Sau thành công của "Tiếng sét trong mưa" phóng tác từ vở cải lương "Lôi vũ", nhà sản xuất cho biết đang triển khai kế hoạch phóng tác kịch bản từ nhiều vở cải lương kinh điển khác để dựng thành phim truyền hình nhiều tập. Đây được xem là hình thức bổ trợ qua lại giữa các loại hình nghệ thuật ở giai đoạn khan hiếm kịch bản gốc hay. Nhưng hành trình biến chuyển câu chuyện của vở cải lương thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập không hề dễ dàng.
Làm sống lại những cốt truyện kinh điển
Phim "Tiếng sét trong mưa" của đạo diễn Nguyễn Phương Điền gặt hái thành công với lượng người xem cao, dù giới chuyên môn tranh luận trái chiều. Đặc biệt, đây cũng là một trong những phim truyền hình nội dung phóng tác từ cải lương tạo được chú ý nhất trong số đông công chúng. Từ thành công của "Tiếng sét trong mưa", các nhà làm phim truyền hình nhận thấy đây là lối mở, nhất là lúc này, phim truyền hình đang khủng hoảng kịch bản gốc hay. "Chúng tôi cũng đã liên hệ chủ sở hữu tác quyền kịch bản những vở cải lương kinh điển xin sử dụng phóng tác thành kịch bản phim nhiều tập. Chưa thể công bố tên những kịch bản nào sẽ được chọn để bảo đảm việc giao dịch thành công nhưng những kịch bản chúng tôi đang thương thảo đều là những vở diễn kinh điển, nổi tiếng một thời trên sân khấu cải lương. Hiện chúng tôi đã có tác quyền của một số tác phẩm và đang triển khai giai đoạn đầu" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, cho biết.
Cảnh trong phim “Tiếng sét trong mưa”, tác phẩm phóng tác từ vở cải lương “Lôi vũ”, tạo được sự ăn khách trên màn ảnh nhỏ. (Ảnh chụp từ màn hình)
Theo bà Bích Liên, việc phóng tác kịch bản phim từ vở cải lương chỉ là mua lại cái tứ, cốt truyện, còn mọi việc đều phải xây dựng lại từ khâu kịch bản. Vì thế, đây không phải công việc đơn giản, nó đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và quan trọng là tìm kiếm được biên kịch giỏi. Ngay cả khi kịch bản hoàn tất, các công đoạn kế tiếp trong khâu tổ chức sản xuất như tìm kiếm bối cảnh, chọn đạo diễn có nghề, diễn viên và ê-kíp sáng tạo có chất lượng cũng mất không ít công sức. "Một vở cải lương chỉ có khoảng hơn 2 giờ nên câu chuyện rút gọn, trong khi phim truyền hình có đến mấy chục tập, tính ra hàng chục giờ, kịch bản phải kéo giãn ra, thêm thắt diễn biến, tình tiết vào sao cho hấp dẫn và nhân vật phải có đời sống lâu dài. Việc xây dựng lớp lang đòi hỏi phải hợp lý, phóng tác không thể làm biến chất câu chuyện nhưng cũng không quá xa lạ với công chúng. Hẳn nhiên, các vở cải lương được chọn đa phần đều là kinh điển, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền phân tích.
Nhiều nỗi lo ngại
Khi lý giải vì sao trước đây cũng có nhiều phim truyền hình phóng tác kịch bản từ những vở cải lương nổi tiếng nhưng không thành công, nhiều người trong giới cho rằng do cách kể chưa gần gũi với công chúng đương thời. Vở cải lương kinh điển thường có tuổi đời khá cao, việc phóng tác nếu không có sự sáng tạo thì rất khó chinh phục khán giả. Phim "Tiếng sét trong mưa" tạo được sức hút là nhờ đưa các yếu tố ngôn tình vào câu chuyện tình yêu giữa cậu chủ và người làm công, táo bạo mà cũng mới mẻ so với các phim bối cảnh xưa cùng thể loại. Việc sáng tạo bằng cách thổi hơi thở thời đại, làm trẻ hóa câu chuyện đã phủ màu thời gian với nhiều tình tiết mới lạ, hấp dẫn sẽ cuốn hút người xem.
"Cải lương và phim truyền hình là 2 thể loại khác nhau, mỗi loại có đặc thù riêng và phát triển theo đặc thù đó. Cải lương càng được chuyển thể, phóng tác thành phim truyền hình càng chứng tỏ phim truyền hình thiếu hụt cốt truyện hay. Ban đầu, loại này có thể là món lạ đối với người xem nhưng nếu "ăn" nhiều, e rằng khán giả sẽ nhàm chán, bội thực như từng xảy ra với dòng phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đó là chưa kể việc phóng tác, chuyển thể nếu biên kịch, đạo diễn không thực sự hiểu rõ về lịch sử, văn hóa, bối cảnh câu chuyện trong vở cải lương mà hư cấu, thêm thắt quá đà dễ dẫn đến tranh cãi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phim. "Tiếng sét trong mưa" cũng từng gánh chịu nhiều chỉ trích từ giới chuyên môn và một bộ phận công chúng vì không đồng tình với những tình tiết thêm thắt trong kịch bản phim, cách xây dựng tính cách nhân vật không đúng với văn hóa, đời sống của người dân miền Tây Nam Bộ.
Theo biên kịch Thanh Hương, phim truyền hình phóng tác từ cải lương khó thu hút khán giả trẻ vì họ ít tiếp xúc với cải lương. Tác phẩm có thể thu hút khán giả lớn tuổi, từng thưởng thức và yêu mến vở cải lương gốc. Biên kịch sẽ gặp khó ở chỗ nếu hư cấu, thêm thắt tình tiết quá hiện đại cho hợp khán giả trẻ thì khán giả lớn tuổi sẽ khó chấp nhận, còn nếu chiều khán giả lớn tuổi thì phải bỏ kỳ vọng chinh phục khán giả trẻ. Việc cân bằng các yếu tố sẽ không dễ dàng, đòi hỏi sự "chắc tay", trải nghiệm tìm tòi từ biên kịch.
Giới chuyên môn cho rằng nghệ thuật là phải mới lạ, sáng tạo, việc vay mượn dù bất kỳ hình thức nào cũng không được khuyến khích. Tất nhiên, khán giả vẫn cần những tác phẩm phóng tác nghiêm túc, đầu tư tâm huyết, không chạy theo xu hướng. Một tác phẩm hay đúng nghĩa dù ở thể loại, hình thức nào cũng đều mang lại thành công.
Chỉ tạo được sự quan tâm ban đầu
Trước đây, một số vở cải lương kinh điển cũng từng được phóng tác thành kịch bản phim truyền hình như: "Nỗi buồn con gái" của cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng (phim "Tần nương thất"), "Tấm lòng của biển" của cố soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng... Đa phần các phim truyền hình này đều chỉ tạo được sự quan tâm ban đầu nhờ vào danh tiếng của vở cải lương nhưng sau đó cũng hòa vào vô số phim truyền hình khác.
Bình luận (0)