Học xong lớp 12, tôi lên TP HCM học đại học. Đó là lần đầu tiên tôi một mình xa nhà. Cũng không ngờ sau chuyến đi đó, ngót nghét đã gần 6 năm tôi ở lại thành phố này.
Tôi nhớ mãi chuyến xe đò năm đó đưa tôi vào Bến xe Miền Tây. Người ta nói bến xe là nơi điển hình về sự đông đúc và phức tạp, quả chẳng sai chút nào. Tôi thấy mình lạc lõng và nhỏ bé giữa biển người. Đứng nép vào một góc và từ chối tất cả những lời mời mọc từ taxi cho đến xe ôm, tôi bắt đầu sợ. Bỗng từ sau chợt vang lên tiếng của một người đàn ông tuổi trung niên, hình như chú ấy cũng chạy xe ôm trong bến. Chú nhìn một lúc lâu vào tờ giấy nhỏ ghi địa chỉ nhà một người quen của tôi rồi chỉ tay về phía chiếc xe buýt đằng xa: "Con lên xe đó mà đi cho đỡ tốn tiền, đây về đó xa lắm!". Mừng quá tôi chỉ kịp cảm ơn chú rồi nhanh chân chạy về hướng xe buýt, cũng vừa kịp lúc xe rời bến.
TP HCM lần đầu với tôi mọi thứ đều lạ lẫm. Bất giác tôi tự hỏi tại sao chú xe ôm ấy không chọn cách chèo kéo tôi như bao người khác đã làm? Tại sao không, khi số tiền kiếm được sau một cuốc xe có thể giúp chú trang trải một bữa cơm đủ đầy? Có lẽ chú nhìn thấy bóng dáng của chú hay người thân nào của chú vài chục năm về trước khi thấy tôi bơ vơ ở bến xe? Có lẽ đã từng có ai đó giúp chú như chú đã giúp tôi? Có thể sau khi tôi đi, rất lâu sau chú mới có thể chở được một người khách khác, nhưng chú vẫn chọn giúp tôi.
Bến xe miền Tây, nơi lần đầu tiên tác giả đặt chân đến TP HCM. Ảnh: GIA MINH
Sau vài ngày tá túc nhà người quen, tôi quyết định tìm nhà trọ gần trường để tiện việc học hành. Tôi dò la tin tức về các khu trọ giá rẻ và TP HCM thêm lần nữa ưu ái cho tôi. Tôi tìm được một căn phòng trọ nhỏ sau trường, được một anh đồng hương giúp tôi chuyển đến chỗ trọ mới và mua vài món đồ cần thiết. Anh ấy và tôi vốn chẳng phải người thân, cũng chẳng hề biết nhiều về nhau. Có lẽ tôi lúc ấy cũng chính là hình ảnh của anh nhiều năm về trước. Anh ấy, hay chú xe ôm ở bến xe, chọn cách giúp tôi như một cách trả ơn TP HCM. Bẵng đi một vài năm tôi và anh ấy chẳng còn liên lạc. Tôi giờ không còn lạ nước lạ cái như hồi đó, anh cũng còn nhiều mối lo toan và tôi vẫn chưa có dịp để trả ơn anh. Nhưng giữa những điều xa lạ năm đó, anh luôn là một ân nhân.
Dường như với TP HCM, tôi thường nhận được nhiều điều may mắn, tốt đẹp, được nhiều người đối đãi tốt. Tôi nhận làm gia sư trong một gia đình người TP HCM chánh hiệu. Tuần ba buổi tôi bắt xe buýt đi làm, có những hôm về đến nhà đã hơn 22 giờ, riết rồi khó khăn mấy cũng thành quen. Cô chủ nhà đã hơn một lần ngỏ ý cho tôi mượn xe máy để tiện việc đi lại nhưng tôi từ chối, phần vì ngại. Có nhiều hôm cô rủ tôi ở lại ăn tối. Cô luôn dặn cứ xem cô như người nhà, vì cô cũng trạc tuổi mẹ tôi và các em con cô cũng gọi tôi là chị thay vì gọi cô. Chỉ là những điều nhỏ nhoi thôi nhưng cô khiến tôi luôn thấy mình không đơn độc. Thời gian trôi, các em lớn dần và tôi cũng không còn đủ thời gian để gắn bó với gia đình cô nữa. Như một trạm dừng chân giữa TP HCM huyên náo, tình cảm của cô dành cho tôi thật chân thành và nồng ấm.
Rồi một ngày tôi được nhận vào dạy tại một trung tâm tiếng Anh có hai chị chủ là người gốc TP HCM. Niềm vui xen lẫn nỗi lo khi tôi vốn là một đứa rụt rè, lần đầu đứng trước một lớp học đông người với tôi là một thử thách quá lớn. Lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ mình bị mất việc vì quá non kinh nghiệm, nhưng may mắn thay, hai chị luôn động viên và chỉ dẫn tôi từng chút một. Tôi cẩn thận ghi chép lại từng điều mình học được ở đây. Hơn cả một công việc, các chị xem tôi như người một nhà, để rồi sau bốn năm gắn bó, chính hai chị đã truyền cho tôi niềm đam mê dạy học. Tôi giờ đây cũng dần cứng cáp để trở thành một giáo viên của một trường tiểu học, cũng chẳng còn ngại ngùng khi đứng trước hàng trăm học sinh như bốn năm trước. Ngày rời khỏi trung tâm, trái tim tôi lại thêm lần nữa rung rinh trước những chân tình mà hai chị đã gửi gắm.
Sau này đi làm, tôi gặp gỡ và biết thêm rất nhiều người. Không phải ai cũng đều sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng họ đều nép vào lòng TP HCM mà lớn lên rồi bụng dạ cũng thiệt thà, hào sảng, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác mà chẳng một chút đắn đo. Họ xứng đáng được gọi là những người TP HCM nồng hậu, bởi chính nhờ họ mà thành phố này thêm gần gũi và được yêu thương mỗi ngày, để mỗi người đến đây dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều được đối đãi như người nhà. Để khi lòng muốn rời đi, TP HCM luôn nắm níu ta ở lại bằng cách này hay cách khác như cách mà nó đã giữ chân chú xe ôm, người anh đồng hương hay như chính tôi ở lại qua ngần ấy năm.
Hôm nay, 15-7 sẽ hết hạn gửi bài dự thi Thơ và Tạp bút
Đến 24 giờ hôm nay, ngày 15-7, cuộc thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng" sẽ kết thúc nhận bài dự thi.
Cuộc thi đã bắt đầu từ ngày 10-4, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia và Ban Tổ chức đã chọn đăng các bài đạt chất lượng trên báo in Người Lao Động số ra chủ nhật và trên Người Lao Động Online.
Mỗi thể loại dự thi có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)