Do đó, khi sáng tác, họ luôn ý thức và nỗ lực tìm đến nhiều thủ pháp nghệ thuật cũng không ngoài mục đích "chinh phục" công chúng. Tuy nhiên, với góc độ nghe/cảm nhận thì công chúng lại có cách "thẩm thấu" theo góc nhìn của họ. Điều này cho thấy, nếu một ca khúc mà giữa người nhạc sĩ và người nghe cùng đồng cảm thì đó là sự thành công.
Một trong những thủ pháp được lựa chọn, trong đó có thơ phổ nhạc, bởi trước hết, người nhạc sĩ tâm đắc với từng câu, từng chữ trong bài thơ nào đó. Ca khúc "Gái Xuân" của Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính là một thí dụ cho sự hài hòa, ưng ý giữa thơ và nhạc.
Mở đầu ca khúc/bài thơ này, tác giả cho biết cô ấy "Em như cô gái hãy còn Xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần". Chọn lấy cách nói này, thông qua "bụi trần" vốn là từ quen thuộc trong thơ cổ điển, ít nhiều cho thấy sự giao thoa, tiếp nối mà Thơ mới không đứt đoạn với truyền thống.
Văn bản ca khúc “Gái Xuân”
Từ "bụi trần" không những kết vần với "Xuân" mà còn ý nói là trong sạch, tinh khôi, chưa hề vấy bụi bẩn trên đời, nghĩa rộng còn là từ dùng để chỉ "cõi đời/cõi trần" - như ta từng gặp trong câu thơ truyện nôm "Quan Âm": "Còn chen vào đám bụi trần làm chi", tức là cô gái còn ngây thơ, trinh tiết, chưa biết mùi đời. Có thể nói "bụi trần" được sử dụng chỉn chu dành cho "Gái Xuân" khiến ngay lập tức người nghe nghĩ đến cô gái ấy còn mơn mởn Xuân xanh, tươi trẻ, hồn nhiên, vô tư.
Thế nhưng, thật "cao cơ" khi nhà thơ và nhạc sĩ không hề dùng đến từ "trẻ/trẻ trung" nhưng người nghe/đọc vẫn biết là trẻ. Nói như thế, hoàn toàn không suy diễn chủ quan mà "nói có sách, mách có chứng". Theo "Hán Việt tân từ điển" của Nguyễn Quốc Hùng, Xuân có nhiều nghĩa, trong đó: "Xuân hoa: Hoa nở về mùa Xuân, chỉ người con gái đẹp lúc đang còn tuổi trẻ; Xuân lan: Đóa hoa lan mùa Xuân, chỉ vẻ đẹp cao quý rực rỡ của người con gái" …
Vậy xin hỏi cắc cớ rằng hoàn cảnh cụ thể của cô gái này thế nào? Xin thưa, chính là Xuân nữ, "người con gái dậy thì, tới tuổi lấy chồng", do đó mới có câu "Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng". Đã hiểu Xuân theo nhiều nghĩa, vì thế tác giả mới nhấn mạnh trong "Gái Xuân" cả thảy 9 từ "Xuân", kể cả nhan đề của bài thơ.
Tuy nhiên, cũng là Xuân nhưng tùy ngữ cảnh được hiểu sang nghĩa khác, chứ không nhằm chỉ cô gái trẻ. "Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở", "Đêm Xuân cô ngủ có buồn không" thì "Xuân" này lại là mùa Xuân - mùa mở đầu trong một năm. Không những thế, "Đôi tám Xuân đi trên mái tóc" lại là chỉ thời gian, cụ thể chỉ về một năm, vì một năm có một mùa Xuân, như từ điển nêu trên giải thích. Vì lẽ đó, câu thơ nối theo, kết thúc bài thơ, mới là câu hỏi: "Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?".
Có thể nói, các từ Xuân trong ca khúc/bài thơ này gợi mở cho người tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau. Và đó cũng là lý do ngoài giai điệu, ca từ trong ca khúc "Gái Xuân" còn tạo nên mỹ cảm khiến nhiều người yêu thích là vậy.
Bình luận (0)