Tháng giêng là tháng đông ken,
Đi buôn gặp mối, đi xem gặp chầu
Ken là chèn vào, xen vào giữa, đệm vào chỗ kẽ hở cho kín. Trong ngữ cảnh này là người nọ lấn người kia trong một phạm vi không đủ sức chứa. Đông ken là đông người, người đứng sát vào nhau như không còn kẽ hở.
Quen thuộc nhất vẫn là "đông đen". Do có nhiều người cùng tụ tập nên tạo ra số lượng đông/ rất đông, nhưng tại sao lại "đông đen"? Đâu phải ai cũng mặc quần đen, áo đen nên tạo ra màu sắc ấy? Nghĩ rằng "đen" ở đây phản ánh cái nhìn từ xa (hoặc gần đi nữa) là nhìn rồi đánh giá từ màu đen của mái tóc. Nói cách khác, đen ở đây là đen đầu, nhiều cái đầu đen của nhiều người cùng gộp lại mà thành. Hiểu như thế hợp lý chăng? Ta hiểu là "đông nghịt/ đông nghìn nghịt". Không chỉ thế, một người ân cần hỏi bạn: "Thế nào, hôm khai trương ra sao?"; bạn vui vẻ: "Đông đen", ta hiểu đông người đến mua sắm và nó còn có nghĩa đắt hàng, đắt mối. Rõ ràng, "đông đen" và "đông ken" cùng nghĩa.
"Truyện Kiều" của Nguyễn Du tả lúc chị em Thúy Kiều đi chơi xuân: Dập dìu tài tử giai nhân/ Ngựa xe như nước áo quần như nen.
Lâu nay, các nhà nghiên cứu văn bản học vẫn còn tranh cãi nen/ nêm, từ nào là đúng với nguyên tác? Dù không hề xuất hiện từ "đông" nhưng người đọc vẫn hình dung ra sự đông nghịt, đông nghìn nghịt, đông đầy, đông đảo, đông đúc, đông đặc đấy chứ? Trong "Từ điển văn liệu" (1952), nhà nghiên cứu Long Điền Nguyễn Văn Minh cho biết: "Có hai thuyết: 1. Nêm: Lèn cho chặt sít nhau, thường nói nêm cối, cối xay lúa; lấy mảnh tre nhỏ đóng len sít vào nhau cho chặt. Đây dùng cách miêu tả, chỉ nghĩa đông như chen vào nhau. 2. Nen: Một thứ rêu núi ở vùng Hà Tĩnh, mọc chen nhau. Đây cũng là cách miêu tả đông nghịt như rêu nen".
Bình luận (0)