Uy Lê - trưởng nhóm Sài Gòn Tếu - cho biết nếu không vướng sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 thì "kịch ứng tác" đã ra mắt vào dịp Tết nguyên đán. Nhưng cũng vì dịch bệnh đã giúp nhóm có thêm thời gian đầu tư thật chắc cho loại hình nghệ thuật mới này.
Từ khi sân khấu tấu hài không còn hoạt động tại TP HCM, sự xuất hiện của nhóm Sài Gòn Tếu với thể loại "độc thoại hài" được khán giả thích thú và diễn vào tối thứ tư, thứ sáu hằng tuần tại quán cà phê 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM.
Nhóm Sài Gòn Tếu trong một cảnh ghi hình chuẩn bị cho chương trình mới. (Ảnh: UY LÊ)
Với "độc thoại hài", nghệ sĩ sẽ biểu diễn trực tiếp trước khán giả và kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, thông qua tiếng cười sẽ gửi đến khán giả thông điệp tốt đẹp về đời sống cộng đồng.
Còn với "kịch ứng tác" sẽ xóa khoảng cách lâu nay giữa khán giả và diễn viên, khi người xem cũng là một phần của buổi diễn, trực tiếp tham gia quyết định hành động diễn xuất của diễn viên. Ở "kịch tương tác", khán giả tham gia sẽ được làm diễn viên, sẽ được trải nghiệm, thư giãn, giải tỏa căng thẳng để thêm lạc quan yêu cuộc sống.
Ưu thế của nhóm chính là sự thông minh, dí dỏm của 9 thành viên, họ đã tạo dựng thương hiệu Sài Gòn Tếu bằng việc khai thác thông tin từ báo chí, truyền hình, những vấn đề giới trẻ đang quan tâm. Kênh YouTube của nhóm đã có hàng ngàn lượt người xem.
Với nỗ lực tạo khuynh hướng mới trong thưởng thức nghệ thuật, những câu chuyện "kịch ứng tác" được trình diễn một cách tự nhiên. Lời thoại, hành động kịch được sáng tạo tức thời, hứa hẹn mang đến tiếng cười bất ngờ, sảng khoái cho khán giả.
Hiện nay, ở Hà Nội cũng có một loại hình nghệ thuật mới là "High club" - CLB "kịch ứng tác" thành lập tháng 7-2020, do đạo diễn Đào Ngọc Hà khởi xướng và định hướng diễn xuất. Nhóm này chủ yếu khai thác "kịch hài ứng tác", mong muốn mang những tiếng cười có giá trị tích cực đến khán giả, với tâm niệm mọi niềm vui trong cuộc sống đều như những trò chơi và đều bắt đầu từ tiếng cười.
Cả 2 nhóm "kịch ứng tác" ở Hà Nội và TP HCM đều xem khán giả là thành tố tham gia và làm nên thành công của suất diễn. Và họ luôn trong tư thế hoàn thiện kỹ năng diễn xuất, lắng nghe phản hồi của người trẻ.
Đây cũng là con đường đưa kịch tới gần hơn với công chúng hiện đại - điều mà sân khấu kịch chính thống lâu nay vẫn loay hoay tìm lời đáp.
Bình luận (0)