xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Danh cầm cần sân chơi để tỏa sáng!

Thanh Hiệp thực hiện

Đó là nhận định của NSND - nhạc sĩ Văn Giỏi, một bậc thầy trong nghệ thuật đờn ca tài tử và âm nhạc cải lương, khi trăn trở về diện mạo văn hóa TP HCM

. Phóng viên: Trong những năm qua, TP HCM luôn gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, ĐCTT cần có những giải pháp trọng tâm để phát triển nhưng vẫn giữ được cái chất, cái hồn của bộ môn nghệ thuật vừa dân gian vừa bác học cũng như phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Ông trăn trở điều gì về diện mạo của ĐCTT tại TP HCM hiện nay?

- NSND - nhạc sĩ VĂN GIỎI: ĐCTT Nam Bộ là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam.

TP HCM được mệnh danh là "đất lành chim đậu", quy tụ tài năng khắp nơi về làm nên chiếc nôi của ĐCTT mạnh sau các tỉnh Bạc Liêu, Long An, Cà Mau… Từ đó nhiều danh ca, danh cầm nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh về đây khoe tài. Nhưng hiện nay, TP HCM lại bỏ lỡ cơ hội tạo không gian cho nghệ thuật ĐCTT phát triển. Từ khi ĐCTT còn sinh hoạt tự phát cho đến lúc được thế giới vinh danh là di sản vẫn sinh hoạt theo kiểu "chắp vá" và chuyện "hợp tan" của các CLB ĐCTT là lẽ tất nhiên. Muốn tạo diện mạo phải có chiến lược, phải có đánh giá nội lực, tìm trọng điểm mà kiến tạo sự chuẩn mực trước khi muốn khai thác.

. TP HCM rất cần sự hiến kế góp phần tạo không gian đặc trưng cho nghệ thuật ĐCTT qua ý kiến chuyên môn như ông?

- Trước hết hãy nhìn cách làm của Bạc Liêu mà học. Toàn tỉnh có hơn 200 CLB, trong đó hơn 50 CLB được tỉnh hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt, có tổng số hơn 2.100 thành viên với gần 500 nghệ nhân đờn và hơn 1.600 nghệ nhân ca. Quyền lợi và trách nhiệm rất cụ thể. Tham gia có lương, biểu diễn có thù lao, đi học được trợ cấp, nhạc cụ được mua tặng. Vậy mới giữ được người ta gắn bó với mình. TP HCM thì thả nổi, ai thích thì vô, không thích thì ra. Phải tìm hiểu tâm tư, đời sống các nghệ nhân. Lãnh danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú rồi chịu cảnh… thất nghiệp. Trong khi các nghệ nhân này vẫn có thể giảng dạy, đồng hành với các nghệ nhân trẻ phát huy không để ĐCTT mai một.

. Nhưng để khán giả trẻ hiểu và thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT thì không gian văn hóa của bộ môn nghệ thuật này cần khắc phục nhược điểm?

- Phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trao đổi và thưởng thức cho khán giả trẻ không phải chỉ là các chương trình mà lâu nay các đài truyền hình cứ làm một cách khô cứng. Giới trẻ bây giờ chơi công nghệ, xem YouTube, lướt mạng. Vì vậy, hình thức thể hiện các chương trình ĐCTT phải mới, chạm đúng quỹ đạo quan tâm của giới trẻ. Hằng năm, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM tổ chức Liên hoan ĐCTT giữa các CLB với nhau nhưng chưa ngồi lại tìm cách đưa chất trẻ vào. Hiện nay, sân khấu học đường đưa ĐCTT vào cũng chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", chưa tạo được vệt sự kiện để tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về ĐCTT bên cạnh kỹ thuật ca diễn cho lực lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Tại sao không tổ chức thi như kiểu "Vọng cổ online" của HTV, một cuộc thi song hành với "Chuông vàng vọng cổ", để thí sinh trẻ thể hiện bài bản, thậm chí kết hợp giữa bài bản với nhạc trẻ đương đại, cũng là cách để các em thể hiện sự yêu thích của mình.

Danh cầm cần sân chơi để tỏa sáng! - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ: NSƯT Vân Hà, NSND Thoại Miêu (từ trái sang) và nghệ sĩ Chí Linh, NSND Thanh Vy (từ phải sang) chúc mừng NSND Văn Giỏi (giữa) trong Ngày hội thầy đờn. Ảnh: THANH HIỆP

. Theo ông, cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức và biểu diễn để nhân rộng rồi mới đi đến việc cùng chung sức bảo tồn? Nhưng như vậy có bị lệch quỹ đạo?

- Có tâm trong cách điều hành thì không sợ lệch. Nhiều em tìm đến tôi xin học guitar phím lõm, mà chỉ đề nghị dạy sao có thể đàn được bài "Em gái mưa", "Sóng gió", "Bạc phận"… theo kiểu vọng cổ. Tôi nói muốn thì phải học ngay từ đầu những bài bản cổ của ông bà mình, rồi mới áp dụng được. Vậy là chịu học, riết rồi mê bài bản cổ luôn. Chúng ta cứ quen áp đặt mà không chịu chạm đến nhu cầu, tâm lý, sở thích. Bên cạnh đó, TP HCM nên khuyến khích các doanh nghiệp bảo trợ cho các CLB ĐCTT. Để việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT có hiệu quả, TP HCM cần có những giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền cùng với sự tâm huyết và quyết tâm của những thành viên đam mê bộ môn này. Tôi nhớ lời GS-TS Trần Văn Khê: "Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại".

. Ông lý giải thế nào khi sân khấu cải lương hiện nay không có nhiều danh cầm như thế hệ của ông?

- Mỗi thời mỗi khác. Thế hệ chúng tôi có nhiều đoàn hát, nhiều hãng dĩa, nhu cầu giải trí thời đó cũng chỉ có sân khấu cải lương nên nhạc sĩ cổ nhạc bước chân vào nghề đều phải đặt mình ở vị thế tăng tốc. Ai có ngón đờn độc đáo thì bắt chước, học nhau, rồi sáng tạo thêm cái riêng. Như tôi có 2 bài được khán giả thương là "Đoản khúc lam giang" và "Phi Vân điệp khúc", rồi một bài bản cùng hợp soạn với NSND Thanh Hải là "Vọng kim lang", đi đến đâu cũng nghe thiên hạ đờn, ca các thể điệu này. Còn danh cầm hiện nay có nhiều nhưng ít đất dụng võ. Tôi mong Nhà Văn hóa Thanh Niên, Hội Sân khấu TP HCM tạo ra sân chơi để các thầy đờn cùng hội tụ một cách "dài hơi" hơn. Nghĩa là sân chơi đó tổ chức hằng tuần, bạn trẻ nào có bài đờn hay đem khoe để cùng nhau tạo nền tảng cho tài năng phát triển. Rồi qua kênh YouTube, qua mạng xã hội, tạo sức lan tỏa. Tóm lại, có nhiều nghệ nhân đờn hay lắm nhưng để trở thành danh cầm, họ thiếu sân chơi cọ xát với nghề. Ngổn ngang trong tôi trăm mối lo cho ĐCTT và âm nhạc cải lương, chỉ mong còn sức thì còn tham gia, góp phần tích cực cho di sản văn hóa lan tỏa trong đời sống cộng đồng. 

Từng bước thu hút giới trẻ

Trước đây, trong các hội thảo về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, NSND - nhạc sĩ Văn Giỏi đã đề cập thực trạng lực lượng trẻ kế thừa, thực hành các kỹ năng nghệ thuật ĐCTT còn rất khiêm tốn hoặc có thể nói đang thiếu hụt, trong khi lực lượng nghệ nhân "lão làng" đang ngày càng mai một. Ông kiến nghị: "TP HCM cần sớm tổ chức những khóa học cho thế hệ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca trẻ để họ hiểu trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT trên địa bàn TP. Phải tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác bài bản cho du lịch, cho giới trẻ. Đây là điều nan giải với nghệ nhân truyền dạy vì lâu nay thiếu bài bản nên bất đắc dĩ phải để các em luyện giọng, đếm nhịp bằng bài ca người lớn. Do đó, nhiều em học được nửa chừng thì bỏ vì không theo kịp hoặc không thích những bài ca có nội dung xa rời tâm lý các em. Hiện nay, Nhà Văn hóa Thanh Niên đang tổ chức các hoạt động chào mừng "Ngày hội thầy đờn", chủ nhật hằng tuần có chương trình biểu diễn để các nghệ nhân giao lưu với giới trẻ, sau đó hướng tới chương trình gala lớn vinh danh các thế hệ thầy đờn. Tôi rất hoan nghênh cách làm này, từng bước thu hút giới trẻ biết quan tâm, nâng niu di sản quý của ông cha".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo