩ càng lo cho diện mạo của bộ môn nghệ thuật này trong tương lai" - NS Bạch Long tâm sự.
Cần được tiếp sức
Khác với đào tạo diễn viên chính quy được tuyển vào Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM hằng năm không đóng khung trong việc dạy nghề diễn viên cải lương tuồng cổ, hai chiếc nôi đào tạo xã hội hóa là Đồng ấu Bạch Long và tuồng cổ Thanh Sơn truyền nghề trực tiếp cho diễn viên trẻ theo nghề. Họ có hai nguồn cho đầu vào là con em NS và lực lượng thanh thiếu niên đam mê cải lương tuồng cổ. NSND Đinh Bằng Phi nhận định: "Nhờ vậy, bộ môn này có nhiều NS giỏi xuất thân từ Đồng ấu Bạch Long: Vũ Luân, Quế Trân, Tú Sương, Tâm Tâm, Thy Trang, Lê Thanh Thảo, Chấn Cường, Linh Tý…". Theo ông, cần sớm có cơ chế đặc thù, tiếp ứng ngay cho hai đơn vị nghệ thuật này, để còn có nguồn lực kế thừa.
Các nhà chuyên môn cho rằng điều quan trọng hơn chính là tạo điều kiện để các em có điểm diễn cố định. Như hiện nay, nhóm NS Thanh Sơn còn có điểm diễn là Nhà Văn hóa Thanh Niên, nhóm Đồng ấu Bạch Long vẫn chưa tìm được chỗ để hoạt động.
Dù ngổn ngang trăm mối nhưng hai nghệ sĩ trụ cột trong việc đào tạo nguồn nhân lực này vẫn đầy tâm huyết. NS Bạch Long nói: "Không thể có được nguồn nhân lực tốt để tiếp nối, giữ nghề nếu không có người đầu tàu tâm huyết. Chúng tôi không ngại khó khăn để duy trì vì thương hiệu cải lương tuồng cổ ở miền Nam là do ông cha chúng tôi gầy dựng. Nếu để bị mai một là chúng tôi có tội. Nhưng để có nguồn nhân lực được trẻ hóa thì rất cần có sự tiếp sức ngay của nhà nước".
Nên có cơ chế đặc thù
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nếu TP HCM có chính sách khuyến khích các lò đào tạo nghệ thuật truyền thống truyền nghề thì không bao lâu sau, sân khấu cải lương tuồng cổ sẽ có một lực lượng kế cận vững vàng.
Theo đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc, các lò đào tạo cải lương tuồng cổ xã hội hóa tại TP HCM có thể làm như mô hình đào tạo tại chỗ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trước đây, nghĩa là được nhà nước cấp kinh phí đào tạo, liên kết với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM để có nơi dạy nghề, tập luyện, biểu diễn. Sau khóa học, được cấp bằng, có quy chế về lương khi về công tác tại đoàn công lập hoặc vẫn gắn với nhóm xã hội hóa làm nghề trong sự bảo bọc của nhà nước.
Bình luận (0)