Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, đạo diễn "Ranh giới", đã có những chia sẻ về những ám ảnh của anh khi thực hiện bộ phim, những nuối tiếc khi không thể đi đến tận cùng câu chuyện, sự cảm phục các y bác sĩ...
- Phóng viên: "Ranh giới" đã làm được điều mà rất nhiều thuớc phim hay hình ảnh khác chưa làm được, đó là khiến người ta xúc động tận cùng, xót thương tận cùng với các bệnh nhân Covid-19 cũng như khâm phục vô cùng đối với các y, bác sĩ. Những hình ảnh trong phim giúp người ta có cái nhìn thật hơn, gần hơn, nhưng cũng có những ý kiến khác về việc đưa hình ảnh bệnh nhân, anh nghĩ sao?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư
+ Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Mong muốn lớn nhất của tôi là người dân hiểu được sự khủng khiếp của Covid-19 cũng như những khó khăn, sự hi sinh quên mình của đội ngũ y tế tuyến đầu. Mà muốn người dân hiểu Covid-19 thế nào, thì cách tốt nhất là giúp người ta hiểu được sự khốc liệt của nó.
Khi làm phim, tôi đã tính đến điều này. Tôi đã xin phép các nhân vật, những người còn đủ sức khỏe ngồi được và nói chuyện với các bác sĩ, là sẽ đưa hình ảnh họ lên phim. Còn với những người nằm bất động, tôi chỉ quay lưng của họ. Ngay cả khi cấp cứu gấp gáp nhất, tôi cũng không quay rõ mặt một ai. Tôi không vô tâm để không tính toán đến việc đó.
Trong phim có đoạn người cha muốn gặp con mình lần cuối. Sự khắc nghiệt của dịch bệnh đã không cho người cha nhìn thấy mặt con gái lần cuối. Cái ước muốn tưởng nhỏ nhoi mà quá khó khăn. Và cuối cùng, ông được nhìn con lần cuối qua bức ảnh mà bác sĩ đã chụp lại. Khoảnh khắc ấy có thể rất đau đớn với ông bố, nhưng nó cũng là một ký ức để lưu giữ mãi mãi hình ảnh con gái của mình. Có những nhân vật trong phim của tôi không qua khỏi cơn bạo bệnh, và những hình ảnh trên phim có thể là những khoảnh khắc quý giá mà gia đình họ nhìn thấy người thân của mình lần cuối cùng.
Cân nhắc những yếu tố đó, tôi quyết định để những hình ảnh chân thực nhất trên phim. Và điều quan trọng nữa, là chúng tôi muốn người xem biết thực sự Covid-19 là như thế nào? Họ có sợ không, và nếu sợ thì họ phải làm gì để phòng tránh, chăm lo cho bản thân và gia đình và rộng hơn là cả xã hội?
Nỗ lực cứu bệnh nhân của các y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương
- Anh muốn khán giả biết sợ Covid-19. Vậy anh và ê-kíp khi lăn xả ở những điểm nóng với nguy hiểm cận kề có chút sợ hãi nào?
+ Trước khi đi tôi không có tâm trạng sợ, một phần vì tôi đã tiêm vắc-xin, một phần vì tình nguyện viên y bác sĩ ở nhiều tỉnh miền Bắc đi vào Nam ào ào, họ làm được thì mình cũng làm được, chỉ có điều mình tiếp cận ở góc khác.
Khi vào đến ngày thứ hai, tôi được chứng kiến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại. Họ lao động, cứu chữa bệnh nhân với cường độ lao động khủng khiếp, đến mấy trăm phần trăm. Tôi phục họ và chính họ là người tiếp thêm năng lực cho mình. Tôi nhìn họ và thấy mình có thêm động lực để làm việc, lao động. Tôi chỉ muốn vào viện thật nhiều, thời gian ở đó thật lâu để cố gắng càng nhiều càng tốt.
Chúng tôi xác định luôn trong chuyến đi là vào nơi tâm của tâm dịch, sẽ tiếp xúc thường xuyên với F0. Trong môi trường đặc biệt có khả năng lây nhiễm cao khủng khiếp như thế, chúng tôi xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào. Tôi đã nghĩ nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19, trong khu cách ly thì tôi vẫn có thể làm được hậu kỳ, hoàn thành được phim.
Các y bác sĩ cứu chữa bệnh nhân với cường độ lao động "khủng khiếp"
- Cùng với "Ranh giới", bộ phim thứ hai "Ngày con chào đời" của anh và ê-kíp thực hiện cũng sẽ sớm ra mắt vào tháng 9 này. Làm hai bộ phim cùng lúc, anh có gặp khó khăn gì không, ví dụ như sự trùng lặp về hình ảnh chẳng hạn?
+ Khi mới bắt đầu, tôi thậm chí còn chưa có một phương án cụ thể. Sau đó, tôi quyết định làm phim về các thai phụ bị nhiễm Covid-19 và chọn tác nghiệp là khu K1, Bệnh viện Hùng Vương, nơi rất nhiều sản phụ đang được điều trị. Bộ phim có tên là "Ranh giới".
Một sản phụ được điều trị tại bệnh viện Hùng Vương
Nhưng ở bệnh viện khoảng một tuần, chứng kiến cảnh đội ngũ y bác sĩ họ cứu chữa cho các bệnh nhân F0 thì tôi thay đổi suy nghĩ. Tôi quyết định sẽ chọn đề tài về đội ngũ y tế bác sĩ đã vượt qua khó khăn để giành giật sự sống cho bệnh nhân cho "Ranh giới". Còn "Ngày con chào đời" làm riêng về các em bé cất tiếng khóc chào đời nơi tâm dịch.
Ra đời trong hoàn cảnh mẹ bị nhiễm Covid-19, các em bé chịu đủ mọi sự thiệt thòi. Các em bé buộc phải xa mẹ, sống trong những khu cách ly, cũng bị nhiễm Covid-19 rồi cũng trải qua nhiều lần xét nghiệm, kiểm tra.
Hai bộ phim có sự trùng lặp ở bối cảnh khu K1, đội ngũ y bác sĩ. Nhưng thực tế, các bác sĩ đều đeo mặt nạ kín, chẳng ai nhận ra ai trong hoàn cảnh ấy.
Nhưng hai bộ phim khác nhau rất nhiều. Nếu ở "Ranh giới" là sự dồn dập, gấp gáp giành giật sự sống cho các bệnh nhân với cường độ cao đến nghẹt thở thì phim hai là sự giãn cách, là hơi thở mới, đi sâu vào nhân vật người mẹ, em bé và hoàn cảnh phải sống trong điều kiện dịch bệnh. Đó là những em bé chào đời, những tiếng khóc đầu tiên cất lên trong tâm dịch. Các con được ông bà, cô dì chú bác đón các con về chăm sóc chờ ngày đoàn tụ.
Nụ cười của sản phụ chiến thắng Covid-19
- Một người say nghề như anh hẳn luôn muốn câu chuyện của mình được đẩy đến tận cùng. Trong "Ranh giới" và "Ngày con chào đời", anh còn gì để tiếc đã không thực hiện được?
+ Có nhiều điều, và ở "Ranh giới" thì nhiều hơn. Có những cái tôi tin có thể mang đến cảm xúc cao trào, khiến người xem xúc động hơn nhưng tôi lại không thực hiện được. Có câu chuyện đang theo rồi đến phút cuối lại dang dở. Có những bà mẹ tôi tôi xin số điện thoại liên hệ nhờ về nhà gia đình quay nhưng sau đó các mẹ không đồng ý nữa, chúng tôi phải bỏ. Hay ông bà đồng ý quay cảnh đón con cháu về, mẹ cháu đang ở khu cách ly gọi facetime về, quay được một lúc cháu bé khóc, mẹ cháu không đồng ý quay nữa mình cũng đồng ý vì trong hoàn cảnh người ta đang đối mặt với dịch bệnh, mình không thể bảo người ta cho chúng tôi quay thêm chút nữa.
Đã có lúc tôi ở trong bệnh viện khoảng 7-8 tiếng theo một ca nặng từ sáng và tiên lượng của bác sĩ từ giờ đến đêm sẽ phải cấp cứu. Nhưng cuối cùng, chỉ vì một lúc thay bộ đồ cá nhân mà chúng tôi đã bỏ lỡ một cơ hội theo tiếp câu chuyện của bệnh nhân ấy. Có những lúc chúng tôi bất lực vì không kịp thời gian như thế.
Khi trở về, tôi ngủ rất ít. Trong giấc ngủ chập chờn ấy, tôi luôn mơ về những nhân vật của tôi. Không biết vì sao lại thế, nhưng nó thật sự ám ảnh.
Bình luận (0)