Chưa bao giờ chuyện vi phạm bản quyền kịch bản sân khấu lại ì xèo như hiện nay, khi hàng loạt chương trình game show, tranh tài diễn ra trên sóng truyền hình sử dụng các trích đoạn vở diễn sân khấu nổi tiếng nhưng chưa xin phép quyền tác giả, gây bức xúc trong dư luận.
Quên mất lòng tự trọng
Đã qua rồi việc người làm nghề cười trừ khi bị phát hiện ai đó sử dụng bản quyền trái phép, dù ở mức độ nào. Hiện trạng vi phạm bản quyền hiện đang gây nhức nhối đối với giới soạn giả.
Nghệ sĩ Cẩm Thu, con gái soạn giả Trương Vũ, bức xúc khi xem một chương trình truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) Đồng Tháp sử dụng trích đoạn cải lương "Bài ca tìm mẹ" mà không hề xin phép tác quyền đối với gia đình bà. "Tác phẩm này của ba tôi đã được minh chứng qua nhiều thập kỷ. Ngoài tôi và nghệ sĩ Linh Tâm biểu diễn dự giải HCV Trần Hữu Trang năm 1993, sau này có nhiều diễn viên dự thi các cuộc thi khác đều xin phép sử dụng để tranh tài. Bây giờ, họ lấy biểu diễn ngang nhiên chẳng có một lời xin phép nào. Khi tôi hỏi thì biên tập chương trình đổ lỗi cho nghệ sĩ, hỏi nghệ sĩ thì nghệ sĩ đổ lỗi cho nhà đài".
Tương tự, tác giả Xuyên Lâm lên tiếng trên trang cá nhân về kịch bản do anh sáng tác "Nợ sữa" chuyển thể từ truyện ngắn "Hiu hiu gió bấc" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bị đạo diễn Vũ Trần sử dụng tham gia chương trình "Kịch cùng boléro" (Kênh THVL, Đài PT-TH Vĩnh Long) mà không hề xin phép.
Cảnh trong vở kịch "Tía ơi má dìa" của Sân khấu Kịch IDECAF bị thí sinh sử dụng làm trích đoạn trình diễn trong chương trình truyền hình, khi đang công diễn
NSƯT Thành Lộc trước đó đã lên tiếng trên trang cá nhân rằng vở "Tía ơi má dìa" của Sân khấu IDECAF, đoạn độc thoại vai ông Tư Chơn do anh diễn đã bị diễn viên Gia Bảo lấy dự thi trong một chương trình truyền hình.
"Để có được lớp diễn này, chúng tôi đã đầu tư nhiều công sức, tâm trí, đúc kết sau nhiều tháng ngày trải nghiệm trên sàn diễn để đưa vào tác phẩm lớp độc thoại đắt giá. Trước đây, diễn viên Gia Bảo có hỏi xin trích đoạn vở "Bí mật vườn Lệ Chi", "Dạ cổ hoài lang" để dự thi nhưng chúng tôi không đồng ý vì tác phẩm đang được biểu diễn và là "nồi cơm chung" của công ty. Khi biết tin Gia Bảo lấy vở "Tía ơi má dìa" khiến chúng tôi hoang mang. Gia Bảo còn nói đó là sự cảm tác? Lòng tự trọng không có thì khó có thể nói đến việc "nối ngôi" dù có là ngôi sao lớn cỡ nào?" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bức xúc.
Đạo diễn Trần Văn Hưng đã từng lên tiếng vụ Gia Bảo lấy nguyên vở "Lò heo quay" của anh để dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu Family (Hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM) đổi tựa "Xóm nghèo bá đạo". "Ăn cắp chất xám rồi bao biện, quanh co dù dưới hình thức nào cũng làm tổn hại đến uy tín, danh dự của chính mình. Hơn nữa, Gia Bảo còn là con cháu của một gia tộc lớn, đầy uy tín đối với giới sân khấu. Lòng tự trọng phải được học trước khi muốn làm nghệ thuật" - tác giả "Lò heo quay" nói.
Tác giả Bạch Mai cũng đã từng bị nhóm nghệ sĩ trẻ lấy nguyên vở "Giang sơn mỹ nhân" để diễn cúng đình, mà không hề xin phép. Bà nói: "Họ ăn cắp thoải mái với nhiều mức độ khác nhau để diễn kiếm tiền còn chúng tôi là những người sáng tác tác phẩm không hề nhận được sự tôn trọng".
Vi phạm một cách hồn nhiên
Cùng tâm trạng bức xúc, tác giả Hoàng Song Việt lên tiếng cho biết những sáng tác của anh từ kịch bản cải lương cho đến bài ca cổ bị nhiều chương trình truyền hình sử dụng mà không trả tác quyền, thậm chí không một dòng tin nhắn để xin phép sử dụng. "Có nhiều sáng tác của tôi được sử dụng, nhiều tác phẩm của tôi bị chế tác, biến đoạn thành nhiều bản khác nhau mà "quên" đề tên tôi, cho đến khi truyền hình phát sóng, tôi mới biết. Tôi cũng chẳng nhận được một đồng tác quyền nào. Chẳng hạn, chương trình "Ngôi sao phương Nam" và "Đường đến danh ca vọng cổ" sử dụng tác phẩm của tôi nhưng ban tổ chức không hề liên lạc xin phép và cũng không thanh toán tác quyền.
Hầu hết nhà sản xuất chương trình và nhà đài đều có thỏa thuận ràng buộc thí sinh khi sử dụng các tiết mục trích đoạn vở tuồng sân khấu để dự thi phải chịu trách nhiệm về bản quyền. Nên trong các cuộc tranh cãi về việc vi phạm bản quyền sân khấu trong các chương trình truyền hình, câu trả lời từ phía các nhà sản xuất, các nhà đài mặc định việc vi phạm đó thuộc về nghệ sĩ tham gia và thí sinh dự thi.
"Khi một tiểu phẩm, một trích đoạn lên sóng truyền hình, đó là sản phẩm cuối cùng, nhà đài phải có trách nhiệm" - đạo diễn Vũ Minh bức xúc.
"Nhà đài là cơ quan ngôn luận của nhà nước, không thể cứ mặc nhiên để tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra trên sóng truyền hình của mình như vậy được"- soạn giả tác phẩm "Duyên kiếp" nêu ý kiến.
Kỳ tới: Dùng tình, chưa hiểu lý
Nhiều cách vi phạm khác nhau
Còn nhiều tác giả khác, nhất là những tác giả lớn tuổi, đã không có cơ hội phản ánh nhằm điều chỉnh sáng tác của mình khi bị "xào nấu" với dụng ý chiếm đoạt chất xám. Cụ thể, soạn giả Nguyễn Phương đang sinh sống tại Mỹ (năm nay hơn 90 tuổi) cho biết những sáng tác của ông bị ngang nhiên "xào nấu".
Hoặc trước đây chương trình game show "Cùng nhau tỏa sáng" (THVL) với trích đoạn "Phụng Nghi Đình" được dàn dựng cho thí sinh trình diễn đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng viết trong kịch bản "Liên hườn kế Phụng Nghi Đình" (do Hãng phim Tây Đô - Đài Truyền hình Cần Thơ sản xuất vào thập niên 90 của thế kỷ trước) mà không ghi tên tác giả, cũng không hề xin phép gia đình NSND Thanh Tòng.
"Cách đây không lâu, chương trình "Gương mặt thân quen", phát trên sóng VTV3, thí sinh diễn tiết mục "Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ" và trích đoạn "Phù Đổng Thiên Vương" cũng không hề xin phép gia đình tôi. Đó là điều đáng trách khi người sử dụng không có lòng tự trọng" - NSƯT Quế Trân phản ứng.
Bình luận (0)