Trong vòng xoáy khó khăn bởi dịch Covid-19, ít ngành nghề nào tránh khỏi ảnh hưởng nhưng với thiết kế mỹ thuật sân khấu, đây là thời điểm mà do để tiết kiệm, trang trí sáng tạo và thích ứng đã lên ngôi. Nhiều tác phẩm sân khấu gần đây - như: "Bạch Hải Đường", "Bàn tay của trời" (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), "Công lý như mặt trời" (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM), "Nàng Xê Đa" (Sân khấu Cải lương mới Đại Việt), "Áo cưới trước cổng chùa", "Giấc mộng đêm xuân" (Nhà hát Trần Hữu Trang), "Lời nguyền phù thủy" (Sân khấu Kịch IDECAF", "Làm đĩ" (Sân khấu Hồng Vân - Phú Nhuận)… - đã tạo được tiếng vang một phần nhờ trang trí sân khấu độc đáo.
Rẻ, bền, đẹp
Trước đây, khi nói về trang trí sân khấu, người ta vẫn thường nghĩ tới những công trình hoành tráng được đầu tư tiền tỉ. Thế nhưng, hiện nay, "rẻ, bền, đẹp" là phương châm của các ông bà bầu. Do đó, nhiều sân khấu đã nghĩ đến cách sáng tạo cảnh trí mà có thể sử dụng cho nhiều không gian, để bục bệ, phông màn, khung hình, màn ảnh led có thể thích ứng hợp lý trong nhiều vở diễn.
Khi làm việc với nữ họa sĩ Kim B về trang trí sân khấu cho vở "Bàn tay của trời", đạo diễn Ái Như muốn sử dụng chất liệu tranh Đông Hồ để khán giả thật sự lạc vào không gian của câu chuyện dân gian. Nữ họa sĩ Kim B đã thích ứng đầy sáng tạo, mang lại cho vở diễn này nét đẹp nền nã, nhất là sự chuyển cảnh tiện lợi, tạo không gian đa chiều trong việc thưởng thức của người xem về một vở kịch xưa nhưng nói chuyện ngày nay. Chính sự cộng hưởng trong trang trí mang tính sáng tạo và thích ứng đã thúc đẩy đạo diễn tìm kiếm hình thức dàn dựng mới mẻ.
NSND Trần Minh Ngọc thừa nhận chính sự tiết kiệm đã thúc đẩy những khác biệt mang tính độc đáo. "Có vở mời gọi người xem đến gần, để bóc tách từng lớp chất liệu của trang trí mỹ thuật. Có vở khiến khán giả thích thú khi phát hiện ở không gian trước, nó là những mỏ neo lơ lửng nhưng ở không gian này, nó là chiếc giường xinh xắn. Trang trí thích ứng đầy sáng tạo đã khiến khán giả tò mò. Trên chất liệu đó, người đạo diễn sắp đặt trong không gian nhiều dụng ý nghệ thuật khác nhau để tạo cảm giác mới mẻ liên tục" - ông phân tích.
Cũng ở không gian thích ứng đó, người xem còn tìm thấy sự kế thừa những giá trị thiết kế sân khấu truyền thống của nghệ sĩ trẻ thông qua các vở diễn cải lương. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết cô tìm thấy cảm hứng trong cách thiết kế sân khấu cho các vở cải lương tuồng cổ, không để cách làm cũ lấn át mà kiến tạo sự khác biệt bằng tranh thủy mặc, qua từng cảnh. Chính điều này giúp cho vở "San hà xã tắc" tạo hiệu ứng, hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của một ê-kíp diễn viên tuồng cổ trẻ đang gắn bó với đoàn Huỳnh Long.
Cảnh trong vở “Công lý như mặt trời” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM
Hài lòng là "tự giết mình"
NSND Hồng Vân thừa nhận đây là thời điểm các sân khấu phải tự xoay trở để tồn tại. "Đầu tư ít nhưng không thể dễ dãi. Nếu tự hài lòng là "giết mình", tức vở sẽ mất đi tính sáng tạo, hình thức dàn dựng sẽ nghèo nàn" - NSND Hồng Vân nhấn mạnh.
NSƯT Lê Nguyên Đạt, ông bầu Sân khấu Sen Việt, cho biết mô hình sân khấu nhỏ dành cho cải lương tại tầng 1 ngôi nhà 5B Võ Văn Tần thử thách khâu thiết kế mỹ thuật. Để tạo chiều sâu không gian thì có sự hỗ trợ của màn ảnh led nhưng với bục bệ chỗ chứa trong kho quá chật hẹp càng gây khó cho khâu thiết kế. Do vậy, từ khi Hội quán Sen Việt ra đời, những chiếc bàn đều được thiết kế gọn nhẹ, lồng vào nhau và có thể kết nối thành bục dài, dựng đứng hoặc nằm ngang, không chiếm nhiều sàn diễn. "Đó là sự thích ứng sáng tạo để khi diễn vở dài cuối tuần đều có thể sử dụng" - NSƯT Lê Nguyên Đạt nói.
Họa sĩ thiết kế Thế Hưng, người tạo không gian mỹ thuật cho vở "Công lý như mặt trời" của đạo diễn Chánh Trực tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM, đã nhận được lời khen ngợi của các nhà chuyên môn. Bởi lẽ, anh đã vận dụng ưu thế của sân khấu nhỏ 5B, lấy khán phòng làm sàn diễn, để khán giả ngồi quanh sân khấu tròn và ở những tầng không gian khác nhau, sự thích ứng của bục bệ, phông màn hòa quyện một cách hợp lý và đầy sáng tạo.
Có thể nói, chính sự thích ứng và sáng tạo của đời sống mỹ thuật sân khấu hôm nay đã giúp các đơn vị nghệ thuật giảm phần nào kinh phí đầu tư trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh mà vẫn bảo đảm được chất lượng nghệ thuật. Điều này đã truyền cảm hứng cho thế hệ họa sĩ thiết kế trẻ nhưng chưa đồng bộ vì thiếu chiến lược, giúp họ tiếp bước trong việc giới thiệu các tác phẩm sân khấu vận dụng sự đa dạng về chất liệu, hội họa, nghệ thuật sắp đặt, đến những ý tưởng khơi gợi suy tư cho người xem khi đến sân khấu.
Cần sự đầu tư thích đáng
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, từng bày tỏ nỗi lo khi sân khấu thiếu đội ngũ kế thừa từ các khâu sáng tạo vở diễn, trong đó đáng lo nhất là thiết kế mỹ thuật. Việc xã hội hóa đối với một số loại hình nghệ thuật - trong đó có kịch nói, cải lương - đang được tiến hành ở TP HCM. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều băn khoăn, tranh luận về phương thức tiến hành cũng như mục tiêu của hoạt động này.
"Nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng đối với từng đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, kể cả xã hội hóa, để giúp các khâu sáng tạo, trong đó có thiết kế mỹ thuật, được nâng tầm chuyên nghiệp. Giá trị thẩm mỹ là cốt lõi mang đến cảm xúc cho người xem. Sân khấu hôm nay quá cũ, quá lạc hậu và nghèo nàn, để nâng tầm chuyên nghiệp thì cần sự đầu tư đồng bộ, trong đó có đội ngũ thiết kế mỹ thuật" - NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận.
Bình luận (0)