Thời tuổi trẻ, chúng tôi được giáo dục "Người yêu người sống để yêu nhau", "Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay" (Tố Hữu). Đã qua tuổi "đại thọ bát tuần", nhìn lại, tôi thấy cơ bản mình không có gì phải buồn, phải tiếc. Nay đọc tập tản văn "Một thoáng tuổi thanh xuân" của nhà báo - nhà biên khảo Vu Gia (NXB Hồng Đức vừa ấn hành), tôi thích lời Phật dạy mà tác giả đã dẫn: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình" (trang 28).
Tập tản văn "Một thoáng tuổi thanh xuân" của nhà báo - nhà biên khảo Vu Gia
Rời trường đại học vào chiến trường miền Nam xông pha lửa đạn, tôi ý thức rằng mệnh mình, mình phải nắm giữ trong tay không thể giao cho số mệnh, vì thế phải tự quyết lấy số mệnh của mình. Sau đó, tôi cũng cố gắng "tự mình là ngọn đèn cho chính mình".
Qua "Một thoáng tuổi thanh xuân", tôi không ngờ hơn 2.500 năm trước, Phật đã động viên mọi người: "Cố lên, cố lên, cố lên tí nữa, cố lên thêm tí nữa, bờ giác đã đến rồi, ha... ha... ha... ha... (cười sảng khoái)" (trang 27). Lời động viên đến nay vẫn còn nguyên giá trị và với tôi cũng là một phương châm sống. Vu Gia cho biết đây là câu chú cuối cùng trong Bát nhã tâm kinh: "Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề tát bà ha" (trang 26).
Câu chú này, tôi có nghe nhiều người đọc nhưng hỏi thì được trả lời đã là thần chú thì cứ thế mà đọc, cứ thế mà tụng chứ không thể dịch nghĩa được. Cũng từ chuyện này, tôi thấy Vu Gia nói đúng thực tế: "Những ngày này, nhiều người thờ Phật trong nhà; ngày rằm, ngày vía đi chùa lạy Phật, tụng kinh, song tôi tin không mấy người hiểu rõ yếu lý Phật giáo. Họ đến với Phật theo cội nguồn dân tộc và có thể tụng thuộc lòng một vài bộ kinh, song chưa chắc họ hiểu lời kinh nói gì" (trang 189).
Tôi không phải là đệ tử của Lưu Linh, song cũng biết thưởng thức rượu, nên rất thú vị khi đọc đến đoạn Vu Gia luận về uống rượu qua lăng kính thuyết nhân quả, luân hồi: "Thật thật giả giả ở đời cũng giống như uống rượu. Không say là vì không uống "quả"; không uống là không say "nhân". Có nhân ắt có quả. Có quả phải có nhân. Nhưng lắm lúc gieo nhân chưa hẳn gặt được quả, như người uống rượu chưa chắc lần nào cũng say và có lúc sung sướng vì được say… (trang 32).
Tác giả có cái nhìn khá tỉnh táo về việc uống rượu: "Chung quy, rượu không thể thay đổi tâm tính người ta, mà say hay không tự do lòng người. Do vậy, mới có người say tâm, có kẻ say thân và chính họ mới biết nguyên nhân say của mình. Nếu tâm chết thì rượu không say người mà người tự say. Chết vào rượu chính là say, sinh ở rượu chính là tỉnh. Tỉnh tỉnh say say tựu ở lòng người" (trang 32-33).
Tôi không theo tôn giáo nào nhưng có biết đạo Phật không sát sinh. Nhìn ở góc độ thiện lương, tôi thấy điều này cũng tốt, mà không sát sinh thì con người sống bằng gì, hệ sinh thái sẽ ra sao? Cây cỏ cũng có sinh mệnh, cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử, cũng biết giao phối để ra hoa, ra quả. Chẳng lẽ ăn rau, củ, quả không phải sát sinh? Nếu không sát sinh làm gì có chiến tranh? Chỉ qua mấy cuộc chiến chống xâm lược, chúng ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ. Đó không phải sát sinh sao? Đạo Phật bật ra khỏi quê hương mình trong quá khứ, chẳng lẽ vì không muốn sát sinh?
Từ suy nghĩ như thế, tôi đồng thuận với Vu Gia: "Người có việc nên làm, có việc không nên làm. Không ai nguyện ý chết, nhưng nếu chết vì bảo vệ người thân, bảo vệ xóm làng, bảo vệ đất nước thì cái chết chẳng tính là gì. Phật dạy không sát sinh, nhưng có những lúc cần phải phạm giới. Lịch sử dân tộc đã cho thấy điều ấy. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng khoác chiến bào ra trận, dân tộc ta mới có ngày hôm nay" (trang 36).
Nhìn chung, tập tản văn "Một thoáng tuổi thanh xuân" khá thú vị, bởi không phải ai cũng nghĩ được về đạo về đời như thế. Tôi tin lứa tuổi "tri thiên mệnh" trở lên sẽ tâm đắc với cuốn sách này, với người trẻ hơn cũng có thể nhìn ra ý nghĩa của cuộc sống.
Bình luận (0)