Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn được giới chuyên môn đánh giá cao với quá trình sau gần 20 năm theo đuổi đề tài "Truyện Kiều". Đến nay, anh đã có một gia tài với hơn 5.000 bức tranh minh họa tính cả phác thảo. Sau thời gian chuẩn bị, từ ngày 18 đến 23-11 tới đây, một phần trong bộ sưu tập sẽ được anh trưng bày tại cuộc triển lãm "Hội họa Truyện Kiều" do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) thực hiện.
Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn
Vốn là giáo viên dạy mỹ thuật, Nguyễn Tuấn Sơn cho biết anh đã nuôi ý tưởng vẽ "Truyện Kiều" từ lúc còn trẻ. Qua nghiên cứu, anh biết đã từng có những danh họa vẽ Kiều, như họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Lê Thị Lựu…
"Để tái hiện hình ảnh các nhân vật trong "Truyện Kiều" bằng bảng màu hội họa đòi hỏi nhiều yếu tố. Đặc biệt, đứng trước những tác phẩm mà các họa sĩ tài danh đã vẽ Thúy Kiều, Từ Hải… tôi tự ý thức phải tìm kiếm một bố cục khác, xây dựng những gam màu riêng để chúng trở nên khác biệt" - họa sĩ chia sẻ. Và đó là con đường gian khổ thật sự đối với anh trong quá trình lao động nghệ thuật.
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, hội họa của anh, sau bao vất vả, đã tìm ra tiếng nói của riêng mình - đó là cách thể hiện Kiều theo lối trừu tượng - biểu hiện.
Một tác phẩm tại triển lãm. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Cái hay ở hội họa khi vẽ "Truyện Kiều" là họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào nhưng năng lực sáng tạo tranh vẽ về Kiều phải tinh tường, chọn minh họa phải gắn với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để thể hiện và viết chú thích bên dưới tranh. Tác phẩm của Nguyễn Tuấn Sơn mang đậm cá tính, phong cách riêng.
Anh đã từng tâm sự, chân dung Thúy Kiều trong sáng tác của anh giống như nàng "Mona Lisa" thời Phục Hưng. Giống ở chỗ trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện theo cảm nhận của người xem về nàng "Mona Lisa" khác nhau và Thúy Kiều trong tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du cũng sẽ rất đời và giàu tính biểu tượng.
Nếu vẽ các nhân vật càng hiện thực sẽ càng trở nên trần trụi, áp đặt và mất đi tính biểu tượng của nó. Chính vì thế, với cuộc triển lãm về "Hội họa Truyện Kiều" - họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn tự nhủ công chúng yêu tác phẩm văn học "Truyện Kiều" và yêu hội họa sẽ đồng cảm và đón nhận những sáng tác hội họa của anh, góp phần đưa "Truyện Kiều" sống mãi cùng dân tộc Việt cũng như thế giới thông qua hội họa.
Bình luận (0)