Ông Bali Rahul Sudesh, Giám đốc điều phối lễ hội, kể về việc một đoàn phim Ấn Độ từng đến Tây Ban Nha quay phim. Sau đó, phim được chiếu tại các rạp ở Ấn Độ và ngay lập tức làm "sập" cổng thông tin du lịch của Tây Ban Nha. "Sự tác động khó có thể tưởng tượng được của điện ảnh đối với du lịch" - ông Bali Rahul Sudesh nói.
Phim “Kong: Đảo đầu lâu” tạo ấn tượng với các cảnh quay tại Việt Nam. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Nhà làm phim Rahul Mittra đến từ Ấn Độ cho biết rất thích vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam, bày tỏ mong muốn được quay lại với vai trò nhà sản xuất, tạo ra tác phẩm."Việt Nam không thiếu nguồn nhân sự điện ảnh, các nhà quay phim tài năng. Để thu hút các đoàn phim quốc tế chọn Việt Nam làm trường quay, tôi nghĩ cần chính sách một cửa một dấu, cấp giấy phép nhanh chóng và có cơ sở dữ liệu đầy đủ, rõ ràng để các nhà sản xuất dễ tìm hiểu thông tin, liên hệ đưa đoàn đến quay tác phẩm" - nhà sản xuất Rahul Mittra nhận định.
Từ lâu nay, việc thu hút các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam để quay phim đã được thảo luận nhiều trên các hội thảo, tọa đàm. Nhiều người trong giới nhận định để có thể thu hút các đoàn phim ngoại đến Việt Nam cần đơn giản hóa khâu xin giấy tờ hoặc có một đơn vị chuyên trách công việc này. Các cơ quan quản lý địa phương cần có thông tin chi tiết, rõ ràng bằng nhiều ngôn ngữ cung cấp trên một cổng thông tin chung. Các nhà sản xuất nước ngoài chỉ cần truy cập vào cổng thông tin chung là biết rõ thủ tục, các đầu mối liên hệ.
Hiện nay chính phủ các nước đều đưa ra nhiều ưu đãi, hấp dẫn với nhà làm phim quốc tế như Malaysia hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất; Thái Lan hoàn thuế 15% cho đoàn làm phim chi tiêu trên 50 triệu bath và thêm 5% nữa nếu sử dụng nhân công địa phương…
Ngoài lợi thế vẻ đẹp thiên nhiên ấn tượng, chi phí nhân công rẻ, điện ảnh Việt cần sớm có những chiến lược đồng bộ mới có thể hiện thực hóa kỳ vọng biến Việt Nam thành trường quay quốc tế.
Bình luận (0)