Một mùa liên hoan phim (LHP) ngắn gọn, đơn giản do diễn ra trong bối cảnh "bình thường mới" nhưng vẫn bảo đảm được tính trang trọng, ấm áp và nhất là không quá nhiều sạn trong lễ trao giải, không nhiều tranh cãi về kết quả giải thưởng, được xem là thành công.
Vừa vặn "Bông sen vàng"
Phim truyện điện ảnh luôn là hạng mục được quan tâm bậc nhất của các kỳ LHP Việt Nam. Năm nay, Bông sen vàng cho hạng mục này thuộc về tác phẩm "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ. Phim được sản xuất năm 2019, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nội dung xoay quanh mối tình đơn phương của Ngạn (Trần Nghĩa đóng) đối với Hà Lan (Trúc Anh đóng) trong bối cảnh thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước.
"Mắt biếc" gặt hái doanh thu phòng vé 180 tỉ đồng và nhận được các ý kiến trái chiều nhưng khen nhiều hơn chê. Đặc biệt, sau khi phim ra rạp, nhiều bối cảnh trong phim trở thành điểm thu hút khách tham quan. Trong đó, thôn Hà Cảng (xã Quảng Phú, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nơi có cây cổ thụ mà nhân vật Ngạn đánh đàn cho Hà Lan nghe, cũng nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Phim “Mắt biếc” giành Bông sen vàng. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Ngoài giải thưởng Bông sen vàng, "Mắt biếc" còn gặt hái một số giải thưởng khác như: Giải thưởng của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế dành cho phim bối cảnh được quay tại Huế; giải Âm nhạc xuất sắc dành cho Christopher Wong; giải Quay phim xuất sắt dành cho Dominic Pereira.
"Tôi thấy giải thưởng Bông sen vàng hạng mục phim truyện điện ảnh năm nay lựa chọn rất phù hợp. Phim "Mắt biếc" được xem như trung dung giữa truyền thống và hiện đại. Nó chuyển tải được cảm xúc, truyền thống, vẻ đẹp của quê hương, đất nước bằng cách kể hiện đại, đậm chất điện ảnh. Việc chọn "Mắt biếc" để trao giải là chính xác" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Đạo diễn Lý Minh Thắng, một trong những thành viên của ban giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh, cho biết phim "Mắt biếc" nhận được sự đồng thuận cao từ giám khảo cho giải thưởng Bông sen vàng.
"Cũng có những tranh luận nhưng chủ yếu nằm ở việc phân tích chuyên sâu những mặt được và chưa được của các tác phẩm có chất lượng tương đương nhưng lại khác nhau về thể loại phim và định hướng khán giả. Riêng bộ phim đoạt giải Bông sen vàng, tôi thấy thực sự xứng đáng! Cá nhân tôi thấy bộ phim này có sự toàn diện của những tiêu chí: câu chuyện phim tuy đơn giản nhưng cách kể không đơn điệu, khiến cho người xem kết nối được với bộ phim, dìu dắt tốt cảm xúc người xem. Đặc biệt, nó khơi dậy tình yêu tồn tại bên trong nhưng không thường được kể ra của mỗi chúng ta" - đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ.
Dấu ấn văn hóa bản địa
Mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, LHP Việt Nam lần thứ XXII vẫn quy tụ được 17 tác phẩm tranh giải tại hạng mục phim truyện điện ảnh. Đáng chú ý, các phim này có cả tư nhân lẫn phim nhà nước và mặt bằng chung được nhận định là có chất lượng tốt.
NSƯT - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Chủ tịch Ban Giám khảo phim truyện điện ảnh, cho biết: "Trong LHP lần này, chúng tôi phải gọi là so lũy tre chọn cột cờ!". Tuy nhiên, khi kết quả công bố, phim nhà nước gần như "lép vế" trước các phim tư nhân. Nhiều người trong giới cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể đoán trước bởi dù có nhiều nỗ lực thì các phim do nhà nước đặt hàng sản xuất đa phần vẫn chưa thể thoát khỏi mô-típ cũ kỹ, thiếu sức hút với khán giả.
Từ chiến thắng của "Mắt biếc" cũng cho thấy dấu ấn văn hóa bản địa là cần thiết trong quá trình định hình và phát triển điện ảnh Việt. Những hoài niệm về một thời đã xa với những câu chuyện mang đậm dấu ấn về nét văn hóa của một vùng đất xen lẫn với cách chuyển tải hiện đại dễ hơn trong hành trình chinh phục trái tim khán giả. Ngoài ra, việc khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa bản địa cũng giúp điện ảnh định hình rõ nét tính đặc trưng cần thiết của việc xây dựng thương hiệu trong đa dạng nền văn hóa của điện ảnh thế giới.
Đạo diễn Lý Minh Thắng cho rằng để giúp nền điện ảnh Việt thăng hoa nhiều hơn, các nhà làm phim nên tìm tòi đầu tư kịch bản sâu hơn, đừng vội vã với những đề tài sáo rỗng, cách làm phim cẩu thả. Việc nhiều phim thường bị bỏ sót các điều cơ bản, thiếu logic tâm lý nhân vật hoặc "phẳng lì về cảm xúc" đã khiến khán giả thất vọng. Đạo diễn Lý Minh Thắng nhắn nhủ: "Đừng mất bình tĩnh chạy theo các thể loại hoặc đề tài mang tính xu hướng, phong trào để rồi phim bị ép chín non. Tôi nghĩ phim Việt nên ưu tiên khai thác những dấu ấn văn hóa bản địa".
Giải thưởng LHP Việt Nam lần thứ XXII cũng có một số yếu tố gây tranh luận xoay quanh kết quả giải Đạo diễn xuất sắc hạng mục phim truyện điện ảnh. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh với phim "Bằng chứng vô hình" giành chiến thắng nhưng một số ý kiến cho rằng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với phim "Tiệc trăng máu" xứng đáng hơn. Ngoài ra, 2 giải thưởng mới được hứa hẹn sẽ trở thành nguồn động viên cho các nhà làm phim là Kỹ xảo xuất sắc và Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc nhưng lễ trao giải chỉ công bố giải Kỹ xảo hoạt hình xuất sắc cho Nguyễn Quang Trung với phim "Mảnh ghép của rồng", giải khác không được ban tổ chức nhắc đến.
Một số "sạn" trong lễ trao giải nằm ở việc ban tổ chức chưa sắp xếp khéo léo thời gian để những người chiến thắng được chia sẻ cảm xúc mà đa phần họ chỉ lên nhận giải rồi rời đi. "Lễ trao giải diễn ra gọn nhẹ, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tôi thấy các tiết mục văn nghệ trong lễ trao giải có chiều sâu hơn so với mùa liên hoan trước. Đặc biệt, tiết mục cuối vừa nhân văn vừa thời sự, đem lại nhiều cảm xúc cho người nghe" - nhà báo Cát Vũ nhận xét.
Bình luận (0)