Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động, đã trao đến 2 nghệ sĩ món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái" với số tiền 5 triệu đồng/người.
Nghệ sĩ Hề Sa - tài hoa với bài vọng cổ hài
Tại bệnh viện Nguyễn Trãi, chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã gặp chị Lê Thị Thu Ngân - con gái của nghệ sĩ Hề Sa. Chị cho biết ông nhập viện ngày 9-10, trong trạng thái gần như hôn mê. Các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán ông bị tràn dịch phổi, suy tim, suy thận. Sau thời gian điều trị, hiện ông vẫn tiếp tục điều trị trong khoa cấp cứu.
Nghệ sĩ Hề Sa
Chương trình Mai Vàng nhân ái tặng quà cho nghệ sĩ Hề Sa (con gái Hề Sa nhận thay tại BV Nguyễn Trãi)
Nghệ sĩ Hề Sa tên thật là Lê Văn Sa, sinh năm 1941 tại Long Bình - Thủ Đức (Sài Gòn, nay là quận 9, TP HCM). Là một nghệ sĩ hài, về chiều ông sống trong hoàn cảnh vô cùng khốn khó, gia sản tiêu tan sau nhiều lần ông lâm bệnh và hiện vẫn ở nhà thuê.
Cuộc đời của nghệ sĩ Hề Sa "3 chìm 7 nổi" cũng giống như cách ca vọng cổ hài, thấy vui đó nhưng lại rất buồn và ngược lại. Được xem là thế hệ đàn em của nghệ sĩ Văn Hường, nghệ sĩ Hề Sa có lối ca vọng cổ nhả chữ điệu nghệ, độc đáo, chất giọng ự ự rất duyên.
Ông đã tạo một vị trí đặc biệt trong làng sân khấu thập niên 1960 và 1970. Đặc biệt là các bài vọng cổ hài được công chúng yêu thích một thời: "Lính già vui tính", "Tiểu đoàn 307", "Anh Ba Hưng", "Pháp sư giải nghệ", "Vụ mùa bội thu", "Trăng tháng tám", "Thần tài giũ sổ", "Tứ đổ tường", "Năm người vợ"...
Chính thức bước lên sàn diễn năm 18 tuổi, sân khấu đầu tiên nghệ sĩ Hề Sa theo là đoàn "Tiếng vang Thủ Đô", sau đó chuyển về đoàn "Thủ Đô 1" trong một lần được diễn thế vai quái kiệt Bảy Xê, đứng chung sàn diễn với "Hoàng đế dĩa nhựa" Tấn Tài và nữ nghệ sĩ Trương Ánh Loan.
Nghệ sĩ Hề Sa đang được điều trị tại BV Nguyễn Trãi
Sau đó, ông về đoàn "Trăng Mùa Thu", rồi Kim Chung diễn cùng với Tấn Tài, Lệ Thủy… được ông bầu Kim Chung cử sang Pháp biểu diễn cùng đoàn, tạo tiếng vang khi được khán giả kiều bào yêu thích.
Năm 1968, ông xuất hiện trên nhiều ấn phẩm của Hãng dĩa Tứ Hải, được khán giả yêu thích với các bài vọng cổ hài: "Trời sanh trâu, sanh cỏ", "Tôi đi làm rể", "Hề Sa đi Pháp", "Hề Sa cầu hôn", "Lệnh xé xác, lệnh xé túi"... Thịnh hành nhất là dĩa "Khi người say biết yêu" cho đến ngày nay khán giả mộ điệu vẫn còn yêu thích.
Nhận được món quà của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", chị Ngân đã thay mặt cha bày tỏ: "Tôi đại diện gia đình cảm ơn Báo Người Lao Động và Ngân hàng Nam Á đã dành sự quan tâm đến cha tôi. Gia đình tôi thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng ba tôi vẫn cố gắng bám nghề, hôm nay ông biết được tin này, ông sẽ vui mừng lắm".
Nhà văn, tác giả Minh Khoa - "Người ven đô" bất hủ
Đoàn đã đến thăm nhà văn - tác giả sân khấu - đại tá Minh Khoa. Ông tên thật là Đặng Quang Hổ, sinh năm 1928 tại Sài Gòn, là cựu học sinh và giữ chức Đoàn phó của Đoàn "S.E.T" Trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Sài Gòn (năm 1943), thuộc cán bộ tiền khởi nghĩa.
Ông là nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng lão thành, lớn lên trong sự trui rèn của môi trường quân đội. Chính vì thế, các tác phẩm của ông hừng hực khí thế anh hùng ca, các nhân vật trong tác phẩm văn học đến kịch bản sân khấu đầy tính sử thi dân tộc.
Nhà văn - đại tá Minh Khoa bị ung thư tiền liệt tuyến đã 10 năm, nay đôi chân cũng bị liệt nhưng ông vẫn trăn trở với những tác phẩm còn dang dở.
Ông Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập Báo SGGP chúc mừng đại tá - nhà văn Minh Khoa nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật
Chương trình tặng quà cho nhà văn, tác giả sân khấu Minh Khoa
Thời niên thiếu, ông hoạt động bí mật cho Việt Minh với vỏ bọc là thầy giáo. Cuộc đời làm văn nghệ của ông khởi đầu ở đất Bắc và kết quả chín rộ khi trở về miền Nam. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn "Kéo cày" đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 1958.
Trước đó, ông được tin vui từ trong Nam, là cô Ngọc Kha (vợ ông) sinh con trai và đặt tên là Minh Khoa, kể từ đó khi sáng tác ông lấy bút danh Minh Khoa. Năm 1960, ông làm Chính trị viên Tiểu đoàn Pháo binh 105, E4, F330. Năm 1961, ông được lệnh trở về Nam công tác tại Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam cho đến ngày giải phóng (1975).
Trong suốt giai đoạn này, tác giả Minh Khoa vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm viết sáng tác. Hành trang văn học của ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu: "Cho máu chảy vào tim" (1962), "Lá thư chưa kịp gởi", "Người lái xe tòng quân" (1963), "Không rời đồng đội" (truyện ngắn, giải Nhất Văn nghệ miền Đông - 1964), "Một viên đạn một quân thù" (1965), "Chiến công đồi Khánh", "Con người thép trong lửa đạn" (1967), "Làn sóng điện kỳ diệu", "Người chị xóm nhỏ", "Cô gái quân nhu vùng hậu địch", "Ông lão lái đò trên sông Sài Gòn", "Người thợ rừng", "Ông lão trồng mai" (1968), "Chú bé Cả Xên" (1972), "Quật khởi" (1973),... đó là những truyện ngắn, truyện ký, truyện dài đều được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam và in thành sách phát hành.
Nhà báo Dương Thị Liên Chi (Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP HCM, nhà báo Thanh Hiệp (báo Người Lao Đông), soạn giả Phi Hùng và nhà văn, tác giả Minh Khoa tại cuộc tọa đàm về sáng tác kịch bản văn học do HTV tổ chức năm 2008 (ảnh Thái Loan)
Sau ngày giải phóng miền Nam, ông làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7 (1976-1988).
Về văn xuôi, ông cho ra đời những tác phẩm: "Ông lão chăn dê và chàng trinh sát" (1981, NXB VNTP, Hội Nhà văn VN), "Trên lưng ngựa" (tập 1 - 1985, tập 2 - 1986, tập 3 - 1994, NXB Trẻ), "Một tiếng đờn kìm" (1997, NXB Hội Nhà văn VN), "Một công binh xưởng bỏ túi" (2001, NXB QĐND), "Ông họa đồ Lanh" (2003, NXB Trẻ), "Những người hào kiệt" (2005, NXB VN TP.HCM),...
Ông đã viết nhiều kịch bản sân khấu, những tác phẩm có sức sống bền lâu và có sức thuyết phục công chúng mạnh mẽ phải kể đến: "Người ven đô", "Hai cha con chú tự vệ", "Người con gái TP Bác Hồ", "Người con gái làng Mỹ Hạnh", "Bà mẹ giao liên", "Mùa mai nở", "Hồ Huấn Nghiệp", "Võ Văn Tần", "Bài ca Hắc Hải",...
NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói mỗi tác phẩm của tác giả Minh Khoa là một cuộc hành trình mà ông đi tìm nhân vật có sự đồng cảm với số đông công chúng. Tác phẩm của ông mang đậm tính anh hùng ca, với những nhân vật sống động đầy tính sử thi dân tộc.
Cảm ơn sự hỗ trợ của Chương trình "Mai Vàng nhân ái", nhà văn Minh Khoa thổ lộ: "Món quà này là niềm động lực để tôi vượt qua bệnh tật, cảm ơn sự quan tâm, tình cảm của "Mai Vàng nhân ái" dành cho tôi".
"Mai Vàng nhân ái" được phát động tại Lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 25 của Báo Người Lao Động, với sự tham gia đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á. Chương trình nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng trong sáng tạo nghệ thuật, cống hiến cho công chúng những tác phẩm hay, những vai diễn xuất sắc, đang có hoàn cảnh khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, Chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ: NSND - đạo diễn Huỳnh Nga, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, Tiến Luân, nghệ sĩ Kim Giác, nghệ sĩ Điền Phong, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nghệ sĩ Hoàng Lan, nhà văn – nghệ sĩ Mạc Can, nghệ sĩ Chấn Đạt, NSƯT - họa sĩ Lê Trường Tiếu, nhà biên kịch Lê Khanh, nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Phan Văn Sáng, Mai Thành, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Hùng Minh, nghệ sĩ Tùng Lâm, ảo thuật gia Trần Bình, nghệ sĩ Thanh Thế, nghệ sĩ Mai Trần, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, nghệ sĩ Hữu Thành, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, nghệ sĩ Thanh Tú, NSƯT Thanh Nguyệt, đạo diễn Lê Văn Tĩnh, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (Đồng Tháp), NSƯT Phương Tùng (Long An), nghệ sĩ Thạch Sỹ Long, Kiều Mỹ Dung (Cần Thơ), NSƯT Ngô Tuyết Hoàn, ca sĩ Tuấn Phương (Hà Nội), nhạc sĩ Phan Thao, nhạc sĩ Kỳ Anh, NSND Thái Mạnh Hiển, GS - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời, nghệ sĩ Hoàng Vân, nghệ sĩ Diễm Trinh, nghệ sĩ Tuấn Phương, nghệ sĩ Trường Quang, NSƯT Ngọc Khanh, nghệ sĩ Tấn Thi, NSƯT Hoàng Thành, NSƯT Minh Tâm.
Chương trình cũng đã đến thăm, trao quà cho Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM và viếng tang lễ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm.
Bình luận (0)