Làm sạch Ngọ Môn là dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Tập đoàn Karcher - chi nhánh Việt Nam thực hiện. Dự án nằm trong chuỗi chương trình "Tài trợ văn hóa" của Tập đoàn Karcher bắt đầu từ năm 1980 nhằm giúp bảo tồn các công trình văn hóa, di tích lịch sử tầm toàn cầu miễn phí.
Họ sử dụng công nghệ phun rửa áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng lên đến 100 độ C để bóc tách chất bẩn, ô nhiễm sinh học trên bề mặt và tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc cư trú sâu bên trong các lỗ đá. Điều này đồng nghĩa, phương pháp này cũng làm chậm thời gian phát triển trở lại các tầng sinh học gây hại.
Bề mặt Ngọ Môn trước khi làm sạch
Kỹ thuật viên chuẩn bị phun nước nóng
Quá trình rửa bắt đầu
Sự khác biệt xuất hiện
Lớp bụi bẩn đã bong tróc, để lộ màu nguyên thủy
Đây là màu gạch nguyên thủy chứ không phải màu mới, chỉ là nó bị bụi bẩn và nấm mốc che phủ
Phun rửa bề mặt Ngọ Môn - Đại nội Huế
Tồn tại đã lâu, Ngọ Môn - Đại nội Huế bị bụi bẩn bám sâu, tạo thành màu đen và không ít cây con xâm lấn. Nếu không loại bỏ, những cây con này bám rễ sâu và dần dần ăn mòn, phá hỏng kết cấu gây tổn hại đến di tích.
Vì thế, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng việc làm sạch là cần thiết. Đây là hoạt động trong chuỗi hoạt động bảo tồn, đại trùng tu cho di tích cố đô Huế. Việc chọn lựa Ngọ Môn để làm sạch vì đây là hình ảnh tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới.
Trước lo ngại khi làm sạch, Ngọ Môn sẽ sáng hơn, không còn dấu vết rêu phong cổ kính, gây phản cảm cho khách tham qua, ông Thanh Hải nhận định: "Thông thường, nhiều người quan niệm di tích phải cổ kính, nhuốm màu thời gian. Nhưng tôi nghĩ, việc làm sạch là cần thiết hơn trong quá trình bảo tồn di sản, tránh bị nấm mốc, bụi bẩn gây hại. Tôi thấy khi sạch lớp bụi bẩn, Ngọ Môn lộ ra màu sắc nguyên thủy của gạch chứ không phải màu mới. Chẳng qua, màu sắc nguyên thủy này lâu nay bị bụi bám vào, du khách không thể nào thấy được".
Vì thế, khi di tích lộ ra màu sắc khác, rũ bỏ rêu phong, nó không phải sự phản cảm mà là công sức để di sản tồn tại bền vững hơn. Đặc biệt, Huế độ ẩm cao, mùa mưa kéo dài, nấm mốc, rêu rất dễ sinh sôi và việc bảo quản rất cực nhọc, cần những phương pháp hiện đại để tạo nên hiệu quả.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế , chỉ rõ sự khác biệt của nền gạch trước và sau khi được phun rửa
Bà Andrea Teufel - chuyên gia bảo tồn di sản đến từ CHLB Đức, xem Huế là nhà và gắn bó chặt chẽ nhiều năm, là cầu nối của dự án làm sạch này. Bà cho biết việc làm sạch hoàn toàn không tác động màu sắc, chất liệu, mà chỉ vệ sinh toàn bộ rêu mốc, vi sinh vật gây hại trên bề mặt công trình.
Dự án làm sạch này sẽ kéo dài trong vòng 15 ngày bắt đầu từ 15-3 và về sau nhân viên của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ được huấn luyện để làm sạch các công trình khác và duy trì việc bảo tồn. Mỗi đợt làm sạch có thể duy trì độ sạch khoảng 5 năm nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác như thời tiết, độ ẩm...
Quỹ "Tài trợ văn hóa" của Tập đoàn Karcher đã làm sạch 140 công trình có tính biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử trên 5 châu lục có: Núi Rushmore - Khu tưởng niệm quốc gia Mỹ, cầu Nihonbashi của nhật Bản... Sau Ngọ Môn, họ sẽ còn làm sạch các di tích khác.
Bình luận (0)