Trước thực trạng lực lượng sáng tác kịch bản cải lương ngày càng mỏng, Hội Sân khấu TP HCM, Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM đã nỗ lực trong việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn dành cho tác giả trẻ. Tuy nhiên, việc tìm nhân tố tiềm năng để đầu tư lâu dài cho khâu sáng tác kịch bản cải lương vẫn là bài toán khó.
Nghề viết không nuôi nổi tác giả
Rộ lên 8 đơn vị xã hội hóa nghệ thuật cải lương tại thị trường tổ chức biểu diễn đã làm cho sân khấu tại TP HCM sôi động hẳn. Thế nhưng, đi sâu vào đời sống sáng tác của tác giả, 2/3 số vở diễn được các đoàn dựng đều là kịch bản cũ. Dù mang tiếng xuất hiện nhiều đơn vị xã hội hóa bên cạnh 3 đoàn của đơn vị công lập thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang thì nguồn kịch bản mới tại TP HCM vẫn chưa được sử dụng nhiều.
Soạn giả Đăng Minh (tác giả của kịch bản nổi tiếng "Vụ án Mã Ngưu") nói: "Cách đây 2 năm, tôi còn sáng tác theo đơn đặt hàng của một số đài truyền hình. Hiện nay, tất cả đều ngưng. Đời sống ngày càng bấp bênh. Tôi là tác giả chuyên nghiệp còn khó, nói chi các tác giả trẻ dù đam mê cũng không muốn theo nghề, vì nghề này không nuôi nổi họ".
Hai tác giả Bảo Kiến, Quang Nhã may mắn được gắn kết với Đoàn Cải lương Tuồng cổ Chí Linh - Vân Hà nên trong thời gian qua đã giới thiệu đến khán giả một số kịch bản mới của mình: "Bao Công sát thủ hoa hồng", "Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuận Dương"... Dù vậy, hiện nay ít suất diễn, tiền tác quyền được trả theo doanh thu hoặc "mua đứt bán đoạn" cũng không khá hơn, dù 2 tác giả này được xem là viết khỏe, chắc tay.
Các tác giả nữ như: Bạch Mai, Hà Nam Quang, Hà Minh Mẫn, Lương Nhứt Nương, Võ Tử Uyên, Tô Thiên Kiều… cũng đứng trước nỗi buồn khi không thể sống bằng nghề viết bởi sàn diễn ngày càng héo hắt. Các tác giả như: Đức Hiền, Đăng Minh, Huỳnh Thanh Tuấn, Lam Tuyền... hiện cũng không còn hăng hái sáng tác như trước.
Tác giả Hoàng Song Việt cho biết trước đây nghề sáng tác sống ổn bằng đơn đặt hàng của các đoàn cải lương, trung tâm văn hóa, từ kịch bản ngắn, chặp ca cảnh, bài ca cổ đến tân cổ giao duyên. "Còn hiện nay, tác giả khó tìm lối ra khi sàn diễn cứ sử dụng kịch bản cũ" - soạn giả Hoàng Song Việt chán ngán.
“Dậy sóng Bạch Đằng Giang” là kịch bản cải lương lịch sử hiếm hoi do tác giả trẻ Quang Nhã sáng tác năm 2019
Đào tạo từ đâu?
Nỗi lo về sự thiếu hụt đội ngũ sáng tác đã là nỗi trăn trở của các nhà chuyên môn. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng khi các soạn giả giỏi nghề dần mai một vì tuổi cao, sức yếu, lực lượng tác giả trẻ chưa thể đáp ứng việc cung cấp cho sàn diễn những tác phẩm đạt chất lượng, các đơn vị nghệ thuật đều chọn kịch bản của tác giả tên tuổi. Điều này càng khiến lực lượng viết trẻ hiếm có cơ hội để giới thiệu mình. Thực tế cho thấy đa phần soạn giả trẻ thiếu kiến thức nền. Chính vì thế cần đào tạo từ gốc.
Ông Trần Ngọc Giàu mạnh dạn nêu vấn đề mấu chốt là đầu ra của tác phẩm sau khi các soạn giả trẻ tham gia khóa tập huấn, đào tạo. "Phải giúp những đứa con tinh thần của lực lượng sáng tác trẻ ra đời được đến với công chúng" - NSND Trần Ngọc Giàu trăn trở.
Từ mục đích này, Hội Sân khấu TP HCM và Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM xác định trọng tâm của lớp tập huấn sáng tác cho soạn giả trẻ là lộ trình giới thiệu tác phẩm đến các đơn vị nghệ thuật.
NSƯT Lê Nguyên Đạt - Trưởng Ban Đào tạo Hội Sân khấu TP HCM, đồng thời là Trưởng Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM - nói các lớp tập huấn sẽ cung cấp cho tác giả trẻ những kiến thức, tiêu chí cần thiết phải có của một kịch bản cải lương. Trên thực tế, để cho ra đời một vở diễn hấp dẫn, cách đặt bài bản ca diễn đúng tình huống và hợp lý, không lạm dụng quá nhiều bài vọng cổ hoặc đưa chất liệu mới từ âm nhạc hiện đại đến các thể loại khác vào, liều lượng phải ra sao...
Theo NSND Trần Minh Ngọc, việc đào tạo phải chú ý yếu tố nắm bắt nhu cầu giải trí của khán giả thời đại mới. "Phải hoạch định ngay việc đào tạo bắt nguồn từ đâu. Những đòi hỏi mang tính cơ bản và cần thiết cho một tác phẩm sân khấu chất lượng cao phải được lấp đầy trong cái thiếu hiện nay của đội ngũ soạn giả trẻ" - NSND Trần Minh Ngọc đề nghị.
Ông cũng cho rằng từ lớp tập huấn này, Khoa Kịch hát dân tộc Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM và Khoa Sân khấu Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM xây dựng đề án mở khoa sáng tác kịch bản sân khấu, trong đó có cải lương. "Từ kiến thức được bồi đắp từ thế hệ tác giả đi trước, cộng với kiến thức học ở nhà trường và các lớp tập huấn, lực lượng này sẽ có điều kiện hiểu hơn về phương pháp sáng tác cải lương với những đặc thù riêng" - đạo diễn Trần Minh Ngọc tin tưởng.
Chưa có chuyển giao thế hệ
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết Hội Sân khấu TP HCM đã xây dựng phương án tổ chức các trại sáng tác chuyên viết về cải lương, với nội dung mở rộng nhiều thể loại: đời sống đương đại, tâm lý xã hội, lịch sử, dân gian, tuồng cổ... Các chủ đề của trại sáng tác cải lương sẽ theo sát nhu cầu tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả hiện nay. Vấn đề đặt ra, theo các nhà chuyên môn, chính là bổ sung ngay những điểm yếu mà tác giả trẻ đang thiếu. Thực tế cho thấy thế hệ tác giả đi trước vững về thủ pháp nhưng lại không còn sức để trải ngiệm thực tế. Thế hệ trẻ dù yếu thủ pháp nhưng lại có điều kiện va chạm nhiều từ cuộc sống. Bằng cách nào gắn kết hai thế hệ tác giả để hướng đến mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực sáng tác là việc các cơ quan quản lý chuyên môn phải làm.
Bình luận (0)