Ông bạn hàng xóm vừa nói vừa cười: "Chuyến này dân xứ mình mua hết vàng, khi người ta trúng đất trong một vụ bồi thường tiền tỉ. Đi tới đâu, người ta cũng nhắc tới tiền, nhà cửa ngổn ngang cát đá, nhìn đâu cũng thấy niềm hớn hở".
Bỗng dưng một hôm khi bước ra đường, bạn thấy rất nhiều… đại gia. Người ta chuẩn bị cho công cuộc đổi đời bằng cách sắm sửa thật nhiều vật dụng trong nhà. Vừa mới thấy nhà kia có món này, hôm sau cả xóm lại ùn ùn kéo nhau ra chợ, thậm chí người mua sau phải mua cái lớn hơn, đắt hơn. Ông già ngoài ngã tư cười ngất: "Chúng mày bỏ mấy chục triệu ra mua mà có trái táo cũng không được lành". Mấy lần ngó thấy mấy cụ già tay cầm điện thoại lướt lướt, mở mấy cái chương trình thực tế game show, bật karaoke dậy làng, làm lòng bạn có chút tổn thương. Dường như trong họ chẳng có chút gì xót xa khi miếng đất sau nhà chia năm xẻ bảy, đám con cháu tụ tập thành những tay chơi miệt vườn thứ thiệt.
Giữ được ruộng đất để canh tác là còn giữ được cuộc sống bình dị, chân chất của người nông dân Nam Bộ Ảnh: NGỌC TRINH
Bạn nhìn mấy bụi chuối tơi tả bên đường, mấy thành lan can móp méo của chiếc cầu ngoài ngã tư mà buồn tan nát. Mấy ông cụ già đến tuổi chống gậy cũng tưng bừng rủ nhau đi sắm xe máy. Mắt mờ, tay yếu, chân run rẩy đâu có cản nổi sự giàu sang ập đến. Mấy chiếc xe mất lái ngã nhào, hết lủi vô bụi chuối lại phóng vào lan can cầu đung đưa. Đám thanh niên trong xóm đầu tóc phất phơ phóng xe vù vù, người trong nhà ngó ra chửi đổng mà chẳng nhằm nhò gì với chúng. Đám học trò bỏ rơi chiếc xe đạp ở bên hông hè gỉ sét, quăng chiếc điện thoại "cùi bắp" cho đứa em chơi nhà chòi. Bạn cũng quen với việc dừng xe tấp vô lề khi thấy đoàn xe cảm tử quân mang tên… học trò. Cảnh sát giao thông gọi vào kiểm tra, đám học trò cười cười "mình không". Anh cảnh sát giao thông bực mình "tôi hỏi giấy tờ đâu". Đám học trò vẫn bình thản "đã nói mình không hà". Xe được chở về huyện, đám học trò lội bộ lơn tơn về mà mặt vẫn tươi cười như chuyện vừa mới xảy ra chẳng hề hấn gì với chúng.
Có lần, ông già tóc bạc phơ đưa tấm bằng lái về phía cảnh sát giao thông với vẻ điềm nhiên của tuổi già. Ông già chỉ thật sự cuống lên lúc anh cảnh sát giao thông nói "bằng lái giả". Nghe nói bữa đó ông già cự dữ lắm "bằng lái mua 3 triệu rưỡi mà giả cái gì". Cả xóm cười sém ngất. Hỏi ông già, còn dám chạy xe nữa không? Ông già trả lời tỉnh bơ "có sao không mậy". Những điều ấy đâu có làm họ chùn chân, hưởng giàu có còn được bao năm nữa…
Bạn cũng lắc đầu khi đi ngang những người phụ nữ bỏ hết việc đồng áng đi… làm đẹp. Họ đổ xô tới mấy thẩm mỹ viện, chạy vào mấy cửa hàng thời trang để khoác lên mình những bộ đồ diêm dúa mà gắn vào đâu cũng thấy lẻ loi. Đôi khi mặc đầm lội bộ khơi khơi ngoài đường chỉ vì cho bà bạn kế bên nhà biết được mình cũng chịu chơi. Mùi của những chai nước hoa không làm bạn dễ chịu hơn mùi của nắng gió quê mình. Bà già quyết tâm rũ bỏ bộ bà ba cười hề hề "ăn theo thuở ở theo thời", vậy nên bà cũng bỏ luôn mấy tuồng cải lương đi vào quên lãng. Chiếc loa của bà sẵn sàng phát ra thứ âm thanh đi thẳng đến tai người. Đám cháu trong nhà khoe với xóm: "Mày thấy bà ngoại tao chịu chơi không?".
Người ta quên mất mình đã phụ rẫy cánh đồng bao đời gắn bó. Nụ cười hớn hở ngày nào giờ chợt tắt, khi thứ còn lại là lẻ loi và cô độc. Các thiết bị điện tử, xe máy đâu có đưa con người ta đến với sự ấm no. Số tiền được bồi thường cũng vì thế mà vơi dần, người với người cũng trở nên xa cách hơn. Bạn thấy mình chơi vơi giữa bụi đường xuôi ngược, cái bờ ruộng năm nào đã bị phá nát bởi cát đá bủa vây. Chắc là bạn phải đi đến một nơi rất xa, có cánh đồng mênh mông nước.
Ai trả lại ngày xưa?
Bạn đứng gần mé sông, nghe gió thổi qua bờ lá. Ánh nhìn của bạn biết gửi vào đâu... Ai trả cho bạn hình ảnh bà già ngày xưa vẫn dỗ cháu ngủ bằng mấy câu hát ru nghe đến xốn xang, ai lấy đi mất những người phụ nữ tối ngày đầu tắt mặt tối chỉ biết cúi mình vào đất, ai đã biến lũ trẻ con hồn nhiên trong xóm của bạn thành những đứa trẻ chỉ biết vùi đầu vào máy móc.
Bình luận (0)