Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực cho sân khấu kịch, một vài sân khấu tư nhân tổ chức hoạt động đào tạo. Thấy hoạt động đào tạo có hiệu quả, ngày càng nhiều sân khấu tư nhân đầu tư cho hoạt động này. Từ đây, cạnh tranh giữa các lò đào tạo càng mang tính sống còn.
Chất lượng là yếu tố quyết định
Không còn cái thời học viên đến lớp chọn thầy là những nghệ sĩ có tên tuổi. Chất lượng đào tạo và đầu ra mới là yếu tố quyết định.
Đến dự lễ tốt nghiệp sau khi 3 khóa K2, 3 và 4 báo cáo 2 vở kịch lần đầu tiên được đưa ra công diễn, bán vé cho khán giả tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận, các nhà chuyên môn đều đánh giá cao lực diễn xuất của 17 học viên trong 2 vở "Xóm lũ" và "Ngã rẽ". Các nghệ sĩ trực tiếp đào tạo gồm: Hồng Vân, Hữu Châu, Minh Nhí, Minh Hoàng, Xuân Trang… đã không chấm điểm, mà thay vào đó là một hội đồng giám khảo gồm: Đạo diễn Trần Minh Ngọc, nhà giáo Mai Thanh Dung, Đức Hải, Hoàng Sơn… Họ chọn ra 10 học viên đoạt loại khá, 6 học viên đoạt loại giỏi và một học viên xuất sắc đó là diễn viên Tuấn Dũng.
Nếu lâu nay một số lò đào tạo của sân khấu tư nhân chỉ chú tâm mở khóa học và học viên đóng đủ học phí sẽ hoàn thành việc học thì ngày nay, sức cạnh tranh đã tạo áp lực để các lò tung ra những chiêu thức thu hút học viên. "Suy nghĩ sân khấu tư nhân không cần đánh giá thứ hạng là sai. Chúng tôi tuyển và dạy nghề đều hướng đến mục đích cho ra lò những diễn viên giỏi. Việc chọn Tuấn Dũng trao giải xuất sắc duy nhất là dựa theo thang điểm của hội đồng nghệ thuật không có sự tác động nào từ phía thầy cô dạy nghề. Chính điều này là động lực để các khóa học sau, các em nỗ lực hơn" - nghệ sĩ Hồng Vân cho biết.
Tương tự, qua nhiều khóa đào tạo của Sân khấu Kịch IDECAF, các học viên được chọn tham gia diễn kịch cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Hữu Châu, Kim Xuân… đã nổi lên những tên tuổi đang tỏa sáng, được khán giả yêu thích gồm: Dương Cường, Trường Thịnh, Dương Lâm, Don Nguyễn… Trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" số 31 họ đã được đạo diễn Vũ Minh đưa lên sàn diễn, tung hứng tiếng cười cùng các nghệ sĩ tên tuổi. "Đó là cách thiết thực nhất để họ nỗ lực trên con đường hướng đến tính chuyên nghiệp" - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định.
Nghệ sĩ Hữu Châu phát biểu trong đêm tốt nghiệp của 17 học viên tại lò đào tạo diễn viên của nghệ sĩ Hồng Vân
Có sô diễn vẫn thắng thế
Với phương pháp giảng dạy mang tính truyền nghề, các lò đào tạo diễn viên của sân khấu tư nhân thực hiện hiệu quả tiêu chí "học đi đôi với hành". Các lò đào tạo uy tín như IDECAF, Kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Minh Nhí, Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi đã và đang góp phần gầy dựng một đội ngũ diễn viên trẻ năng động, nhiệt huyết.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hệ thống giáo trình giảng dạy của các lò đào tạo diễn viên tư nhân đã được cập nhật nhanh chóng bên cạnh áp dụng nhiều bài học thực tế từ chính kinh nghiệm của thầy cô là nghệ sĩ có vai diễn hay, đạo diễn có tác phẩm xuất sắc.
Ngoài Cát Phượng chưa có sân khấu riêng, còn lại tất cả nghệ sĩ khác mở lớp đều tạo cho diễn viên được làm nghề.
Thực tế, giảm học phí không còn là khuyến mãi hấp dẫn trong việc chiêu sinh của các lò đào tạo này. Không ít học viên đang học lò này nghỉ chạy sang lò khác vì nôn nóng được thực hành. Lò nào có nhiều sô diễn, tần suất học viên được bước lên sân khấu nhiều thì lò đó thắng thế.
Các lò dạy nghề diễn viên luôn quảng bá những chương trình, vở diễn sân khấu, những dự án phim truyền hình sắp triển khai, chắc chắn sẽ có một chỗ cho học viên sau thời gian đào tạo để thu hút học viên. Các học viên có thể học không chỉ trở thành diễn viên mà còn tham gia sáng tác kịch bản, dàn dựng tiểu phẩm, hóa trang tạo hình, thực hiện trang phục, làm đạo cụ, biên đạo múa, thiết kế sân khấu… Một số nghệ sĩ tham gia ban giám khảo game show truyền hình không ngoài mục đích đưa học viên của mình tham gia kiếm giải để tạo thành tích, thu hút nhiều hơn học viên cho các khóa sau.
Tuy nhiên, từ "quạ" thành "công" không phải chỉ vài lần được đứng trên sân khấu mà là nỗ lực của cả thầy và trò trong giảng dạy. "Phải thật sự đam mê, chịu học, chịu cực với thầy thì mới thành nghề được" - nghệ sĩ Thành Hội nói.
"Chắt lọc đầu vào là rất quan trọng. 100 hồ sơ đăng ký chỉ tuyển 10 học viên/khóa. Đó là việc đào tạo có lương tâm và hiệu quả cho chính sân khấu của mình, còn vì tiền mà nhận bừa thì hậu quả là cứ phải cưu mang những học viên yếu, không có tố chất làm diễn viên, hệ lụy là sân khấu tụt dốc vì chất lượng vai diễn của em đó kém sẽ kéo cả vở đi xuống" - nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ.
Học phí không còn quan trọng
Giá đào tạo của các lò dao động từ 3,5 triệu đến 8 triệu đồng/3 tháng. Lớp nâng cao có học phí 10 triệu đồng/3 tháng. Các lớp của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi học 4 học kỳ, mỗi học kỳ 2 tháng rưỡi, giá 3,5 triệu đồng. Các lớp ngắn hạn của đạo diễn Vũ Minh học phí 4 triệu đồng cho 3 tháng. Lớp Vui - Ngộ của nghệ sĩ Cát Phượng học phí 3 triệu đồng/2 tháng, kết thúc sau 4 tháng. Có lò đã tăng thêm tiết giảng, xoáy sâu vào 3 môn học: kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hình thể; rút ngắn số tiết học các môn văn hóa, lịch sử, hóa trang, múa… nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giảng dạy.
Nhưng với học viên, học phí không phải là vấn đề họ quan tâm mà là nhanh chóng có cơ hội được diễn trên sân khấu.
Bình luận (0)