Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương trong thời hội nhập là điều mà các thế hệ nghệ sĩ tâm huyết trăn trở. Tại hội thảo chuyên đề "Bảo tồn - phát triển nghệ thuật cải lương Nam Bộ", do Khoa Kịch hát Dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM tổ chức sáng 4-6, vấn đề này rất được giới sân khấu quan tâm, thảo luận sôi nổi.
Trường lớp thiếu học viên
Hiện nay, hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt diễn viên và nhạc công, đó là thực tế đáng buồn. Nhà giáo Nhân dân (NGND) Hà Quang Văn cho rằng việc giải tán các đoàn cải lương ở các tỉnh - thành, sáp nhập với các trung tâm văn hóa là sai lầm. "Chính sự sáp nhập đó đã khiến cải lương mất tính chuyên nghiệp" - NGND Hà Quang Văn khẳng định.
Trên thực tế nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo, trong đó có Khoa Kịch hát Dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, không tuyển đủ chỉ tiêu học viên. Việc thiếu học viên có chất giọng tốt là mối nguy lớn của công tác đào tạo diễn viên cải lương hiện nay.
Nhiều năm qua, nhìn lại thành tựu của khoa này, rất hiếm thấy diễn viên có giọng ca hay, tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Ngay cả các cuộc thi tuyển chọn giọng ca và diễn viên cải lương tổ chức hằng năm hoặc hai năm một lần như giải "Bông lúa vàng", "Chuông vàng vọng cổ", "Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu"… vẫn đang "hụt hơi" vì thiếu lực lượng thí sinh tranh tài. Do vậy, đầu vào của Khoa Kịch hát Dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM vấp phải khó khăn khiến thầy cô ở đây không mấy hồ hởi trong việc tuyển sinh khi chưa phát hiện được nhiều hạt giống mới.
Để hóa giải điều này, nhiều nhà chuyên môn đã hiến kế nên chăng nhà trường cần liên kết với hai cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương uy tín của TP HCM là giải "Bông lúa vàng" (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM) và giải "Chuông vàng vọng cổ" (HTV), cấp học bổng cho các thí sinh đã vào vòng chung kết để có nhiều học viên chất lượng.
Tuy nhiên, cũng đã có ý kiến cho rằng các thí sinh đoạt giải cao từ "Chuông vàng vọng cổ", "Bông lúa vàng" dễ dàng có cơ hội làm đào chánh, kép chánh; thậm chí đi hát quán ăn, hát đình, hát hội chợ, hát sự kiện… cũng đã có thu nhập khá, cần gì phải vào trường.
Theo TS Mai Mỹ Duyên, cơ hội được đào luyện chính quy, từ môi trường giáo dục nghiêm túc sẽ cho người diễn viên có nền tảng vững vàng trên con đường nghệ thuật. Về lý thuyết là vậy nhưng thực tiễn chứng minh không ít những học viên bước ra từ những trường đào tạo chính quy cũng không làm nên "cơm cháo" gì.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, quản lý Sân khấu IDECAF, nói: "Chúng ta đừng bắt khán giả mua vé xem cải lương để bảo tồn, trong khi chúng ta diễn quá dở. Muốn diễn hay, làm hay thì khâu đào tạo phải tốt, phải có giáo trình chuyên nghiệp".
NSND Minh Vương và NSND Lệ Thủy thuộc thế hệ nghệ sĩ được đào tạo bằng phương pháp truyền nghề. Trong ảnh: Cảnh trong vở “Đêm lạnh chùa hoang”
Phải thay đổi để thích ứng
Nhà giáo Xuân Hiểu, người có hơn 50 năm đứng trên bục giảng, nhìn nhận không thể so sánh thời đại học nghề ca diễn sau cánh gà sân khấu với thời đại hội nhập hôm nay. Sàn diễn cải lương thời nay đã khác, suất diễn ngày càng giảm thì lấy đâu ra cánh gà sân khấu để dạy và học. Vì vậy, đào tạo cũng phải thay đổi, tìm phương cách mới. "Trong khi ở các nước, giáo trình giảng dạy 5 năm được cập nhật, thay đổi, còn ở ta vẫn cứ dạy và học theo giáo trình quá cũ, không bắt kịp yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0" - nhà giáo Xuân Hiểu thẳng thắn.
NSND Thanh Hải cho rằng cần mời ngay các nghệ sĩ có tài, có kinh nghiệm tham gia công tác giảng dạy. Chính họ với kinh nghiệm thực tiễn sẽ góp phần nâng tầm giáo trình, thu hút sinh viên muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp tụ về.
NSƯT Ca Lê Hồng cũng cho rằng bên cạnh chuẩn hóa giáo trình, nhà trường không thể ngồi một chỗ để tuyển sinh mà phải tìm kiếm trong đời sống, phát hiện kịp thời những tài năng mầm non để đưa về trường đào tạo.
Như vậy, chính cơ chế lâu nay đã "bó chân" công tác đào tạo diễn viên. Mong muốn của Khoa Kịch hát Dân tộc Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM qua hội thảo này là được mở mã ngành cho hệ đại học nhưng thực tế đang vướng phải nhiều vấn đề nan giải: Ngay cả hệ cao đẳng, mỗi năm còn không đủ chỉ tiêu, phải gom vào cả sinh viên dự thi khoa kịch nói không đủ điểm, chỉ ca được vài bài hát mang âm hưởng dân ca là được tuyển thẳng thì nói gì đến việc mở khoa diễn viên cải lương hệ đại học. Điều khiến các nhà chuyên môn băn khoăn là khi mở hệ đại học, với tính đặc thù của nghệ thuật cải lương từ lâu nay, việc đòi hỏi các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia giảng dạy phải có bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ là khó như lên trời. Họ đều trưởng thành từ cánh gà sân khấu các đoàn hát, lớn lên từ những kinh nghiệm truyền nghề theo cách "cha truyền con nối", cần có cơ chế đặc thù để được đứng trên bục giảng.
Tranh cãi bằng cấp bậc học
Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc cho rằng không nên chia cấp bậc vì có khán giả nào ngồi xem diễn mà phân loại đâu là nhân vật "Dương Vân Nga" trung cấp, đâu là "Dương Vân Nga" đại học, họ chỉ biết vai diễn đó hay hoặc dở mà thôi. Nhưng NGND Hà Quang Văn thì ủng hộ cấp học, bởi theo ông cần nâng tầm đào tạo bậc đại học cho khoa diễn viên, để từ đó đào tạo thế hệ chuyên sâu, đi vào vai diễn theo cách am hiểu lý luận, ứng dụng trong việc vừa biểu diễn vừa làm công tác nghiên cứu để có thêm nguồn diễn viên cải lương có trình độ kiến thức cao.
Soạn giả Đăng Minh nhìn nhận vấn đề này có vẻ thực tế hơn khi cho rằng các nghệ sĩ đang công tác tại các nhà hát công lập như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đến nay vẫn chưa vào được biên chế, vì không có bằng cấp. Bậc lương cũng không thể tăng thêm khi không vượt qua cái "ải" này.
Bình luận (0)