Còn nhớ một buổi sáng tại Hội Mỹ thuật TP HCM, một cụ già đầu bạc, trán hói, ăn vận rất "mốt" bước vào. Mọi người có mặt đều đón tiếp cụ với một thái độ cung kính. Tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Lâm: "Ai vậy?". "Ấy, người… "tiền sử" còn sót lại, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đấy!". Ôi, tôi không ngờ được gặp người rất nổi tiếng và có nhiều giai thoại. Thế là tôi theo ông về một ngôi nhà trên đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1, TP HCM) để ngồi nghe ông thao thao bất tuyệt. Tôi cũng say sưa nghe và ghi chép.
Đập chén thề và cỗ xe lăn Mê Ly
Ông bảo: "Cùng một tuổi Canh Tuất (1910) với tớ có Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Khoát và Trần Văn Cẩn. Cách đây 15 năm, bọn tớ có "thi" xem ai đến… Văn Điển trước. Rốt cuộc bọn họ cứ lần lượt tới đích, còn tớ nay đã 93 tuổi, vẫn ngồi trơ ra đây nói chuyện với cậu" (thời điểm năm 2002-NV).
Hoàng Lập Ngôn quê ở Hưng Yên nên phải ra Hà Nội ở trọ để theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1933-1938). Ở cùng khu nhà trọ với ông là một gia đình người Hoa (gốc Phúc Kiến). Nhà này có cô con gái tên là Hồng Liên Hương 13 tuổi (thua ông đúng một giáp).
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn ở Đà Lạt tháng 9-2002
Cô bé nhanh chóng trở thành "người mẫu nhí" cho chàng họa sĩ trẻ, rồi dần dà hai người yêu nhau. Hoàng Lập Ngôn kể: "Hồi đó, hôn nhân của bọn tớ gặp rất nhiều trở ngại. Ông bố của Hồng Liên Hương phản đối quyết liệt. "Phe tớ" chỉ có 4 người: Tớ, Liên Hương, mẹ và bà ngoại của nàng, "phe kia" đông gấp chục lần.
Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh vì tình này là lúc ông bố của Liên Hương đập vỡ cái chén uống nước, tuyên bố: "Tao mà gả con cho nó thì… như thế này!". Tớ cũng ném vỡ luôn một cái chén, thề rằng: "Tôi mà không lấy được cô ấy thì… cũng như thế này!". Có lẽ lời thề của tớ "linh" hơn hoặc vì thấy rõ quyết tâm của tớ nên ông bố phải nhượng bộ. Chúng tôi làm đám cưới năm 1937, cô dâu mới 16 tuổi!".
Sau khi tốt nghiệp (1938), Hoàng Lập Ngôn qua Lào du lịch và vẽ suốt 7 tháng. Yêu mến xứ Lào nên khi sinh con gái đầu lòng (tháng 6-1940), ông đặt tên là Hoàng Hồng Mê Kông, nhưng rồi thấy cái tên thiếu nhạc tính nên ông đổi thành Mê Ly. Muốn đưa vợ con đi ngao du khắp Đông Dương nên ông đóng một cỗ xe ngựa và lấy tên con gái đặt tên cho xe - gọi là "Nhà lăn Mê Ly". Ngày 4-6-1941, "Nhà lăn Mê Ly" khởi hành ở Hà Nội, có rất đông bằng hữu, văn nghệ sĩ đưa tiễn. Họ lần lượt lấy sơn viết lên thùng xe những câu lưu niệm, như: "Đây chiếc xe lăn của bốn trời/ Trăng vàng chan chứa gió mê tơi/ Hôm nay xe lại lên đường nhỉ?/ Hồn nhớ mơ về nhé bạn ơi" (Nguyễn Bính); "Lững thững đường quê vó ngựa lành/ Say màu cỏ lục ánh trời xanh/ Bút hoa mầu nhiệm chờ linh hứng/ Mỗi nét đan thanh, một nét tình" (Vũ Đình Liên). Nhà văn Đồ Phồn viết đôi câu đối: "Cơ đồ gửi lòng đôi cương ngựa/ Tạo hóa thu tròn một góc xe". Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm viết bài thơ ngũ ngôn: "Anh thắng xong cương ngựa/ Ngày hôm nay ra đi/ Đi con đường ngàn dặm/ Sống cuộc đời Mê Ly…".
Bài thơ “Bát chè khoai sọ” với thủ bút của Hoàng Lập Ngôn
Xe lăn gập ghềnh trên đường thiên lý. Mỗi nơi đi qua, Hoàng Lập Ngôn đều tổ chức nói chuyện, triển lãm tranh để tìm thêm lộ phí. Hai năm sau mới tới Huế. Rồi Đệ nhị Thế chiến nổ ra, không thể tiếp tục cuộc hành trình đành phải quay về Hà Nội. Khi đi cô bé Mê Ly mới 10 tháng, khi về đã 4 tuổi… Như vậy, với "Nhà lăn Mê Ly", gia đình nhỏ của Hoàng Lập Ngôn đã là những tay "phượt bụi" của Việt Nam từ… 80 năm về trước!
Những mối tình không tuổi
Không phải đợi đến sau khi người vợ qua đời (năm 1993, bà thọ 72 tuổi), mà trái tim đa tình của Hoàng Lập Ngôn đã "lỗi nhịp" từ rất sớm. Từ dạo sang Lào, ông đã vương vấn với cô người mẫu tên Xảo Bông. May mà chàng còn kịp nghĩ đến người vợ trẻ nơi quê nhà… Không chỉ có cô gái Lào, năm 1948 có dịp sang Paris (Pháp), thấy một nữ họa sĩ đang ngồi vẽ trên đường phố, ông lân la đến làm quen. Nàng tên là Jacqueline và đó là những giây phút khởi đầu cho một mối tình Việt - Đan Mạch thật lãng mạn…
Năm 1974, Hoàng Lập Ngôn bắt đầu làm thơ và ít ai biết giai nhân đã khơi niềm cảm hứng cho ông chính là Thu Trang - hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn nhưng lại có một mối tình đầu đầy ngang trái. Sau khi đăng quang hoa hậu, nàng được mời đóng phim, rồi… có con với ông đạo diễn đã có gia đình.
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đang vẽ “Tinh tướng họa” năm 2002
Thời gian này, thi sĩ Bùi Giáng cũng "trồng cây si" nàng "cựu hoa hậu - gái một con" này mới làm bài thơ trong đó có câu "Còn hai con mắt, khóc người một con". Năm 1961, Thu Trang sang Pháp định cư. Dạo ấy, ông họa sĩ 65 tuổi đã tương tư người đẹp và tập tành làm thơ. Được bạn bè là các nhà thơ Ngân Giang, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Vũ Đình Liên khuyến khích nên Hoàng Lập Ngôn đâm ra mê làm thơ còn hơn cả mê vẽ…
Tôi ngồi nghe ông đọc rất nhiều bài thơ tình. Cảm giác như gặp bất cứ chuyện gì ông cũng làm thơ được, như bài thơ "Bát chè khoai sọ" ông viết tặng cô Tuyết Mai hàng xóm, xinh xinh và tốt bụng…
Năm 1978, Hoàng Lập Ngôn vào Sài Gòn và định mệnh xui khiến cho "chàng… 68 tuổi" gặp gỡ và yêu ngay cô nữ sinh Trường Marie Curie mới 18 tuổi, tên là Ngọc Diệp. Nàng chơi piano rất giỏi và yêu thơ họa - có lẽ vì thế mà giữa họ đã có một mối tình không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, gia đình của Ngọc Diệp đã quyết liệt ngăn cản mối tình này. Ba năm sau, Ngọc Diệp qua Mỹ.
Ông kể với tôi: "Đến bây giờ nàng vẫn chưa lấy chồng… Hồi ấy bọn tớ yêu nhau cứ như Roméo và Juliet ấy. May mà nàng không bảo tớ tự tử chứ nếu bảo thì chắc tớ… không còn ngồi đây!".
Bình luận (0)