xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện ẩm thực Việt lên phim

Minh Khuê

Việt Nam có nền ẩm thực phong phú, nhiều món ăn vào tốp món ngon thế giới nhưng đề tài ẩm thực lại khá mờ nhạt trên phim

"Vua bánh mì" bản Việt hóa sẽ ra mắt khán giả trong tháng 9 trên THVL1 và cũng là phim truyền hình Việt hiếm hoi khai thác ngành nghề ẩm thực.

Vất vả làm phim trong xưởng bánh

Việt hóa từ một tác phẩm của Hàn Quốc ra đời cách đây gần thập kỷ là không dễ, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết "Vua bánh mì" Việt hóa vẫn là câu chuyện gia đình, tình yêu, khát vọng lập nghiệp được lồng ghép trên nền ẩm thực đậm chất Việt. Trong phim, khán giả sẽ theo bước Hữu Nguyễn (Quốc Huy thủ diễn) trong hành trình lập nghiệp với khát vọng trở thành thợ làm bánh giỏi. Đối đầu Hữu Nguyễn, ngăn trở cuộc hành trình của anh là nhân vật Gia Bảo (Bạch Công Khanh thủ diễn). Các loại bánh được làm trong phim bao gồm bánh mì ổ truyền thống, bánh mì ngọt đến các loại bánh sử dụng hằng ngày khác, chiếm khoảng 10%.

Chuyện ẩm thực Việt lên phim - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Vua bánh mì” phiên bản Việt. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Là phim về nghề làm bánh, nhiều diễn viên có cảnh quay liên quan đều phải vào xưởng của ông Kao Siêu Lực - người được ví là "Vua bánh mì" Sài thành - học các bước làm một ổ bánh mì cơ bản, quá trình lên men, nhào bột. "Tôi buộc tất cả những diễn viên có liên quan đến các phân cảnh làm bánh: NSƯT Hữu Châu, Trương Minh Quốc Thái, Bạch Công Khanh... phải đi học luyện tập thao tác để khi quay sẽ tạo được cảm giác chân thật, thuyết phục khán giả. Làm phim này, tôi thấy khó nhất không phải bối cảnh, diễn viên mà là các cảnh quay làm bánh trong xưởng. Chúng ta hiện không có phim trường nên đoàn phim phải quay cảnh tại xưởng làm bánh lớn, nơi có đầy đủ thiết bị. Xưởng bánh vẫn đang hoạt động sản xuất bình thường nên vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện nghiêm ngặt, như mang đồ bảo hộ, hạn chế thời gian ra vào, không quay đêm, không quay để lộ các loại bánh mới của xưởng... Công đoạn thuyết phục để đoàn phim được vào xưởng sản xuất quay hình cũng không dễ dàng. Chúng tôi quay cả tháng với nỗi lo xảy ra sự cố ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến thương hiệu của bánh" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.

Ít ỏi phim về ẩm thực Việt

Số lượng phim khai thác về ngành nghề ẩm thực ở Việt Nam tính đến nay là quá ít, đa phần chỉ nhắc đến trên màn ảnh một cách sơ sài. Phim Việt không tạo được một vệt hoặc một loạt tác phẩm nào đủ gây được điểm nhấn, nhắc nhớ đến đặc trưng của ẩm thực Việt trên phim.

Năm 2006, "Mùi ngò gai" là phim truyền hình đầu tiên khai thác sâu đề tài ẩm thực truyền thống Việt Nam, cụ thể là món phở. Đây là sản phẩm hợp tác giữa ê-kíp Việt Nam và Hàn Quốc, tạo được chú ý một thời. Đến tận năm 2015, khán giả được thưởng thức phim điện ảnh "Kungfu Phở" do Nguyễn Quốc Duy đạo diễn nhưng bị đánh giá kịch bản vụng về, chưa đủ sức tạo điểm nhấn cho món phở trên màn ảnh rộng. Năm 2019, phim "Chàng dâng cá, nàng ăn hoa" của đạo diễn Phan Đăng Di thực hiện được phát sóng trên kênh HBO và một số nền tảng chiếu phim trực tuyến ở nhiều quốc gia, khu vực. Phim giới thiệu nhiều món Việt như phở, lẩu hoa, lẩu rau, xôi gà... là dự án nằm trong loạt phim "Food Lore" (Truyền thuyết ẩm thực) do kênh HBO đặt hàng các nhà làm phim đến từ 8 quốc gia châu Á.

Nhiều người trong giới cho rằng nguyên nhân vì ẩm thực không phải đề tài được nhà sản xuất điện ảnh lẫn truyền hình chú tâm đầu tư. Họ chỉ chạy theo những đề tài nghĩ rằng ăn khách, thu hút khán giả tức thời như tình cảm gia đình, tình yêu, mẹ chồng - nàng dâu. Yếu tố ẩm thực trong các phim này chỉ là gia vị, đôi lúc trở nên qua loa.

"Những phim khai thác yếu tố ẩm thực đòi hỏi sự sâu sắc, tinh tế mà chúng ta hiện nay khó có khả năng thực hiện được. Một kịch bản với câu chuyện thật hay lồng ghép trên nền ẩm thực cũng không phải dễ có được. Nó đòi hỏi người viết phải có cảm hứng, sự hiểu biết về ẩm thực, tinh tế trong cách kết nối câu chuyện. Bởi phim truyện khác phim tài liệu, không thể chỉ liệt kê cách nấu các món ăn mà gắn với một câu chuyện đầy đủ mạch cảm xúc, nhân vật để cuốn hút khán giả. Muốn tạo được hiệu quả quảng bá như phim Hàn Quốc đòi hỏi sự đồng bộ trong nhiều tác phẩm mà điều đó thị trường chúng ta rất thiếu" - nhà báo Cát Vũ phân tích.

Theo nhà biên kịch Đông Hoa, đề tài ẩm thực hoặc khai thác sâu yếu tố ẩm thực trong phim sẽ trở nên mới lạ với thị trường Việt Nam còn ít tác phẩm về đề tài này như hiện nay. Tuy nhiên, khó để đề tài này phát triển nếu nhà sản xuất không chủ động đặt hàng biên kịch. Hiện nay, biên kịch đa phần viết theo đơn đặt hàng và chủ yếu cũng tập trung xoay quanh các chủ đề tình cảm gia đình, thời sự xã hội để dễ dàng đưa tác phẩm lên phim. Những câu chuyện hay về ẩm thực tương tự như các nước không làm khó biên kịch nhưng một khi nhà sản xuất không mở đường thì khát vọng quảng bá văn hóa, ẩm thực qua phim chỉ dừng lại ở ý định của nhà biên kịch mà thôi.

Các nhà chuyên môn cho rằng quảng bá văn hóa ẩm thực không chỉ trông chờ vào các nhà sản xuất phim tư nhân, phía cơ quan quản lý cần quan tâm và có chế độ đặt hàng, tài trợ để phát triển phim về đề tài này. Điện ảnh, truyền hình là kênh quan trọng góp phần quảng bá văn hóa, ẩm thực đến với khán giả trong nước và thế giới. Việt Nam có nền ẩm thực phong phú, nhiều món ăn vào tốp món ngon thế giới nhưng đề tài ẩm thực lại khá mờ nhạt trên phim. Việt Nam từng kỳ vọng trở thành "bếp của thế giới" nhưng với số lượng phim có yếu tố ẩm thực "đếm trên đầu ngón tay" như hiện nay thì con đường đến đích còn dài. 

Phải học phim Hàn, Nhật

Hàn Quốc làm rất tốt dòng phim này! Họ có phim "Nàng Dae Jang Geum" nổi tiếng châu Á, kể lại câu chuyện về cuộc đời của Dae Jang Geum trên nền văn hóa ẩm thực truyền thống của nước này. Hầu hết trong các phim Hàn Quốc đều đưa món đặc trưng của họ là kim chi, bánh gạo, soju, mì... vào nhiều phân cảnh. Chúng quen thuộc đến mức khán giả nước ngoài cũng có thể kể rõ tất cả các món đặc trưng trên và biết khi đến thăm Hàn Quốc cần ăn thịt nướng, kim chi, uống rượu soju. Nhật Bản cũng thành công không kém với các phim "Đầu bếp hoàng gia", "Bếp trưởng Nam Cực"... quảng bá ẩm thực độc đáo của họ. Trong khi Việt Nam có nền ẩm thực phong phú lại chẳng khai thác tốt ẩm thực trên màn ảnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo