Với điện ảnh thế giới, mùa hè là một mùa quan trọng trong năm để các hãng phim tung ra những "bom tấn" hấp dẫn, những tác phẩm hoạt hình thương hiệu để phục vụ đối tượng khán giả "nhí", lực lượng đông đảo đang trong kỳ nghỉ, nhiều nhu cầu giải trí.
Quá thiếu và yếu
Tuy nhiên, nghịch lý là điện ảnh Việt Nam thường bỏ qua khán giả "nhí". Thiếu nhi Việt ra rạp mùa hè chỉ có thể thưởng thức tác phẩm ngoại từ hoạt hình cho đến các thể loại khác. Thương hiệu hoạt hình quen thuộc tung hoành rạp Việt hè năm nay có: "Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời", "Người nhện: Du hành vũ trụ nhện". Một số phim hoạt hình dự kiến ra rạp thời gian tới: "Xứ sở các nguyên tố", "Ruby: Thủy quái tuổi teen", "Thám tử lừng danh Conan: Tàu ngầm sắt màu đen"…
Theo thống kê của trang Box Office Việt Nam, trang thống kê doanh thu phòng vé độc lập, "Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời" tính đến sáng ngày 15-6 đã thu hơn 71 tỉ đồng. "Người nhện: Du hành vũ trụ nhện" thu hơn 31 tỉ đồng. Cả 2 phim này hiện đang giữ vị trí thứ hai và thứ ba trên bảng xếp hạng doanh thu hằng ngày của rạp Việt.
Phim “Anh hùng dế” đang chờ phát sóng màn ảnh nhỏ. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Trong khi màn ảnh rộng chỉ toàn phim ngoại, vắng bóng phim nội địa, màn ảnh nhỏ cũng hiếm phim truyện Việt mới để khán giả "nhí" thưởng thức. Xuyên suốt nhiều năm qua, thiếu nhi xem "Cổ tích Việt Nam" rồi đến "Thế giới cổ tích" trên Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL). Năm nay, Hãng phim Phương Nam có tác phẩm "Anh hùng dế" đã hoàn thành chờ đợi để THVL phát sóng.
"Chúng tôi vẫn chưa biết bao giờ "Anh hùng dế" ra mắt khán giả bởi phải theo lịch sắp xếp của nhà đài, không biết có kịp trong hè 2023 hay không" - đại diện truyền thông của Hãng phim Phương Nam thông tin. Hãng phim Phương Nam và THVL đã phối hợp thực hiện nhiều tác phẩm cổ tích trước đó như: "Cậu bé nước Nam", "Hai chàng hảo hớn", "Gái khôn được chồng"…
"Hè năm nào các phim cũ như "Đất Phương Nam", "Kính vạn hoa", "Tây du ký"… cũng được chiếu lại ở nhiều đài. Việc lặp đi lặp lại dù tác phẩm có hay cũng trở nên quá quen thuộc. Các cháu tôi muốn xem phim mới chỉ có thể ra rạp xem phim nước ngoài. Phim Việt cho thiếu nhi nước mình quá thiếu và yếu" - khán giả Nguyễn Thị Nguyên (quận 8, TP HCM) cho biết.
Nuôi dưỡng tâm hồn Việt
Nhiều người trong giới cho rằng lý do thiếu vắng phim thiếu nhi ở ngay trên sân nhà là do kinh phí và doanh thu. Ở điện ảnh, phim thiếu nhi kinh phí đầu tư không thấp so với các phim truyện dành cho người lớn, quá trình quay - dựng cực gấp nhiều lần nhưng doanh thu không cao.
Các hãng phim tư nhân thường quan tâm phần lợi nhuận, rất khó để họ làm phim về thiếu nhi liên tục. Do đó, phim cho thiếu nhi cần sự giúp sức rất lớn từ nguồn đầu tư của nhà nước và sự đón nhận của khán giả.
Những tác phẩm cho thiếu nhi những năm gần đây có "Trạng Tí: Phiêu lưu ký" do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, công ty của Ngô Thanh Vân sản xuất; "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" do Hàm Trần đạo diễn, Cục Điện ảnh kết hợp với Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) và các đối tác sản xuất theo đặt hàng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; "Dân chơi không sợ con rơi" do Huỳnh Đông đạo diễn, Thu Trang làm nhà sản xuất.
"Dân chơi không sợ con rơi" thu được gần 46 tỉ đồng; "Trạng Tí: Phiêu lưu ký" vì lý do khách quan là thị phi quanh chuyện bản quyền và do đại dịch COVID-19 nên chỉ thu hơn 22 tỉ đồng, thua lỗ so với kinh phí đầu tư 43 tỉ đồng; "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" doanh thu hơn 6 tỉ đồng, lỗ nặng so với kinh phí đầu tư 30 tỉ đồng.
"Với phim thiếu nhi, nhà nước nên chi ngân sách để phối hợp cùng các hãng phim tư nhân thực hiện tác phẩm. Dòng phim này đòi hỏi phải có kịch bản hay, nhà làm phim tâm huyết" - nhà báo Cát Vũ nêu quan điểm.
Nhiều người trong giới cho rằng cần sớm có một giải pháp đồng bộ đến từ cơ quan quản lý để có hướng phát triển phim cho thiếu nhi trên màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ. Không thể chỉ dựa vào phim nước ngoài để thỏa mãn nhu cầu giải trí cho thiếu nhi Việt, bởi trẻ em cần được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bộ phim mang giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bình luận (0)